Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương trong công tác tuyên truyền Cuộc vận động

Chia sẻ tại phiên chợ sản phẩm vùng miền và kết nối cung cầu năm 2017 diễn ra từ ngày 1- 3/12/2017 tại TP. Châu Đốc (An Giang), ông Vương Xuân Hoan - Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương – thông tin, thời gian qua, Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động phối hợp với Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thực hiện công tác tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. 

Cụ thể như, phối hợp với Đoàn thanh niên trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp tổ chức Tọa đàm “Tự hào hàng Việt Nam”. Cùng hơn 500 đại biểu là các đoàn viên, thanh niên, sinh viên trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp và các công ty như Công ty Văn phòng phẩm Hồng Hà, Công ty CP May Đức Giang, Công ty CP Bóng đèn Điện Quang cũng tổ chức các gian hàng ngay tại nhà trường để phục vụ nhu cầu mua sắm của học sinh và giáo viên nhà trường. Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể dục thể thao, tạo ra sân chơi lành mạnh, nâng cao sức khoẻ, thúc đẩy giao lưu giữa đoàn viên, thanh niên, góp phần nâng cao sức khỏe thể chất và văn hoá tinh thần.

Gần đây nhất, ngày 13/10/2017, Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương đã phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại quảng bá hàng Việt Nam tới học sinh, sinh viên. Cùng hơn 800 đại biểu là các đoàn viên, thanh niên, sinh viên. Thực tế đã chứng minh, đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu sẽ giúp cho các tỉnh, thành phố trên cả nước giới thiệu rõ nhất về tiềm năng và cơ hội của đầu tư của địa phương.

Ông Vương Xuân Hoan khẳng định, thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020, từ năm 2015 đến nay, các đơn vị đã tổ chức được hơn 30 Hội nghị kết nối cung cầu quy mô cấp vùng, miền, đem lại nhiều kết quả khả quan, thu hút được hàng nghìn đại biểu đến từ hầu khắp các tỉnh thành trên cả 3 miền bắc - trung - nam với hàng nghìn biên bản thỏa thuận, biên bản ghi nhớ giữa các nhà sản xuất và doanh nghiệp phân phối được ký kết. Thực tế đã chứng minh, đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu sẽ giúp cho các tỉnh, thành phố trên cả nước giới thiệu rõ nhất về tiềm năng và cơ hội của đầu tư của địa phương.

Tại phiên chợ sản phẩm vùng miền và kết nối cung cầu năm 2017, ông Võ Nguyên Nam - Giám đốc Sở Công Thương An Giang - cho biết, phiên chợ đã giúp kết nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng và nhà sản xuất với nhà phân phối. Đồng thời giúp DN sản xuất xác định sản phẩm của đơn vị mình có phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng hay không, hiểu rõ hơn nhu cầu mua sắm và tiêu dùng hàng Việt trên thị trường từ đó có sự điều chỉnh sản phẩm, cũng như xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị, tạo mối liên kết chặt chẽ với các nhà phân phối.

Hơn 100 gian hàng được bày bán với nhiều sản phẩm đặc sản nổi tiếng của các tỉnh như: Chả hoa Năm Thụy, nước mắm rươi - Trà Vinh; nem, bánh ngọt, các loại trái cây đặc sản đến từ Vĩnh Long; muối tôm, muối tiêu, tôm sú, tôm thẻ, chả tôm… của DN Bạc Liêu; hay kẹo mè xửng và gừng mềm của Huế; chè xanh, miến dong của DN đến từ Thái Nguyên... Tất cả tạo nên sự phong phú, hấp dẫn, đa dạng hàng hóa từ nhiều vùng miền tại phiên chợ, mang lại cơ hội cho người tiêu dùng biết nhiều sản phẩm đặc sản các địa phương.

Kết quả từ phiên chợ đã ghi nhận ký kết 49 biên bản ghi nhớ cam kết hợp tác giữa 5 nhà phân phối và 28 nhà cung cấp đặc sản vùng miền. Các DN ký kết cũng cam kết sớm hiện thực hóa các biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh. 

Ông Tạ Minh Sơn - Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn - cho hay, phiên chợ diễn ra rất thành công, thu hút nhiều khách tham quan, mua sắm, phản ánh đúng nghĩa kết nối cung cầu trong thực hiện mục tiêu để người tiêu dùng quyết định lựa chọn sản phẩm. Các DN sản xuất của các tỉnh, thành sẽ tiếp xúc, bán sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng, không qua đơn vị trung gian là nhà phân phối nên sẽ nắm rõ thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng. 

 

Bình luận của bạn