Đưa 40 mặt hàng Việt lên sàn giao dịch kết nối toàn cầu
Đại diện Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam cho biết, hiện tại đơn vị này đã xây dựng nguồn nhân sự tốt, hệ thống giao dịch đáp ứng kết nối với các sở giao dịch trên toàn thế giới, hoạt động 24/7
Ngày 14-5, Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp triển khai Nghị định 51/2018 sửa đổi quy định về Sở giao dịch hàng hóa cho các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tại các tỉnh phía Nam. Nghị định 51 có hiệu lực từ ngày 1-6-2018.
40 mặt hàng tham gia giao dịch
Theo đó, nghị định này cho phép các sở giao dịch hàng hóa Việt Nam liên thông với những sở giao dịch hàng hóa thế giới, các sở giao dịch hàng hóa được niêm yết giao dịch tất cả mặt hàng mà Nhà nước không cấm và những mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Bên cạnh đó, các điều kiện về lập sở giao dịch hàng hóa cũng đã được tinh giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Một số ý kiến cho rằng hiểu một cách nôm na, Sở giao dịch hàng hóa cũng tương tự như sở giao dịch chứng khoán. Theo đó các bên thực hiện việc mua bán một số lượng hàng hóa nhất định với mức giá được thỏa thuận tại thời điểm giao kết hợp đồng và thời gian giao hàng được xác định tại một thời điểm trong tương lai.
Là sở giao dịch hàng hóa duy nhất đang còn hoạt động trên thị trường, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Tổng giám đốc Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam cho biết, quy định mới mang tính chất thông thoáng hơn, bỏ cơ chế “xin - cho”, chuyển sang cơ chế hậu kiểm, đề cao tính tự chủ, tự trách nhiệm của sở giao dịch hàng hóa. Từ tháng 6, sở giao dịch hàng hóa Việt Nam sẽ lên kế hoạch đưa khoảng 40 mặt hàng tham gia giao dịch.
“Với quy định mới này, chúng ta kết nối các sàn giao dịch trong nước với nhau và hướng tới kết nối với các sàn giao dịch nước ngoài. Việc này sẽ tạo rất nhiều thuận lợi về thông tin lượng hàng xuất đi, giá cả; đánh giá thị trường thuận lợi hơn”- Ông Quỳnh đánh giá.
Đại diện Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam cho biết, hiện tại đơn vị này đã xây dựng nguồn nhân sự tốt, hệ thống giao dịch đáp ứng kết nối với các sở giao dịch trên toàn thế giới, hoạt động 24/7; có đầy đủ các khối nghiệp vụ như quản lý thành viên, quản lý giao dịch, tài chính kế toán, quản trị rủi ro, thanh toán bù trừ, giao nhận hàng hóa và trung tâm đào tạo, sẵn sàng kết nối các quan hệ cung - cầu trong và ngoài nước để định hình một sàn giao dịch hàng hóa hiện đại, hiệu quả tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Mai Oanh, Phó Tổng thư kí Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nhìn nhận, lâu nay các doanh nghiệp cà phê, hồ tiêu đang mong đợi có một sàn giao dịch hàng hóa cho Việt Nam, việc sửa đổi quy định về sở giao dịch hàng hóa đã đáp ứng mong đợi của các doanh nghiệp.
“Chúng tôi không tìm thấy được một sở giao dịch hàng hóa nào ở Việt Nam để đáp ứng yêu cầu của đối tác nước ngoài như Ấn Độ, Brazil. Việc có sàn giao dịch hàng hóa sẽ giúp doanh nghiệp hồ tiêu có công cụ giá bởi giá hồ tiêu đang biến động rất lớn”- bà Oanh nêu thực tế.
Theo bà Oanh, suốt thời gian qua, chúng ta không có giá tham chiếu, người nông dân không nắm được thông tin đầy đủ về giá cả nên thường vấp phải tình trạng giá lên xuống thất thường, được mùa mất giá.
Bên cạnh đó, do không có giá tham chiếu nên nhiều doanh nghiệp phá giá thị trường. Vì vậy khi giao dịch hàng hóa qua sở giao dịch sẽ giúp giá trị hồ tiêu tăng lên, các đối tác nước ngoài không phải kêu ca phàn nàn về giá cả cũng như chất lượng.
Đồng quan điểm, ông Võ Hoàng An, Phó chủ tịch kiêm tổng thư kí Hiệp hội cao su Việt Nam chia sẻ, giá cao su hiện đang xuống thấp, nếu có sở giao dịch hàng hóa sẽ giúp người nông dân chủ động về giá và cân đối sản xuất; còn các nhà sản xuất cao su tiếp cận được giá thế giới.
“Việc liên thông với các sàn quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp có thêm kênh tham khảo giá cả rất tốt trước khi tiến hành giao dịch”- ông An nói.
Vẫn còn lạ lẫm với Việt Nam
Bà Nguyễn Phương Dung, Phó phòng Hạ tầng thương mại, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chia sẻ, sở giao dịch hàng hóa ra đời và phát triển từ rất lâu trên thế giới. Sở giao dịch hàng hóa là mô hình giao dịch hiện đại, phổ biến tại nhiều quốc gia. Hiện trên thế giới có hơn 70 sở giao dịch hàng hóa.
Ở Việt Nam, giao dịch qua sở giao dịch hàng hóa vẫn lạ lẫm với doanh nghiệp, dù trước đây cơ quan quản lý đã từng cấp phép cho một số sàn giao dịch và chủ yếu giao dịch ở mặt hàng cà phê. Thế nhưng, các sàn giao dịch này gặp nhiều khó khăn, hoạt động kém sôi động và đã đóng cửa.
Theo bà Dung, thông qua sở giao dịch hàng hóa sẽ giúp người nông dân có được công cụ bảo hiểm giá nhằm giảm thiểu các rủi ro trong sản xuất kinh doanh như được mùa rớt giá.
Cùng với đó, các doanh nghiệp thương mại, xuất nhập khẩu có thể biết được giá cả chuẩn giao dịch các mặt hàng như cà phê, cao su, thép theo từng loại, từng tháng hợp đồng để chủ động sản xuất kinh doanh.