Doanh nghiệp và người tiêu dùng cần hưởng ứng mạnh mẽ
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã làm thay đổi nhận thức của người dân, tạo hiệu ứng tốt trong xã hội nhưng để đạt hiệu quả hơn, cần được sự đồng thuận, hưởng ứng của doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng.
Chuyển biến tích cực
Sau nhiều năm được các cấp, ngành triển khai, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) đã được đông đảo người dân biết đến và ngày càng nâng cao nhận thức trong việc lựa chọn, tiêu dùng hàng Việt.
Bà Ngô Thị Kim An ở phường 5, TP Tuy Hòa cho biết: Những năm vừa qua, việc mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam không chỉ có gia đình tôi mà các gia đình khác đều quan tâm. Hàng hóa sản xuất trong nước không thua kém hàng ngoại nhập về mẫu mã, chất lượng. Chúng tôi lựa chọn hàng Việt là vì muốn hàng Việt trước hết phải được người Việt Nam sử dụng. Tôi chỉ mong hàng hóa nước mình ngày càng cải tiến về chất lượng, mẫu mã và giá cả cạnh tranh. Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không nên làm giả, nhái và cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm chất lượng thấp.
Còn theo bà Nguyễn Thị Lạch, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa, hiện nay, hàng hóa bán trên thị trường rất phong phú về mẫu mã, chủng loại nên người tiêu dùng muốn mua hàng gì thì có hàng đó. Các bà nội trợ đã thông thái hơn trong cách tiêu dùng là ưu tiên chọn hàng chất lượng được sản xuất trong nước.
Theo Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh, năm qua, CVĐ đã được triển khai đồng bộ và đi vào chiều sâu. Từng cấp, ngành đã có chương trình, kế hoạch và giải pháp thiết thực triển khai kịp thời nên đã thu hút được sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân.
Người tiêu dùng ngày càng tích cực tham gia các chương trình mua sắm sản phẩm Việt có chất lượng cao góp phần xây dựng thương hiệu hàng hóa, sản phẩm Việt Nam ngày một uy tín. Nhiều doanh nghiệp cũng ra sức thi đua sản xuất hàng hóa có chất lượng tốt, mẫu mã hợp thị hiếu người dùng.
Bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết: Mỗi năm, Sở Công thương đều thực hiện các chính sách bình ổn giá trên thị trường, đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn, hình thành được nhiều cửa hàng tiện lợi ở khu vực nông thôn; tăng cường sắp xếp quản lý chợ dần đi vào nề nếp… nên không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Vì vậy, mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội năm sau đều tăng hơn năm trước.
Từ đầu năm 2017 đến nay, sở đã khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hội chợ, khảo sát thị trường và giao dịch thương mại tại Hội chợ triển lãm thực phẩm quốc tế SEOUL tại Hàn Quốc; tập huấn kiến thức về xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế; tổ chức 7 phiên chợ và 11 đợt đưa hàng Việt về nông thôn.
Ngoài ra, sở còn chỉ đạo thanh tra sở kiểm tra 68 đơn vị sản xuất, kinh doanh; Chi cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra 1.900 vụ, phạt và xử lý 1,678 hành vi vi phạm; phạt hành chính 3,2 tỉ đồng và tiền bán hàng tịch thu 2,6 tỉ đồng. Ban quản lý các chợ cũng thường xuyên phối hợp kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết giá…
Chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị liên quan có nhiều hình thức trong việc triển khai thực hiện CVĐ như hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, định hướng tiêu dùng, tạo tâm lý an tâm cho người dân.
Vẫn còn thách thức
Cũng theo Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được, một số đơn vị vẫn chưa thật sự quan tâm, chưa tập trung chỉ đạo sát sao công tác tuyên truyền nên việc quảng bá hàng Việt tại địa phương chưa được chú trọng. Tình trạng hàng kém chất lượng, hàng giả… vẫn còn xuất hiện trên thị trường, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Điển hình như sản xuất ruốc nhuộm màu, cà phê giả…
Theo Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, để người dân tiếp tục thay đổi nhận thức và tiêu dùng hàng Việt thì cần tổ chức thực hiện tốt CVĐ trong các cấp, ngành, các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và trong nhân dân. Các ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền nhiều hơn thì mới có thể làm cho CVĐ thật sự thiết thực và hiệu quả, tạo sự hưởng ứng tốt từ phía người dân.
Bà Phạm Thị Tương Lai, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh, cho biết: Thời gian qua, tuy tỉnh ta vẫn còn một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng nhưng không ít doanh nghiệp ngày càng phát huy vai trò trách nhiệm của mình trong việc nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, xây dựng thương hiệu, cam kết quan tâm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Với vai trò và trách nhiệm của mình, hội sẽ tiếp tục vận động doanh nghiệp, doanh nhân chấp hành nghiêm pháp luật về sản xuất, kinh doanh và hướng đến việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng hơn. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng để tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề về sản xuất, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thuyết phục doanh nghiệp tham gia để nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp với hàng hóa do mình sản xuất.
Ông Nguyễn Hồng Thái, Phó Trưởng ban Thường trực CVĐ tỉnh, cho hay: Hiện nay, hàng nhập lậu vào Việt Nam có giá rẻ, mẫu mã đa dạng là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra còn có thách thức từ việc cắt giảm thuế theo cam kết của Cộng đồng kinh tế ASEAN nên khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam hạn chế so với hàng hóa của các nước trong khu vực, kéo theo việc vận động mua sắm hàng Việt sẽ ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn.
Trong thời gian tới, các doanh nghiệp tỉnh ta phải tận dụng điều kiện hội nhập quốc tế để mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu sản phẩm. Ngoài việc UBND tỉnh, các ngành chức năng có biện pháp giải quyết triệt để, tận gốc tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trôi nổi trên thị trường, doanh nghiệp trong tỉnh cần đầu tư, đổi mới thiết bị, công nghệ, dây chuyền sản xuất. Có như vậy, doanh nghiệp mới có thể nâng cao chất lượng mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh, quảng bá sản phẩm mở rộng thị trường.
Ban vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cấp huyện, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội… cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc giám sát, đấu tranh phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng.