Dệt may Đông Nam Á “ngay ngáy lo” bị Việt Nam lấn át
Nhiều "đối thủ" trong ngành hàng xuất khẩu dệt may khu vực như Campuchia và Myanmar đã cảnh báo nguy cơ bị lấn át bởi các hiệp định thương mại của Việt Nam.
Việt Nam, vốn là nhà xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ 4 thế giới – sẽ được ưu tiên tiếp cận thêm nhiều thị trường trong số 11 nước ký kết TPP và 29 nước thành viên Liên minh châu Âu trong FTA EU – Việt Nam.
Đây là những thị trường màu mỡ đối với các nhà xuất khẩu dệt may của châu Á đang cung cấp hàng cho các thương hiệu phương Tây hàng đầu.
Nhiều "đối thủ" trong ngành hàng xuất khẩu dệt may khu vực như Campuchia và Myanmar đã cảnh báo nguy cơ bị lấn át bởi các hiệp định thương mại của Việt Nam.
Trung Quốc và Bangladesh – hai nhà xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới – cũng có thể bị ảnh hưởng. Tương tự với Indonesia và Pakistan – nước có quy mô ngành lớn, nhưng đang lao đao.
“Các hiệp định thương mại của Việt Nam sẽ là một mối quan ngại, không chỉ đối với Myanmar, mà còn cả khu vực”, bà Khine Khine Nwe, Tổng thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp may mặc Myanmar, trả lời tờ Nikkei Asian Review.
Đối với Myanmar, ngành dệt may là một trụ cột chính trong kế hoạch đưa đất nước này vươn lên nền kinh tế sản xuất. Các nhà sản xuất xem châu Âu vừa là thị trường tiêu thụ, vừa là nguồn đầu tư.
EU cắt thuế áp vào hàng xuất khẩu của Myanmar sang châu Âu vào năm 2013, một phần của chương trình mở cửa thị trường cho các nước kém phát triển hơn.
Hiện 20% kim ngạch xuất khẩu dệt may của Myanmar sang EU, tỷ lệ này có thể sẽ tăng giống Campuchia. Năm 2014, Campuchia xuất khẩu 42% kim ngạch hàng dệt may sang EU, tăng so với mức 28% trong năm 2011, sau khi hưởng cũng hưởng ưu đãi của chương trình.
Tuy nhiên EU sẽ hạ dần thuế suất đối với hàng dệt may Việt Nam, hiện là 11,7%. Do đó, Myanmar vẫn có khả năng bị hàng Việt Nam đe dọa, nhất là khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có thể tăng lên gấp đôi sau khi TPP có hiệu lực, giới chuyên gia nhận xét.
Tương tự với Indonesia, nước hiện đang xuất khẩu 50% kim ngạch hàng dệt may sang Mỹ và EU. Chi phí năng lượng tăng làm giảm sức cạnh tranh của nước này, chính phủ đã quyết định hạ thuế đối với điện tiêu thụ vào ban đêm nhằm giúp giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp vào tháng 10/2015.
Việc Malaysia và Việt Nam tham gia TPP đã khiến Jakarta "đứng ngồi không yên". Mặc dù có nền kinh tế quy mô gấp 4 lần so với Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt tới 22,2 tỷ USD trong năm 2014, cao hơn so với mức 14,4 tỷ USD của Indonesia.
Nhưng nước có khả năng chịu thiệt hại nhiều nhất phải kể đến Campuchia, nước có ngành dệt may là lĩnh vực xương sống của nền kinh tế.
Ngành này tuyển dụng hơn 700.000 lao động, chiếm 5,3 tỷ USD, tức khoảng 80% tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia trong năm 2014.
Ông Ken Loo, Tổng thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp may mặc Campuchia, thừa nhận ngành dệt may đã mất thị phần ở Mỹ vào tay Việt Nam, nước có chi phí nhân công thấp hơn nhưng năng suất lao động cao hơn Campuchia.
“Nếu chúng tôi không thể cạnh tranh ngay cả trong điều kiện công bằng thì khi TPP đến, làm sao chúng tôi cạnh tranh nổi? Nói ngắn gọn, chúng tôi thực sự lo lắng”, ông Loo nói.
Ông Faruque Hasan, Phó chủ tịch cấp cao của Hiệp hội các nhà sản xuất hàng may mặc và xuất khẩu Bangladesh, thì cho biết "Việt Nam và TPP chắc chắn là một mối lo đối với các nước xuất khẩu may mặc, đặc biệt là Bangladesh."
Ông lưu ý rằng Bangladesh sẽ tiếp tục phải đóng thuế suất trung bình 16% đối với hàng dệt may xuất sang Mỹ, trong khi Việt Nam sẽ được miễn hoàn toàn.
Tương tự, Hiệp hội Các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Pakistan cho rằng Việt Nam là một thị trường dệt may mới nổi và đã trở thành một đối thủ đáng gờm đối với ngành dệt may của nước này.
"Sau khi tham gia FTA với EU, Việt Nam đã xuất khẩu 23 tỷ USD hàng may mặc sang đây, so với mức chỉ 5 tỷ USD của Pakistan”, hiệp hội chỉ ra.