Dệt may, da giày giành lại thị trường trong nước

Sau một thời gian dài mải mê làm hàng xuất khẩu, đến khi gặp khó, nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may, da giày đã trở về thị trường nội địa, nhưng “sân nhà” đã bị các “ông lớn” nước ngoài thống trị. Cuộc cạnh tranh không cân sức giúp các DN hiểu rõ: Muốn phát triển và khẳng định vị thế, không còn con đường nào khác là phải xác định hướng đi, chiến lược phát triển hợp lý, đẩy mạnh đầu tư, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm,…

Mở rộng thị phần nội địa

Trong những năm qua, ngành dệt may, da giày luôn đứng trong “tốp đầu” các nhóm ngành xuất khẩu hàng hóa chủ lực của cả nước, với tổng kim ngạch xuất khẩu duy trì ở mức hàng chục tỷ USD mỗi năm (năm 2015 đạt 42,5 tỷ USD, năm 2016 phấn đấu đạt khoảng 48,5 tỷ USD). Tuy nhiên, do khó khăn cũng như những biến động về nhu cầu tiêu dùng thế giới khiến cho các đơn hàng xuất khẩu của các DN liên tục bị sụt giảm.

Trước bối cảnh thị trường xuất khẩu sa sút, trong khi mức tiêu thụ nội địa tăng trung bình từ 10% đến 15%/năm, thì giờ đây cơ hội lớn để các DN ngành dệt may, da giày tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất chính là thị trường trong nước. Năm 2015, tổng doanh thu tại thị trường nội địa của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đạt khoảng 26 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2014, sang năm 2016, với việc thành lập hai Tổng công ty: Dệt may miền nam và Dệt may miền bắc, Vinatex đang tập trung cho chiến lược tăng tốc đầu tư trong giai đoạn mới. Trong đó, tập trung nguồn lực, liên kết các DN có sẵn và các dự án đầu tư mới để mang tới cho người tiêu dùng những sản phẩm may mặc chất lượng cao, giá cả cạnh tranh.

Bên cạnh đó, các DN thành viên của Vinatex cũng thường xuyên thay đổi cách thức kinh doanh cho phù hợp với thị trường và không ngừng mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm trên toàn quốc, đem đến cho người tiêu dùng những địa chỉ mua sắm tin cậy. Những sản phẩm nổi bật có thể kể đến như: khăn bông cao cấp Mollis của Tổng công ty cổ phần Phong Phú; áo sơ-mi thương hiệu Viettien, Sansciaro, Manhatan của Tổng công ty cổ phần may Việt Tiến; M10 Series, Eternity GrusZ, Pharaon, Cleopatre của Tổng công ty May 10,…

Mặc dù kết quả bước đầu đạt được khả quan, nhưng các DN trong nước vẫn không tránh được sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của DN nước ngoài, với các dòng sản phẩm từ cao cấp đến bình dân, giá rẻ đến từ các nước như Trung Quốc, Thái-lan,… Đề cập vấn đề trên, Trưởng phòng Ma-két-tinh (Tổng công ty May 10) Bùi Đức Thắng cho biết, trong xu thế cạnh tranh ngày càng quyết liệt, muốn trụ vững và phát triển, không còn con đường nào khác phải tiết giảm tối đa các khoản chi phí; đẩy mạnh đầu tư các trang, thiết bị hiện đại; nghiên cứu, phát triển sản phẩm, kể cả làm các hàng đơn lẻ, phục vụ thị hiếu thời trang của người tiêu dùng.

Hiện tại, công ty đang chú trọng vào các phân khúc chính như: doanh nhân thành đạt, cán bộ, công nhân, viên chức, đồng phục cho các tổng công ty nhà nước và hướng tới thị trường nông thôn. Gần 200 cửa hàng trực thuộc và các cửa hàng dịch vụ khác trên toàn quốc, sẽ mang lại doanh thu cho công ty tại thị trường nội địa năm 2016 ước đạt 200 tỷ đồng. Tương tự, Tổng công ty Đức Giang (Dugarco) đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, tổng doanh thu nội địa của công ty đạt khoảng 6.000 tỷ đồng (năm 2016, ước đạt 460 tỷ đồng). Đến nay, công ty đã mở thêm chín cửa hàng giới thiệu sản phẩm trên địa bàn Hà Nội nhằm phân phối các sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Không riêng ngành dệt may, các DN da giày cũng thường xuyên đẩy mạnh đầu tư, nghiên cứu, phát triển mẫu thiết kế, cho ra đời những sản phẩm riêng của mình như giày Tuvi’s, 8Topia (Eight Topia) của Công ty giày Tuấn Việt; Prowin của Công ty giày Nam Bình; các sản phẩm giày dép mang thương hiệu Biti’s, giày Thượng Đình,…

Tổng Giám đốc Công ty TNHH giày Nam Bình Nguyễn Quang Vũ khẳng định, sức tiêu thụ của thị trường trong nước hằng năm có thể đạt mức hàng trăm triệu đôi giày, dép; nếu chiếm lĩnh một phần nhỏ của thị trường này cũng đủ cho DN sản xuất quanh năm. Do đó, công ty đã đầu tư máy móc, dây chuyền hiện đại để sản xuất giày thể thao cao cấp mang thương hiệu Prowin.

Đến nay, doanh thu nội địa hằng năm của DN đạt hơn 60 tỷ đồng, chiếm hơn 70% tổng doanh thu của công ty. Để tăng sức cạnh tranh, công ty cũng chú trọng đầu tư công nghệ, nghiên cứu phát triển mẫu mã; tập trung làm ra những sản phẩm đẹp, chất lượng tốt, với giá cả phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Qua đó, phấn đấu đến năm 2018, giày da thể thao Prowin sẽ phủ kín thị trường trong nước.

Tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường

Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), với dân số hơn 90 triệu người, mức tiêu dùng hàng dệt may hiện nay chiếm khoảng 5 - 6% chi tiêu của người dân, tương đương khoảng 3,5 tỷ USD, cho thấy đây là thị trường rất tiềm năng đối với các DN nội địa. Tuy nhiên, để có thể chiếm được thị phần từ 10% đến 30% lại là điều rất khó đối với các DN trong nước. Bởi lẽ, trên thị trường hiện nay, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng được bày bán tràn lan, thậm chí còn được gắn mác hàng Việt Nam chất lượng cao, hàng hiệu và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Chủ tịch Hiệp hội May mặc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Gia công hoàn thiện may mặc Bình Dương Lê Hồng Phoa khẳng định, hàng nhập lậu hiện nay quá nhiều. Tiếp đến, hàng từ Thái-lan và các nước trong ASEAN như Cam-pu-chia, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a được miễn thuế cho nên DN trong nước bị sức ép cạnh tranh rất gay gắt. Thêm nữa, hiện Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu khu vực có chi phí bất động sản cao, cho nên tiền thuê mặt bằng kinh doanh bán lẻ là vướng mắc rất lớn đối với các DN. Bên cạnh đó, hệ thống đào tạo các nhà thiết kế trong nước, đào tạo nhân viên bán hàng phục vụ ngành may mặc cho thị trường trong nước hiện nay chưa phát triển.

Ngoài ra, nguyên phụ liệu cho ngành may mặc, da giày trong nước chưa đáp ứng yêu cầu, chủ yếu phải nhập khẩu, đóng thuế, nên các sản phẩm rất khó cạnh tranh được với hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tương tự, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương Nguyễn Quang Vũ cho biết, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng nhập lậu từ nước ngoài về Việt Nam gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và tiêu thụ trong nước của các DN. Do đó, các ngành chức năng cần tăng cường công tác quản lý, đặc biệt là kiểm tra, giám sát thị trường một cách hiệu quả nhằm hỗ trợ DN phát triển.

Thời gian qua đã có một số DN tập trung đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, nhưng hiệu quả mang lại chưa cao, phần lớn hàng Việt vẫn bị lép vế so với hàng ngoại, tại thị trường nông thôn vẫn nhan nhản các loại giày dép, quần áo có nguồn gốc từ Trung Quốc và một số nước trong khu vực.

Đánh giá về vấn đề này, Giám đốc DN tư nhân may quốc tế Phan Lê Diễm Trang cho biết, hiện các DN mới chỉ tập trung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở các thành phố lớn mà chưa có chiến lược phát triển, đẩy mạnh tiếp thị sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người dân ở vùng sâu, vùng xa, nơi có thu nhập thấp. Mặt khác, các thương hiệu may mặc của Việt Nam hiện phải cạnh tranh với rất nhiều nguồn hàng đến từ các nước trong khu vực và trên thế giới. Tâm lý sính hàng ngoại, chuộng thương hiệu quốc tế của người tiêu dùng Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi để các DN nước ngoài đưa hàng hóa vào “phủ kín” thị trường trong nước. Chính vì vậy, các DN cần có các giải pháp phát triển dài hơi cùng với các chiến lược tiếp thị sản phẩm phù hợp với từng giai đoạn nhằm giành lại thị phần đã mất.

Phó Tổng Giám đốc Vinatex Hoàng Vệ Dũng cảnh báo, nếu không thay đổi tâm lý “trọng xuất khẩu, bỏ rơi sân nhà”, rất có thể chúng ta sẽ bị mất thị trường trong nước. Coi trọng thị trường nội địa chính là một yếu tố để đẩy mạnh xuất khẩu, vì làm tốt ở trong nước, DN sẽ có thương hiệu của riêng mình, có giá trị thiết kế, giá trị gia tăng. Hơn nữa, chúng ta đang ở thời điểm thuận lợi để tập trung vào thị trường trong nước, bởi nếu như trước đây người tiêu dùng Việt Nam chuộng sử dụng hàng may sẵn xuất xứ từ Trung Quốc, thì hiện nay họ đã có xu hướng lựa chọn hàng may mặc của Việt Nam.

Nắm bắt cơ hội này, các thương hiệu thời trang của các công ty lớn trong nước đã có những chiến lược kinh doanh cụ thể để khai thác thị trường nội địa và thành công như May 10, Việt Tiến, Đức Giang, Nhà Bè,… Như vậy, quan tâm và khai thác triệt để thị trường nội địa, chính là một giải pháp hữu hiệu cho ngành dệt may cả hiện tại và trong tương lai.

Các DN dệt may, da giày của Việt Nam từ trước đến nay chủ yếu làm hàng xuất khẩu, tuy nhiên, phần lớn chỉ làm gia công; rất ít DN đầu tư, đẩy mạnh thiết kế sản xuất sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, tạo giá trị gia tăng cao. Để tăng tính hội nhập, cạnh tranh trong thị trường nội địa, không còn cách nào khác, các DN phải liên tục đổi mới, cả về phương thức quản lý lẫn máy móc, thiết bị và nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm,...

Đặc biệt, khi Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do mới, chắc chắn tính cạnh tranh còn khốc liệt hơn, do đó DN phải chủ động từ khâu nguyên liệu, đến đội ngũ lao động có tay nghề giỏi, chỉ như vậy, mới có thể tồn tại và phát triển được. Ngoài ra, các bộ, ngành liên quan cần phải có các cơ chế, chính sách hỗ trợ về thuế, ưu đãi về vốn vay; đất đai, cơ sở hạ tầng,... cùng với việc cắt giảm các thủ tục hành chính để thúc đẩy DN đầu tư, phát triển.

Bình luận của bạn