Để nông sản Việt vào thị trường Trung Đông - châu Phi

Khu vực Trung Đông - châu Phi với dân số hơn 1,6 tỷ người và sức mua lớn đang là thị trường tiềm năng cho hàng nông, thủy sản của nước ta. Tuy nhiên, thị trường này khá khó tiếp cận do một số đặc thù như khác biệt văn hóa, tôn giáo, thói quen sử dụng thực phẩm hay tập quán kinh doanh, đòi hỏi cách tiếp cận thích hợp.

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo “Ngoại giao với hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Đông - châu Phi”, do Bộ Ngoại giao tổ chức tại Hà Nội, ngày 5-7. Hội thảo thu hút sự tham gia của các Đại sứ, Đại biện, Lãnh sự danh dự, đại diện Đại sứ quán các nước Trung Đông - châu Phi tại Việt Nam, cũng như đông đảo đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành, địa phương, và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công thương cho biết, Trung Đông - châu Phi bao gồm hơn 70 quốc gia với hơn 1,6 tỷ dân, có nhu cầu rất lớn về nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng nông, thủy sản do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, không có điều kiện để nuôi, trồng nông, thủy sản đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Năm 2017, kim ngạch nhập khẩu nông sản, thực phẩm của các nước châu Phi là 38 tỷ USD và dự kiến tăng lên 110 tỷ USD vào năm 2025. Còn thị trường Trung Đông, năm ngoái, nhập khẩu lương thực, thực phẩm của khu vực này đạt 43 tỷ USD, dự kiến tăng lên 70 tỷ USD vào năm 2025. Đây được coi là cơ hội đầy tiềm năng mở ra cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Theo đại diện của Vụ thị trường châu Á - châu Phi, tiếp cận thị trường Trung Đông - châu Phi là giải pháp tốt cho việc tìm kiếm các thị trường mới cho hàng nông, thủy sản nước ta để tránh phụ thuộc vào thị trường truyền thống, nhất là đây đều là thị trường có yêu cầu về an toàn thực phẩm chưa quá khắt khe, cũng như ít đi kèm với các chứng nhận khác đối với sản phẩm nông sản.

Trong những năm qua, xuất khẩu của mặt hàng này vào Trung Đông - châu Phi đã có nhiều khởi sắc, với tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản đạt hơn 1,3 tỷ USD vào năm 2017. Tuy nhiên đây vẫn là những con số rất khiêm tốn so với tiềm năng. Đặc biệt, theo ông Hưng, rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động xuất khẩu sang châu Phi nằm ở khâu thanh toán.

Do năng lực tài chính có hạn nên nhà nhập khẩu châu Phi thường đề nghị mua hàng trả chậm, dưới hình thức giao hàng tại điểm đến (CIF) và không mở thư tín dụng (L/C) do chi phí cao. Đây là phương thức thanh toán không an toàn nên hầu hết không được các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chấp thuận.

Ngoài ra, theo ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tại ở châu Phi, hàng nông sản Việt đang gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt do doanh nghiệp một số nước chấp nhận bán hàng trả chậm, trong khi doanh nghiệp Việt Nam yêu cầu thanh toán ngay, khiến cho nhiều đối tác chuyển hướng sang lựa chọn nhập khẩu từ doanh nghiệp nước ngoài chấp nhận bán hàng trả chậm.

Bên cạnh đó, việc thiếu thông tin về thị trường, đối tác cũng gây ra không ít cản trở cho doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường Trung Đông - châu Phi. Hiện, Việt Nam chỉ có chín Đại sứ quán và năm thương vụ tại châu Phi nên khả năng giới thiệu, thẩm tra năng lực đối tác, xin visa… còn gặp nhiều khó khăn, khiến các doanh nghiệp nước ta phải xuất khẩu qua các công ty trung gian quốc tế, dẫn đến làm đội giá và giảm tính cạnh tranh của mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam, cũng như vấp phải sự cạnh tranh gay gắt của các nước khác như Ấn Độ, Trung Quốc, hay Thái-lan.

Mặt khác, giữa hai bên chưa có ký kết FTA, thuế, hàng rào kỹ thuật chưa ổn định, không nhất quán; phương thức xuất khẩu của Việt Nam chưa đáp ứng được tập quán tiêu dùng của các nước Hồi giáo về đóng gói, phân phối, thị hiếu, chứng nhận Halal Food (chứng nhận sản phẩm đạt yêu cầu và được phép sử dụng đối với người Hồi giáo); rủi ro trong thanh toán cao… vẫn là rào cản đối với hàng nông, thủy sản Việt khi vào thị trường rộng lớn, đầy tiềm năng này.

Theo bà Đoàn Phương Lan, Phó Vụ trưởng Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao, với vai trò là cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã và đang phối hợp các cơ quan Nhà nước có liên quan trong việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam qua các mô hình hợp tác công - tư ở nước sở tại, cũng như tư vấn, hỗ trợ thông tin về thị trường thông qua các hoạt động ngoại giao phục vụ mục tiêu kinh tế.

Thông qua 17 cơ quan đại diện Việt Nam tại khu vực này, doanh nghiệp Việt có thể nhận được hỗ trợ về xác minh, thẩm tra năng lực đối tác để giảm thiểu các rủi ro trong quá trình đầu tư, mở rộng hợp tác.

Ngoài ra, các đầu mối này còn có thể hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với chính quyền ở nước sở tại, kết nối với các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp uy tín ở địa phương, kèm với đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại hoặc tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm ở nước ngoài, giới thiệu doanh nghiệp Việt tham gia các mô hình, dự án hợp tác, và mở các lớp đào tạo về chứng nhận Halal.

Đối với các địa phương chưa có mặt các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, bà Lan cũng nhấn mạnh vai trò của các Lãnh sự danh dự ở địa phương, cũng như tranh thủ nguồn lực của kiều bào Việt Nam ở nước sở tại để cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xuất khẩu, đầu tư ra nước ngoài.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Quốc Hưng cho rằng, thông tin có vai trò to lớn trong việc xúc tiến các hoạt động thương mại, đầu tư. Thực tế hiện nay, thông tin hai chiều giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi còn những hạn chế nhất định. Vì vậy, hai bên cần quan tâm phát triển công tác thông tin tuyên truyền nhằm tạo ra nguồn thông tin phong phú, đáng tin cậy về thị trường, từ đó nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp hai bên về tiềm năng thị trường to lớn của nhau.

Ngoài ra, ông Hưng cũng khuyến nghị cần tích cực thúc đẩy hợp tác song phương thông qua kênh Ủy ban hỗn hợp/ Ủy ban liên chính phủ giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Trung Đông - châu Phi, bên cạnh việc đầu tư quảng bá thương hiệu nông, thủy sản của Việt Nam tại các nước trong khu vực, khuyến khích doanh nghiệp chú trọng vấn đề thương hiệu và tương quan chất lượng - giá cả.

Bình luận của bạn