Đồng Tháp tìm hướng xuất khẩu vào Đông Âu

Để gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào khối Đông Âu, Đồng Tháp xác định các sản phẩm nông nghiệp và may mặc sẽ là những sản phẩm chủ lực được chú trọng trong thời gian tới; đồng thời tỉnh cũng có những chính sách ưu đãi để thu hút doanh nghiệp Đông Âu tới Đồng Tháp đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp có thế mạnh của tỉnh.

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết, Đông Âu được xem là thị trường truyền thống của Việt Nam, riêng Đồng Tháp, trong năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu sang khối Đông Âu đạt hơn 27 triệu USD, tăng gấp đôi so với năm 2017 và chiếm 2,4% trên tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Mặc dù vậy, nhìn trên bức tranh tổng thể thì con số trên vẫn còn rất khiêm tốn so với quy mô của thị trường này.

Để thúc đẩy xuất khẩu vào Đông Âu, ông Phạm Thiện Nghĩa cho hay, là tỉnh trọng điểm về nông nghiệp, với điều kiện tự nhiên thuận lợi, tỉnh Đồng Tháp xác định 5 mặt hàng chủ lực có khả năng tham gia chuổi giá trị sản xuất và cung ứng toàn cầu, gồm: lúa gạo, cá tra, xoài, hoa kiểng và vịt.

Theo Sở Công Thương Đồng Tháp, gạo vốn là mặt hàng thế mạnh của tỉnh và đang được các doanh nghiệp sản xuất theo các tiêu chuẩn của từng thị trường nhập khẩu; Cá tra - một trong những ngành hàng chủ lực đem lại giá trị kim ngạch xuất khẩu cao và đã được xuất đi nhiều thị trường khó tính trên thế giới; Riêng với xoài, tỉnh hiện là vùng sản xuất xoài lớn thứ 2 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đã có mặt tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên bang Nga, với lượng xuất khẩu chiếm 10% sản lượng hàng năm. Đặc biệt, Đồng Tháp gần đây vinh dự là địa phương đầu tiên cả nước xuất khẩu thành công xoài sang thị trường khó tính Hoa Kỳ.

Ngoài ra, còn các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu mà tỉnh có thế mạnh và có thị phần tại Đông Âu như: may mặc, giày da và gốm. Trong đó, tổng số đơn vị sản phẩm may mặc, giày da đã xuất sang thị trường Đông Âu hơn 384.000 đơn vị sản phẩm, đạt gần 1,2 triệu USD (2 công ty chính là Nghị Phong và Tỷ Thạc).

Với những mặt hàng kể trên, Đồng Tháp xác định ngoài các thị trường truyền thống là EU, Mỹ, Trung Quốc… Thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh việc xuất khẩu qua Đông Âu thông qua tuyên truyền, hỗ trợ xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp.

Cùng với xuất khẩu, ông Phạm Thiện Nghĩa cho biết, Đồng Tháp cũng sẵn sàng hợp tác và chào đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khối Đông Âu đến khảo sát và xúc tiến đầu tư trên các lĩnh vực mà tỉnh Đồng Tháp cũng như các tỉnh, thành trong vùng có thế mạnh. “Chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho đối tác, nhà đầu tư của các nước Đông Âu khi đến hợp tác, đầu tư tại địa phương”, ông Nghĩa cam kết.

Để tạo thuân lợi cho nhà đầu tư, tỉnh Đồng Tháp sẽ áp dụng các chính sách ưu đãi như thuế thuê đất, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, tạo điều kiện làm thủ tục đầu tư nhanh chóng…

Theo đó, một số lĩnh vực ưu tiên kêu gọi giao thương, hợp tác đầu tư của Đồng Tháp là kêu gọi xúc tiến giao thương, hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, cơ khí nông nghiệp, chế biến và bảo quản các mặt hàng nông, thuỷ sản, như: lúa gạo, các sản phẩm sau gạo, thuỷ sản, gia cầm, các loại trái cây, rau củ quả và hoa kiểng.

Ngoài ra, Đồng Tháp khuyến khích đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế đi liền với dịch vụ phụ trợ trong nông nghiệp; công nghiệp chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp, thủy sản; phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, năng lượng tái tạo; giáo dục chất lượng cao, y tế; dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, khu phức hợp và hạ tầng đô thị.

 

Bình luận của bạn