Doanh nghiệp Nhật Bản muốn hợp tác phát triển sản phẩm chè Việt Nam

Ông Iwasaki Masao, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sasaki Seicha Nhật Bản cho biết đã bắt đầu tìm hiểu thị trường Việt Nam cách đây một năm và nhận thấy, đây là một thị trường không thể bỏ qua.

Với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phong phú, Lai Châu có nhiều cơ hội để phát triển vùng nguyên liệu, đặc biệt là cây chè. Hiện cả tỉnh có 4.500 ha chè, từ nay đến năm 2020 dự kiến mỗi năm trồng thêm 500 ha chè với mục tiêu mở rộng diện tích chè trên địa bàn.

Ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết như vậy trong buổi làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các doanh nghiệp Nhật Bản về việc giới thiệu các nhà đầu tư Nhật Bản vào phát triển vùng chè chất lượng cao tại tỉnh Lai Châu, chiều 24/2.

Theo ông Quảng, Lai Châu được đánh giá là nơi có chất lượng chè ngon nhất cả nước, đặc biệt là những năm gần đây sản lượng và diện tích chè của tỉnh đều đã tăng lên đáng kể. Để có được thành quả này cũng do nhiều yếu tố, trước hết là cơ chế kinh tế của Việt Nam những năm gần đây, hai là giao thông ngày càng thuận tiện nhờ hệ thống đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai. Hiện nay, Lai Châu có khoảng 4.500 ha chè, bên cạnh đó từ nay đến năm 2020 tỉnh có chương trình mỗi năm trồng thêm khoảng 500 ha chè với mục tiêu tiếp tục mở rộng diện tích chè trên địa bàn.

Ông Quảng cho biết, hiện tỉnh này đang có chính sách rất tốt để phát triển vùng nguyên liệu chè. Cụ thể, về phía nông dân, tỉnh có chính sách hỗ trợ về vốn, giống, phân bón cũng như cơ sở hạ tầng. Đối với doanh nghiệp, khi doanh nghiệp ký hợp đồng đầu tư vào vùng nào thì tỉnh sẽ khoanh vùng cả vùng đó giao cho doanh nghiệp sử dụng. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm chuyển giao công nghệ, kiểm soát phân bón và thuốc trừ sâu cũng như bao tiêu sản phẩm và chế biến cho nông dân.

Cũng tại buổi làm việc, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI cho rằng khí hậu và thổ nhưỡng của Lai Châu rất thích hợp để phát triển vùng nguyên liệu, đặc biệt là cây chè.  Trong số 6 tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam thì Lai Châu và Hà Giang là hai địa phương có khí hậu gần giống Nhật Bản, do đó rất phù hợp để phát triển vùng nguyên liệu nông nghiệp. Đây cũng chính là lí do lần này VCCI chọn Lai Châu để giới thiệu môi trường đầu tư kinh doanh đến các doanh nghiệp Nhật Bản.

Là một nhà đầu tư, ông Iwasaki Masao, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sasaki Seicha Nhật Bản cho biết đã bắt đầu tìm hiểu thị trường Việt Nam cách đây một năm và nhận thấy, đây là một thị trường không thể bỏ qua. Theo ông Iwasaki Masao, hiện nay ở Nhật Bản đang sử dụng rất nhiều nông sản qua chế biến của Việt Nam, các sản phẩm này đều được đánh giá có chất lượng rất tốt.

Ông cũng cho rằng, Việt Nam đã từng là nước sản xuất chè lớn thứ 4 thế giới nhưng gần đây thứ hạng này đang dần tụt xuống, trong khi đó nhiều nước đang dần thay thế vị trí của Việt Nam mới nổi lên gần đây như Australia ngày càng phát triển mạnh. Bên cạnh đó, hiện nay giá chè xuất khẩu của Việt Nam ra thị trường ngày càng bị suy giảm. Do đó, phía doanh nghiệp Nhật Bản rất mong muốn góp sức cùng doanh nghiệp Việt Nam đưa sản phẩm chè của Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Ông Iwasaki Masao cũng cho biết, hiện nay phía công ty phối hợp với công ty Tea&Food Việt Nam SJC tại Việt Nam cũng đang có kế hoạch đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất nước cốt từ lá chè, định hướng nhu cầu thu mua lá chè kết hợp đầu tư trồng chè tại các tỉnh miền Bắc nhằm ổn định sản xuất./.

Bình luận của bạn