Đến lượt xoài Việt nhận giấy vào Mỹ: Cửa đã mở sau 10 năm đàm phán
Ngày 18/2 vừa qua, đại diện Cục Kiểm dịch thực động vật thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (APHIS) đã trao giấy thông hành xuất khẩu trái xoài của Việt Nam vào Mỹ, kết quả sau hơn 10 năm đàm phán.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng đã cho phép nhập khẩu 5 loại trái cây tươi của Việt Nam gồm thanh long, chôm chôm, nhãn, vải thiều và vú sữa vào thị trường Mỹ.
Mỹ, nước nhập xoài nhiều nhất thế giới
Hội đồng Xoài Quốc gia Mỹ (Mango National Board) cho biết, xoài trồng thương mại hạn chế ở Mỹ phần lớn do thời tiết không thích hợp.
Theo APHIS, xoài được trồng tại các bang Florida, California, Hawaii và vùng lãnh thổ Puerto Rico với sản lượng khoảng 3.000 tấn/năm, chiếm khoảng 1% tổng lượng nhập khẩu.
Bang có diện tích xoài trồng lớn nhất là Florida với khoảng 200.000 cây trên một diện tích xấp xỉ 2.000 ha, sản lượng ước tính khoảng 2.574 tấn.
Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco cho hay, Mỹ có nhu cầu cao về trái cây nhiệt đới, bao gồm trái xoài đã tăng lên trong vài thập kỷ qua. Do sự gia tăng di dân từ các nước châu Á, châu Mỹ Latinh và người tiêu dùng Mỹ có ý thức hơn về sức khỏe, chế độ ăn uống nên có xu hướng tăng tiêu thụ các trái cây.
Năm 2005, Mỹ tiêu thụ ít hơn 0,5 kg xoài/người/năm, nhưng đến năm 2016, con số này đã tăng lên gần 1,3 kg/người/năm. Nhu cầu tiêu thụ tăng nhưng sản xuất trong nước rất thấp, nên Mỹ đã trở thành nước nhập khẩu xoài lớn nhất thế giới, với tổng lượng nhập khẩu khoảng hơn 400.000 tấn/năm, khiến xoài Việt có nhiều triển vọng tại thị trường này.
Theo các chuyên gia, để xuất khẩu thành công vào thị trường Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam, ngoài việc tuân thủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, cần chủ động thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là tại các khu vực có cộng đồng người châu Á và Mỹ La tinh một cách mạnh mẽ.
Đồng thời, cần truyền tải các thông điệp theo đó khuyến khích người tiêu dùng tăng cường tiêu thụ xoài, trong đó cần nhấn mạnh hương thơm độc đáo của trái xoài Việt, giá trị dinh dưỡng và lợi ích về sức khoẻ mà xoài mang lại, song song với đó hướng dẫn cách sử dụng, chế biến quả xoài.
"Hy vọng, từ kinh nghiệm xuất khẩu xoài sang các thị trường khó tính khác như: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đạt được nhiều thành công trong việc xuất khẩu xoài sang Mỹ", một vị chuyên gia nhấn mạnh.
Trung Quốc vẫn nhập nhiều rau quả Việt Nam nhất
Rau quả là nhóm hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chiếm 1,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại của cả nước, đạt xấp xỉ 354,94 triệu USD trong tháng 1/2019, tăng 21,8% so với tháng 12/2018.
Tuy nhiên, bước qua tháng 2, do rơi vào tháng nghỉ Tết Nguyên đán nên kim ngạch xuất khẩu giảm đáng kể (43,7%), cộng dồn 2 tháng đầu năm 2019 kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 555 triệu USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Trung Quốc vẫn là thị trường chủ đạo tiêu thụ rau quả các loại của Việt Nam, đạt 257,57 triệu USD trong tháng 1/2019, chiếm trên 72,6% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước, tăng 26% so với tháng 12/2018, nhưng giảm 13% so với tháng 1/2018.
Đứng sau thị trường Trung Quốc, một số thị trường cũng đạt kim ngạch trên 10 triệu USD như: Liên minh Châu Âu (EU) đạt 13,75 triệu USD, chiếm 3,9%, tăng 80% so với cùng kỳ. Đông Nam Á đạt 13,53 triệu USD, chiếm 3,8%, giảm 16,7%; Mỹ đạt 12,54 triệu USD, tăng 10,8%; Hàn Quốc đạt 11,64 triệu USD, tăng 67,7%; Nhật Bản đạt 10,21 triệu USD, giảm 4%.
Nhìn chung, trong tháng 1/2019 xuất khẩu rau quả Việt Nam sang hầu hết các thị trường đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ 2018. Trong đó, thị trường Italia tăng vượt trội gấp 9,2 lần, mặc dù kim ngạch chỉ đạt 1,77 triệu USD.
Bên cạnh đó, xuất khẩu rau quả còn tăng mạnh ở một số thị trường khác, như: Indonesia tăng 284,7%, đạt 0,09 triệu USD; Ukraine tăng 207,5%, đạt 0,15 triệu USD; Đức tăng 114,9%, đạt 1,81 triệu USD.
Tuy nhiên, xuất khẩu sang các thị trường: Nga, Malaysia, Thái Lan sụt giảm mạnh, với mức giảm lần lượt 47,4%, 34,3% và 27,8% so với cùng kỳ.
Theo các chuyên gia, xuất khẩu rau quả trong tháng 2/2019 giảm mạnh là do rơi vào tháng nghỉ Tết Nguyên đán, sau đó xuất khẩu rau quả sẽ lấy lại đà trưởng, đặc biệt là tại thị trường Mỹ.