Doanh nghiệp TPHCM dồn sức phát triển kênh phân phối truyền thống
Tập trung phát triển kênh phân phối truyền thống là một trong những giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam giữ vững thị phần và chiếm lĩnh mạng lưới phân phối nội địa. Cách làm này không chỉ được triển khai rộng khắp đối với các nhà sản xuất, mà ngay cả DN phân phối lớn như Saigon Co.op, Satra, Vingroup cũng đang chạy đua để phát triển.
Cứu cánh cho DN sản xuất
Theo các DN sản xuất, việc đàm phán về chiết khấu và chi phí đang là rào cản hàng đầu và ngày càng gây khó khăn cho DN trong việc đưa hàng hóa vào các kênh phân phối hiện đại. Tính toán của bà Lý Kim Chi, Hội Lương thực và thực phẩm TPHCM, cho thấy, tại một số hệ thống siêu thị, trung bình mỗi năm họ nâng chiết khấu thêm từ 4%-5%. Cụ thể, ở mặt hàng thực phẩm chế biến, mức chiết khấu bình quân hiện đã đứng ở mức từ 20%-25%. Ngoài mức chiết khấu chính thức nêu trên, DN hiện còn phải cõng nhiều chi phí không tên khác, đã làm suy kiệt sức cạnh tranh của họ. Bên cạnh đó, hầu như các nhà bán lẻ nào cũng phát triển các sản phẩm là nhãn hàng riêng, cạnh tranh trực tiếp với nhà cung ứng và DN sản xuất.
Trước tình hình này, tích cực phát triển mạng lưới phân phối riêng là giải pháp cấp thiết đối với các DN sản xuất, kinh doanh. Kinh nghiệm từ các DN lớn cho thấy, khi đã xây dựng được mạng lưới tại các kênh phân phối truyền thống thì doanh thu và lợi nhuận của kênh phân phối này tăng trưởng cao hơn so với kênh phân phối hiện đại.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Tổng giám đốc Công ty CP SaigonFood chia sẻ, DN cần có giải pháp phát triển các kênh phân phối truyền thống, xem đây là giải pháp tối ưu nhất trong thời điểm hiện nay. Đơn cử, dòng sản phẩm cháo tươi của Saigonfood được đưa ra thị trường cách đây 3 năm, nhưng chỉ tập trung phát triển thông qua các kênh phân phối hiện đại nhưng đến thời điểm này chỉ có được khoảng 600 điểm bán. Khi công ty chuyển hướng và bắt đầu xây dựng mạng lưới tại các kênh phân phối truyền thống gồm chợ, cửa hàng thực phẩm thì đã đạt hơn 5.000 điểm bán, chỉ trong 8 tháng.
Tương tự, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty CP Vissan khẳng định, để phát triển bền vững, nhà sản xuất phải đa dạng hoá mô hình phân phối hàng hoá, chứ không thể dựa vào 1 kênh phân phối nhất định. Theo ông Mười, ngoài việc tự xây dựng các cửa hàng giới thiệu sản phẩm thì kênh phân phối truyền thống như cửa hàng, tạp hóa, chợ phải được DN theo dõi, chăm sóc thường xuyên, đồng thời có chiến lược để hỗ trợ cụ thể cho các đối tác, thông qua việc đầu tư nâng cấp điểm bán, thực hiện các chương trình khuyến mãi hợp lý để thu hút khách hàng.
Nhà bán lẻ tăng tốc
Ngày 17-9 vừa qua, Công ty TNHH Thực phẩm Saigon Co.op (Co.op Food) khai trương cửa hàng Co.op Food tại Chung cư Bình Phú 1, số 65 - 67 đường 20, phường 11, quận 6, TPHCM. Đây là thành viên thứ 100 của chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn tiện lợi Co.op Food phân bố khắp các khu dân cư, khu công nghiệp trên địa bàn TPHCM. Co.op Food tại Chung cư Bình Phú 1 có diện tích gần 250m2, kinh doanh hơn 4.000 mặt hàng thiết yếu, gồm các ngành hàng: thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm và đồ dùng.
Theo ông Trần Lâm Hồng, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, sự kiện Co.op Food đạt 100 cửa hàng là cột mốc quan trọng đánh dấu quá trình 8 năm liên tục không ngừng tìm tòi để xây dựng và từng bước hoàn thiện mô hình của hàng thực phẩm tiện lợi hoàn toàn do người Việt xây dựng nên để phục vụ người Việt. Chuỗi Co.op Food sẽ là vệ tinh cùng với hệ thống siêu thị Co.opmart phân phối hiệu quả các sản phẩm Việt và hàng bình ổn giá, đặc biệt là thực phẩm có xuất xứ rõ ràng, đảm bảo tươi ngon an toàn và giá cả hợp lý đến tay người tiêu dùng tại các khu dân cư. Từ tháng 9-2016, Co.op Food đã bắt đầu triển khai hình thức nhượng quyền và là nhà bán lẻ Việt đầu tiên tiến hành nhượng quyền thương hiệu cho các cá nhân và tổ chức trong nước.
Việc xã hội hóa mô hình cửa hàng thực phẩm an toàn tiện lợi thuần Việt Co.op Food được đánh giá là thành công bước đầu của bán lẻ Việt Nam, tạo đối trọng cần thiết trước làn sóng xâm nhập của các thương hiệu bán lẻ nước ngoài. Đồng thời, việc phát triển mô hình Co.op Food của Saigon Co.op sẽ mang đến lợi ích kép vì vừa giúp đẩy nhanh độ phủ của điểm phân phối hàng Việt và hàng bình ổn giá, vừa giúp người tiêu dùng có thêm điểm mua thực phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe.
Theo tính toán của Saigon Co.op, đối với mạng lưới cửa hàng Co.op Food, dự kiến sẽ phát triển thêm từ 30-50 cửa hàng, thực hiện liên kết và nhượng quyền với các cửa hàng tạp hoá truyền thống với 60-80 điểm bán mỗi năm. Mặt khác, trong giai đoạn 2017-2020, Saigon Co.op dự kiến phát triển 30-50 cửa hàng tiện lợi tập trung tại các khu vực dân cư đông đúc tại TPHCM và các tỉnh, thành khác nhằm phủ kín mạng lưới.
Tương tự, ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), cho biết, trong định hướng chiến lược bán lẻ, giai đoạn 2016-2020 là tiếp tục mở rộng thị trường và kênh phân phối để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Mục tiêu chiến lược trong giai đoạn này của Satra là xây dựng 11 siêu thị Satramart, 5 trung tâm thương mại Central Mall và 200 cửa hàng tiện lợi Satrafoods, trong đó mỗi năm sẽ phát triển từ 20-30 cửa hàng Satrafoods, trải rộng khắp các địa bàn của TPHCM. Cũng trong năm 2016, Satra sẽ mở 10 cửa hàng Satrafoods tại Cần Thơ theo đề nghị của địa phương. Với cách làm này, đến cuối năm 2016, nhiều khả năng Satra sẽ vượt mốc 100 cửa hàng Satrafoos.
Là một thương hiệu “sinh sau” ở khu vực phía Bắc, nhưng đến nay, Tập đoàn Vingroup đã phát triển hệ thống bán lẻ lên đến gần 600 điểm bán, bao gồm hơn 500 cửa hàng tiện ích VinMart+ và hơn 50 siêu thị VinMart tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong thời gian chưa đầy 2 năm. Với một số lượng khủng các điểm bán, VinMart và VinMart+ được xem là hệ thống bán lẻ tiêu dùng hiện đại có tốc độ phát triển nhanh nhất, với quy mô lớn nhất và mức độ hiện diện rộng nhất tại Việt Nam. Theo kế hoạch, trong năm 2016, hệ thống dự kiến sẽ đạt tới 70 siêu thị VinMart và hàng ngàn cửa hàng VinMart+ trên cả nước.
Đánh giá về sự phát triển thị trường bán lẻ tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, dù hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đang phát triển mạnh mẽ nhưng chưa chiếm tỷ lệ lớn trong mạng lưới bán buôn, bán lẻ. Bên cạnh đó, các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng thực phẩm vẫn đang chiếm ưu thế về số lượng trong mạng lưới phân phối tại Việt Nam. Hiện DN nội địa đang có nhiều lợi thế về “sân nhà” để phát triển loại hình này. Mặt khác, các DN cần chú trọng khai thác, phát triển mô hình thương mại điện tử. Đây là mô hình kinh doanh đã được nhiều DN trên thế giới áp dụng và thành công. Thương mại điện tử được đánh giá cao về hiệu quả kinh doanh, trong đó các DN không có chung ngành hàng, nhưng liên kết lại trong cùng mạng lưới phân phối để giảm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh, quảng bá sản phẩm, thương hiệu.