Để những phiên chợ hàng Việt về nông thôn ngày chất lượng

Việc “Đưa hàng Việt về nông thôn” là hoạt động nằm trong chương trình thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động. Trong suốt thời gian qua, Sở Công thương các tỉnh thành phía Nam đã tập trung tổ chức các phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” thành những phiên chợ nhằm giúp người dân tiếp cận nhanh chóng và dễ dàng với hàng Việt, từ đó ưu tiên sử dụng hàng sản xuất trong nước.

Mỗi năm, phiên chợ hàng Việt lại được thay phiên nhau tổ chức tại các địa phương trong tỉnh Đắk Lắk (thuộc Chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia), là dịp để nhiều người tiêu dùng (NTD) vùng nông thôn có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp (DN), nhà phân phối Việt, tìm hiểu và chọn mua những sản phẩm Việt chất lượng với nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn. Tiếp cận với người tiêu dùng vùng sâu, DN Việt thêm một lần nữa khẳng định mình bằng những sản phẩm có chất lượng, giá hợp lý. Do đó, năm nào cũng vậy, phiên chợ hàng Việt luôn là dịp được nhiều người dân mong chờ.

Để tổ chức thành công các phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn”, Trung tâm Xúc tiến thương mại, Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk đã tìm hiểu, nghiên cứu kỹ tập quán sinh hoạt, mua sắm, nhu cầu thiết yếu về hàng hóa và thu nhập của nhân dân từng địa phương. Từ đó, tiến hành chiêu thương, mời gọi các doanh nghiệp có uy tín, có năng lực sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại, chuẩn bị hàng hóa phù hợp với nhu cầu và thu nhập của người dân.

Mỗi phiên chợ kéo dài vài ngày, thế nhưng đã thu hút rất đông người dân đến tham quan, mua sắm. Theo thống kê, từ năm 2010 đến 2014, Sở Công thương đã tổ chức 25 đợt đưa hàng Việt về nông thôn, thu hút trên 35.000 lượt người tham gia với doanh thu hơn 3,7 tỷ đồng. Năm 2015, có 2 phiên chợ được tổ chức tại huyện Krông Bông và Lắk với 164 gian hàng, thu hút gần 20.000 lượt người đến tham quan, mua sắm, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt trên 1 tỷ đồng. Tiếp đó, năm 2016, có 4 phiên chợ “Đưa hàng Việt về miền núi, vùng sâu vùng xa” tại Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Bông và M’Đrắk đã thu hút tổng cộng 48.560 lượt khách đến tham quan, mua sắm, doanh số bán ra đạt trên 6,4 tỷ đồng. Phiên chợ duy nhất của năm 2017 tổ chức tại huyện Cư M’gar gần đây cũng thu hút gần 7.000 lượt khách, doanh số bán hàng khoảng 550 triệu đồng. Không thể phủ nhận lợi ích từ các phiên chợ mang lại, đó là góp phần giúp độ nhận biết của người dân về hàng thật, hàng giả tăng lên, bản thân DN cũng nắm bắt được tâm lý, xu hướng tiêu dùng của người dân vùng nông thôn, từ đó, hoạch định cho mình chiến lược kinh doanh mới.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả những phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn, Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) tỉnh Đắk Lắk đang tập trung thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền về phiên chợ cũng như chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tới người tiêu dùng và doanh nghiệp. Vận động và lựa chọn những doanh nghiệp có uy tín cũng như các loại hàng hóa đa dạng, phong phú với mẫu mã, giá cả phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người dân khu vực nông thôn. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan làm tốt công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, điện, nước, an ninh… để phục vụ tốt cho việc tổ chức phiên chợ. Tiến tới vận động và phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức thêm các hoạt động khác như giới thiệu việc làm; tư vấn về sử dụng tiết kiệm năng lượng; các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em; vận động doanh nghiệp tham gia tặng quà cho gia đình chính sách, đối tượng gặp nhiều khó khăn… góp phần làm phong phú các hoạt động tại phiên chợ và thu hút người dân.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả của việc tổ chức các phiên chợ, thiết nghĩ, mỗi DN tham gia không những cần có sự đầu tư để nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm mà phải tích cực nghiên cứu thị trường để cung ứng các mặt hàng phù hợp với địa phương tại mỗi nơi tổ chức. Bên cạnh đó, nên chăng ngành Công thương tỉnh cần chủ động liên kết với các DN, tăng cường tổ chức các chuyến bán hàng lưu động, xây dựng điểm bán hàng Việt… để phục vụ NTD địa phương. Trong đó, cần chọn thời gian, địa điểm tổ chức hợp lý để tạo thuận lợi cho người dân đến tham quan, mua sắm. Như phiên chợ năm nay vừa mới diễn ra, người dân háo hức mong chờ nhưng lại rơi vào mùa mưa nên người đến với phiên chợ ít, không được như kỳ vọng.

Bình luận của bạn