Hàng tiêu dùng, thực phẩm, may mặc… được người dân chọn mua nhiều
Là địa phương miền núi, nhu cầu hàng hóa chính hãng, giá cả phải chăng rất lớn, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn đã và đang trở thành một trong những hoạt động trọng tâm của Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (CVĐ) khi triển khai trên địa bàn tỉnh Sơn La. Chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay, Sở Công Thương tỉnh đã phối hợp cùng các địa phương trong tỉnh tổ chức 15 phiên chợ, chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, thu hút hơn 40.000 lượt khách tham quan, mua sắm. Bình quân mỗi phiên chợ có khoảng 20 - 25 doanh nghiệp (DN) tham gia quảng bá, giới thiệu, bán hàng Việt đến người tiêu dùng.
Tính từ lần đầu tiên tổ chức (năm 2010) đến nay, đã có hàng trăm phiên chợ hàng Việt về nông thôn được tổ chức tại các huyện, thành phố trên địa bàn, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Tại các phiên chợ, bà con có cơ hội tiếp cận với nhiều loại hàng hóa có chất lượng, giá cả phù hợp do các DN trong nước sản xuất. Các DN còn tổ chức nhiều chương trình bán hàng khuyến mãi, tặng kèm sản phẩm để thu hút bà con, từ đó từng bước hình thành thói quen sử dụng hàng Việt Nam. Ngoài ra, tại các phiên chợ ở khu vực nông thôn, những người bán hàng đã trở thành kênh tuyên truyền tích cực cho hàng Việt Nam, giúp người tiêu dùng hiểu rõ chất lượng, giá cả các sản phẩm, từ đó ưu tiên sử dụng.
Không chỉ giúp tiêu thụ sản phẩm, các phiên chợ đã tạo cơ hội cho hàng Việt Nam "bám rễ" tốt hơn tại các cửa hàng, kênh phân phối. Thống kê của Sở Công Thương Sơn La cho thấy, hiện nay, tại các siêu thị, cửa hàng hay các khu chợ truyền thống tại các huyện, tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm khoảng 60 - 80%. Đặc biệt, tại 7 Điểm bán hàng Việt Nam được xây dựng tại các huyện, tỷ lệ hàng Việt Nam lên đến 90 - 100%. Các mặt hàng được sản xuất trong nước như hàng tiêu dùng, thực phẩm, may mặc, cơ khí, công nghiệp… chiếm ưu thế, được người dân chọn mua rất nhiều.
Bên cạnh kết quả đạt được, Chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn Sơn La còn tồn tại một số hạn chế như địa bàn rộng, việc triển khai chương trình còn nhiều khó khăn; sức mua không đồng đều, chỉ tăng cao vào một số thời điểm nhất định trong năm nên một số DN chưa mặn mà tham gia. Chưa kể, do kinh phí còn hạn chế, các phiên chợ chỉ được tổ chức vài năm một lần, thời gian tổ chức ngắn (3 - 5 ngày) nên hiệu quả chưa cao.
Với mục đích nhân rộng những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh Sơn La sẽ triển khai mạnh mẽ các hoạt động tuyên truyền, kết hợp tổ chức nhiều hơn các phiên chợ, chuyến đưa hàng Việt về nông thôn để hàng Việt Nam chiếm lĩnh tốt hơn địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh. Qua đó, giúp bà con có điều kiện tiếp cận, sử dụng các sản phẩm có chất lượng, giá cả phù hợp. Đồng thời, tranh thủ sức lan tỏa của các phiên chợ, chuyến đưa hàng Việt về nông thôn để xây dựng thêm nhiều Điểm bán hàng Việt Nam nhằm "tiếp sức" cho các DN Việt Nam tiếp tục sản xuất các sản phẩm có chất lượng, giá cả phù hợp, sức cạnh tranh cao, phục vụ tốt cho người tiêu dùng.
Theo Sở Công Thương tỉnh Sơn La, hiện nay, nhận thức của người tiêu dùng Sơn La về các sản phẩm, hàng hóa Việt trên địa bàn tỉnh đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Người tiêu dùng thích và ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam vì tốt, bền và an toàn cho sức khỏe. |