Đồng bộ giải pháp, thúc đẩy tăng trưởng

Thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, ngành Công Thương Hà Nội đã đạt được những kết quả khả quan trong những tháng đầu năm 2017. Sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng tích cực. Thị trường trong nước ổn định, phát triển lành mạnh, góp phần tích cực tăng trưởng kinh tế của Thủ đô.

Tăng trưởng ổn định

Trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, nhưng ngành Công Thương Hà Nội đã phát huy tốt vai trò quản lý nhà nước về lĩnh vực công thương trên địa bàn, triển khai thực hiện nhiều giải pháp duy trì, thúc đẩy sản xuất công nghiệp, phát triển thương mại, dịch vụ, ổn định thị trường, bảo đảm cung ứng điện phục vụ sản xuất và tiêu dùng.

Ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội- cho biết: 4 tháng đầu năm 2017, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng 5,9% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực đạt mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung toàn ngành. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 7,1% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ tăng 7%.

Đáng chú ý, trong dịp Tết Đinh Dậu, với sự chủ động, quyết liệt triển khai các giải pháp đồng bộ ứng phó với biến động của thị trường, ngành Công Thương Hà Nội đã ổn định thị trường giá cả, bảo đảm phục vụ nhu cầu phong phú, đa dạng của nhân dân với tổng giá trị hàng hóa đạt gần 25.000 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên, Hà Nội không sử dụng nguồn vốn vay từ Quỹ phát triển thành phố với lãi suất bằng 0%, mà giao doanh nghiệp (DN) tham gia dự trữ 100% hàng hóa phục vụ nhân dân. Sở đã xây dựng kịch bản ứng phó khi thị trường hàng hóa xảy ra biến động; định hướng các DN chuẩn bị hàng hóa bảo đảm cung ứng cho thị trường, tăng cường khai thác hàng hóa từ các tỉnh, thành phố; đẩy mạnh hỗ trợ các DN tiêu thụ hàng Việt Nam (chiếm trên 80%) với các mặt hàng đa dạng, phong phú, giá cả hợp lý, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt.

Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn quý I/2017 đạt 2,385 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu địa phương đạt 1,978 tỷ USD, tăng 2,8%. Nhóm hàng nông sản kim ngạch xuất khẩu giảm 25,1% so với cùng kỳ do hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chính như gạo, cà phê, hạt tiêu… giảm vì chịu tác động nhiều từ biến động của giá cả thị trường thế giới và ảnh hưởng lớn từ các yếu tố thời tiết.

Công tác cải cách hành chính luôn được Sở Công Thương Hà Nội đặc biệt chú trọng. Từ đầu năm đến nay, sở đã rà soát 65/132 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết; thực hiện 4 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 để giải quyết 06 TTHC do UBND thành phố triển khai song song với 4 dịch vụ công trực tuyến đã triển khai những năm trước đây. Sau 15 ngày thực hiện đã có trên 500 hồ sơ gửi qua mạng, trong đó khoảng 80% số hồ sơ đủ điều kiện tiếp nhận. Bảo đảm 100% hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả đúng thời gian quy định. Lựa chọn 24 lĩnh vực TTHC cấp sở và 2 lĩnh vực TTHC cấp huyện để thực hiện tiếp nhận, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích.

Ngoài các lĩnh vực trên ngành Công Thương tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh ATTP; kiểm tra các cơ sở sản xuất rượu thủ công trên địa bàn; đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ thịt lợn nhằm tháo gỡ khó khăn cho các hộ chăn nuôi, giảm các khâu trung gian, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, bình ổn thị trường; thực hiện các chương trình XTTM, đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa và xuất khẩu ...

“Triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố về các nhiệm vụ năm 2017, Sở Công Thương Hà Nội đã tập trung triển khai với nỗ lực cao nhất để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để ổn định, phát triển kinh tế thủ đô” - ông Lê Hồng Thăng nhấn mạnh.

Phấn đấu mục tiêu 2017

Năm 2017, bên cạnh phải đối phó với những khó khăn chung của nền kinh tế, ngành Công Thương Hà Nội còn phải ứng phó với những thách thức không nhỏ: Các ngành công nghiệp thế mạnh như điện tử, công nghệ thông tin, sản xuất cơ khí đã giảm sản lượng so với trước do khó khăn về thị trường. Một số sản phẩm chủ lực có xu hướng bão hòa về thị trường, trong khi các sản phẩm công nghiệp chủ lực mới chưa phát triển rõ nét. Mặt khác, tiến độ xây dựng hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp chậm, ảnh hưởng đến thu hút các dự án đầu tư lớn vào công nghiệp. Một số DN công nghiệp lớn đã đầu tư tại Hà Nội khi cần mở rộng sản xuất do thiếu mặt bằng đã đầu tư sang các địa phương khác…

Mặc dù vậy, ngành Công Thương Hà Nội vẫn đặt kế hoạch năm 2017: Ngành công nghiệp tăng 7,8 – 8,2%, kim ngạch xuất khẩu tăng 4,0 – 5,0%, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 10 - 11% so với năm 2016. Để đạt mục tiêu đó, ngành Công Thương Hà Nội tăng cường tham mưu với UBND thành phố nhằm phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực ngành, kịp thời đề xuất điều chỉnh để bảo đảm cơ chế, chính sách phát huy hiệu quả khi áp dụng thực tế. Đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách mới phù hợp, tạo thuận lợi cho sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại phát triển.

Thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển DN; phát triển công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn… Triển khai các hoạt động quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tăng cường thu hút đầu tư lấp đầy các khu, cụm công nghiệp.

Đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng, đa dạng hóa thị trường. Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng thương mại như trung tâm logistics, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị. Tổ chức các chương trình liên kết vùng tạo nguồn cung hàng hóa ổn định; đào tạo, phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế cho DN để tận dụng. Các ưu đãi trong cam kết quốc tế và chủ động phòng tránh các hàng rào kỹ thuật trong thương mại…

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính. Rà soát các THHC, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; thực hiện 27 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 để giải quyết 83/132 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở, thực hiện tốt “Năm kỷ cương hành chính 2017”.

Bình luận của bạn