Để rau quả xuất khẩu giữ vững đà tăng trưởng

Trong bối cảnh nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đang gặp khó và có dấu hiệu chững lại, thì giá trị xuất khẩu rau quả lại được đánh giá rất khả quan. Tám tháng qua, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 1,57 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng xuất khẩu vào các thị trường khó tính ước đạt hơn 5.200 tấn quả tươi. Dự báo với đà này, năm nay rau quả xuất khẩu có thể đạt mức 2,5 - 2,6 tỷ USD, và sẽ là năm đầu tiên vượt tổng giá trị xuất khẩu lúa gạo.

Những năm gần đây, rau quả là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất trong xuất khẩu nông sản. Ngoài những thị trường truyền thống dễ tính, rau quả liên tục có những “đột phá” quan trọng vào các thị trường cao cấp. Đơn cử như thanh long, từ đầu năm đến nay xuất đi Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và sắp tới sẽ vào các thị trường khó tính như Úc, EU…

Mặc dù xuất khẩu rau quả từ nay đến hết năm được nhìn nhận tương đối khả quan, song mặt hàng này vẫn phải đối mặt những khó khăn. Một số thị trường mở ra, nhưng lượng hàng lại hạn chế, chưa xác định được nhu cầu và sức cạnh tranh của từng mặt hàng rau quả tại từng nước. Đặc biệt, thách thức về rào cản kỹ thuật, nhiều nước đã lập để bảo hộ các mặt hàng trồng trọt trong nước. Trong quá trình hội nhập sâu, thuế suất giảm dần, đồng nghĩa với việc các rào cản kỹ thuật (như điều kiện kiểm dịch, an toàn thực phẩm…) sẽ tăng lên. Nhiều nước thuộc thị trường “khó tính” yêu cầu rau quả xuất khẩu phải sản xuất theo VietGAP, cam kết không sử dụng một số nhóm thuốc trừ dịch hại nhất định…

Vì vậy, để kim ngạch xuất khẩu rau quả tiếp tục tăng trưởng, cùng với kiểm soát chất lượng trồng trọt rau quả tại các nhà vườn, cần bám sát quy định nhập khẩu của các thị trường. Để làm được điều này, phải kiến nghị Bộ Ngoại giao đưa nội dung mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam vào các cuộc hội đàm cấp cao. Đồng thời, lực lượng tham tán thương mại của Bộ Công thương tại các nước cần nghiên cứu chi tiết các thị trường xuất khẩu rau quả tiềm năng, nhu cầu thị hiếu tiêu dùng ở các thị trường trọng điểm. Kiểm soát chặt chẽ số lượng, chất lượng sản phẩm rau quả xuất khẩu, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, ổn định vùng nguyên liệu trong nước là giải pháp trọng tâm mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tập trung thực hiện, để hình thành những chuỗi giá trị tiêu thụ rau quả bền vững ở cả trong nước và xuất khẩu.

Bình luận của bạn