Điện Biên đẩy mạnh Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

Ngày 30/10, Đoàn kiểm tra Ban chỉ đạo (BCĐ) Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do đồng chí Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thành viên BCĐ làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với BCĐ cuộc vận động tỉnh Điện Biên để kiểm tra tình hình thực hiện cuộc vận động trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thành viên BCĐ cuộc vận động phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Điện Biên.

Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí Lê Thành Đô -  Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng các thành viên BCĐ; đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn.

Thực hiện sự chỉ đạo của BCĐ Trung ương về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Ủy ban MTTQ tỉnh Điện Biên đã ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo MTTQ các huyện, thị xã, thành phố, thành viên trong BCĐ với chức năng nhiệm vụ được giao đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cuộc vận động  bằng nhiều hình thức, trong đó quán triệt sâu sắc 4 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, xây dựng thói quen tiêu dùng hàng Việt Nam gắn với thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai 2 điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” bằng nguồn kinh phí do Bộ công Thương phê duyệt. Các hoạt động xúc tiến thương mại, công tác khuyến công được tăng cường, đẩy mạnh, hỗ trợ công nghệ mới và đào tạo nghề cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn. Từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn đã có 6 cuộc hội chợ được tổ chức thành công, với trên 620 gian hàng Việt được giới thiệu, bày bán, chủ yếu là thực phẩm công nghệ, đồ gia dụng, hàng may mặc, thủ công mỹ nghệ, nông sản, thiết bị viễn thông, điện tử, điện gia dụng; 4 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Tuần Giáo, Điện Biên Đông… Trong năm, Sở Công Thương tiếp nhận 4.257 thông báo thực hiện chương trình khuyến mại với tổng giá trị gần 7.500 tỷ đồng; thực hiện khuyến công quốc gia với tổng kinh phí 800 triệu, hỗ trợ 4 đề án; khuyến công địa phương 350 triệu đồng, hỗ trợ 3 đề án. Tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát hàng hóa với 2.120 vụ việc được thực hiện. Qua đó, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm 798 vụ việc vi phạm.

Đến nay, nhận thức và thói quen tiêu dùng hàng Việt trên địa bàn tỉnh đã có nhiều thay đổi đáng kể, hàng Việt ngày càng được ưa chuộng, nhận thức về hàng Việt của người dân các khu vực vùng sâu, vùng xa dần có chuyển biến tích cực. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội tích cực hưởng ứng cuộc vận động, thể hiện qua việc mua, sử dụng văn phòng phẩm, phương tiện, trang bị làm việc là sản phẩm được sản xuất trong nước.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã cùng đóng góp nhiều ý kiến đưa ra các giải pháp trong việc nâng cao chất lượng công tác quản lý, kiểm soát hàng hóa trên địa bàn, nhằm xây dựng lòng tin người tiêu dùng đối với hàng hóa trên thị trường, nhất là các sản phẩm hàng Việt; phân loại đối tượng người tiêu dùng để quảng bá hàng hóa; công tác phối hợp giữa các ngành trong tuyên truyền, kiểm tra chất lượng hàng hóa, việc hướng dẫn sử dụng và sản xuất hàng Việt tại địa phương; kết nối các nhà phân phối hàng Việt với cơ sở kinh doanh. Về phía tỉnh Điện Biên đã kiến nghị Trung ương quan tâm hỗ trợ cơ sở hạ tầng đầu tư các chợ nông thôn; rà soát, điều chỉnh bổ sung các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường trong nước theo vùng miền; hỗ trợ địa phương tiếp tục mở 8 cửa hàng Việt tại trung tâm các huyện, thị còn lại năm 2018...

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thành viên BCĐ đã đề nghị tỉnh cần nâng cao nhận thức ý nghĩa cuộc vận động; có kế hoạch tổ chức các hoạt động: tuyên truyền, công tác xúc tiến thương mại, hội trợ triển lãm, gian hàng, điểm hàng, quảng cáo; mạng lưới bán hàng, phân phối sản phẩm; hệ thống dịch vụ hậu mãi, bảo hành; giúp đỡ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu hàng hóa, chiến lược kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm; định hướng thị trường; đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; quan tâm đến an toàn thực phẩm.../.

Bình luận của bạn