Để hàng Việt vươn xa…
Hiện nay đa phần nông dân chỉ quen với tiêu chuẩn VietGAP, vẫn còn xa lạ với tiêu chuẩn GlobalG.A.P (Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu). Tuy nhiên, VietGAP chỉ được công nhận ở thị trường Việt Nam. Muốn sản phẩm Việt vươn xa ra thị trường nước ngoài, doanh nghiệp (DN), nông dân phải hướng đến tiêu chuẩn toàn cầu.
Theo bà Nguyễn Phi Vân, cố vấn về nhượng quyền cho Chính phủ Malaysia, có đến 3,6 tỉ dân số toàn cầu đã kết nối Internet. Trong đó, 53% người tiêu dùng online cảm thấy lạc lõng khi cắt kết nối, 31% người tiêu dùng chỉ muốn liên lạc online. Sự chuyển động thị trường đang mở ra nhiều cơ hội để DN nhập cuộc, nhanh chóng tiếp cận người tiêu dùng thế giới. Nhưng để đưa được hàng hóa vào thị trường thế giới, đặc biệt là những thị trường tiêu dùng lớn như Châu Á - Thái Bình Dương, châu Phi... thì hàng hóa phải đáp ứng các chuẩn mực của thị trường. Muốn làm được điều này, trước tiên DN phải tự chọn đích đến cho sản phẩm, nhìn lại những gì mình đang có, để trên cơ sở đó có sự đầu tư thích hợp giúp sản phẩm chinh phục thị trường mà DN hướng đến.
“Phải thoát khỏi khái niệm xem hàng Việt là hàng nội, phải xem hàng Việt cũng là hàng quốc tế thì mới cạnh tranh được trong thời kỳ hội nhập. Muốn vươn ra thế giới, sản phẩm Việt phải áp dụng theo tiêu chuẩn quốc tế, cả chất lượng và mẫu mã, bao bì”, bà Nguyễn Phi Vân chia sẻ.
Bà Nguyễn Kim Thanh, chuyên gia chuỗi an toàn thực phẩm, đánh giá, vừa qua trái xoài Việt Nam được xuất khẩu sang Mỹ là tin vui của ngành nông nghiệp. Nhưng để có thể “đứng vững” trên thị trường khó tính này là một quá trình rất dài, khoảng 10 năm, theo đuổi đáp ứng các tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật khắt khe của Mỹ từ vườn trồng, chăm sóc, quá trình thu hoạch đến xử lý sau thu hoạch, nhằm bảo đảm chất lượng… Tuy nhiên, kết quả có được đã cho thấy, đây là hướng đi đúng đắn để nâng cao giá trị cho trái xoài Việt Nam.
Theo thống kê, những năm gần đây, có 84% tổ chức thương mại sử dụng các tiêu chuẩn trong hoạt động xuất khẩu; 80% lượng giao dịch thương mại quốc tế chịu sự tác động của tiêu chuẩn. Đánh giá cao tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, rất nhiều sản phẩm Việt chưa đạt yêu cầu về chất lượng đối với người tiêu dùng trên thế giới, đặc biệt là các thị trường khó tính. DN Việt cần sản xuất sản phẩm theo chuẩn quốc tế để đi nhanh hơn, xa hơn, dễ dàng hội nhập hơn. Hàng hóa có tiêu chuẩn tốt sẽ giúp phát triển thị trường, gia tăng lợi nhuận. DN nên cố gắng khắc phục khó khăn, hướng đến áp dụng thành công các tiêu chuẩn quốc tế cho sản phẩm, bởi đó là xu hướng tất yếu, không chỉ giúp cho sản phẩm Việt vươn xa mà còn góp phần chăm sóc sức khỏe cho người dân bằng chính sản phẩm xanh, sạch, an toàn sản xuất trong nước.
Thực thế, hầu hết DN đều nhận thức được rằng, sản phẩm đạt chuẩn quốc tế sẽ được nâng tầm giá trị, nhưng thực hiện điều đó lại không hề đơn giản. Theo ông Nguyễn Công Luận - Phó tổng giám đốc Công ty CP Rau quả thực phẩm An Giang (ANTESCO) - nông dân đã và đang nỗ lực rất nhiều, song việc thực hiện GlobalG.A.P mới chỉ được bắt đầu. Khi áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, nông dân và DN gặp nhiều khó khăn do luôn trong tình trạng phải tự túc, trong khi phần lớn các hộ sản xuất và nhà sản xuất nông nghiệp nước ta có quy mô nhỏ và vừa, đặc biệt là sản xuất quy mô nhỏ đang chiếm hơn 70%, nên không đủ nguồn lực để triển khai, trừ trường hợp có sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế.
Nhằm thúc đẩy việc thực hiện sản xuất nông nghiệp theo chuẩn quốc tế, cộng đồng DN mong muốn Nhà nước có những chính sách hỗ trợ thiết thực, để người sản xuất nông nghiệp nhỏ tại Việt Nam có thể tham gia vào hệ thống tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế.
Xoay quanh vấn đề hỗ trợ sản xuất áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thông tin: Có hơn 1 triệu tiêu chuẩn được xây dựng và áp dụng trên thế giới hiện nay. Thời gian qua, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đồng thời tham gia 14 tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế. “Tiêu chuẩn quốc tế từng bước khẳng định lòng tin trên thị trường, mang lại lợi ích cho khách hàng, nông dân, DN, Nhà nước. Chắc chắn Nhà nước sẽ đồng hành cùng DN áp dụng tốt chuẩn quốc tế, tuy nhiên, Nhà nước chỉ mang tính dẫn dắt, phần quyết định vẫn thuộc về DN. Với rất nhiều tiêu chuẩn trên thị trường hiện nay, DN phải đặt ra mục tiêu cho sản phẩm của mình và nỗ lực chinh phục mục tiêu đó”, ông Nguyễn Hoàng Linh lưu ý.