Đưa hàng Việt đến tay người lao động

Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị tuyên truyền, phổ biến các mô hình cung ứng hàng hóa thiết yếu Việt Nam tại KCN- KCX và các giải pháp tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa Việt Nam tại thị trường trong nước do Bộ Công thương phối hợp TLĐLĐ Việt Nam và Công đoàn Công thương Việt Nam tổ chức ngày 12-10, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, ngành công thương thời gian qua đã có các hoạt động phối hợp công đoàn hướng tới mục tiêu chăm lo, quan tâm đối tượng lao động của ngành, thực hiện công tác chuyên môn, nghiệp vụ nhằm phát triển ngành công thương đáp ứng những đòi hỏi cấp bách trong thời kỳ hội nhập. Một trong những hoạt động nổi bật là việc triển khai hiệu quả các chương trình, đề án ngành công thương gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiêu dùng hàng Việt Nam” (CVĐ).

Đến nay, thực hiện chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, các địa phương đã tổ chức được hơn 3.000 đợt bán hàng về nông thôn, khu KCN-KCX. Trong khuôn khổ triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ, đến nay đã xây dựng được 104 điểm bán hàng Việt Nam cố định bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, trong đó có nhiều điểm bán được tổ chức tại các KCN- KCX phục vụ hàng hóa cho công nhân, NLĐ. Đồng thời hưởng ứng chương trình phúc lợi công đoàn viên do TLĐLĐ Việt Nam phát động. Nhiều doanh nghiệp (DN) ngành công thương như: Petrolimex, Saigon Co.op, Hapro... đã tham gia ký kết với TLĐLĐ Việt Nam, cam kết cung ứng hàng hóa thiết yếu của DN Việt Nam.

Theo Phó Chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam Trần Văn Thuật, hưởng ứng CVĐ, các cấp công đoàn đã tổ chức lồng ghép với chương trình “Tết sum vầy” hằng năm với các hoạt động chăm lo cho hàng triệu đoàn viên lao động như trao tặng nhà mái ấm công đoàn, đưa đoàn viên về quê đón Tết, trao tặng quà cho NLĐ... Đặc biệt gắn với CVĐ góp phần gắn kết bền chặt giữa các đoàn viên công đoàn với tổ chức công đoàn, đến nay các cấp công đoàn đã ký kết 337 thỏa thuận với các tập đoàn, tổng công ty, DN với 1.260.053 đoàn viên, NLĐ sử dụng hàng hóa dịch vụ của các đối tác và NLĐ được hưởng lợi khi tham gia chương trình là 449,1 tỷ đồng.

Hội nghị cũng đã góp phần tuyên truyền, phổ biến các mô hình cung ứng hàng hóa thiết yếu của DN Việt Nam tại KCN-KCX, đồng thời đề xuất các giải pháp tăng cường khả năng cung ứng hàng hóa cho đối tượng công nhân, NLĐ có thu nhập thấp thông qua hình thức kết nối các DN sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam với công đoàn các KCN- KCX, các DN có đông công nhân. Đưa ra định hướng cho các DN cung ứng hàng Việt Nam tổ chức các chương trình khuyến mãi, giảm giá, tổ chức các điểm bán hàng Việt Nam lưu động và cố định cho công nhân, NLĐ tại các KCN- KCX nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho NLĐ được tiếp cận hàng hóa sản xuất trong nước với chất lượng tốt, đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả cạnh tranh…

Để các hoạt động cung ứng hàng hóa cho đối tượng công nhân, NLĐ tại KCN-KCX đạt hiệu quả cao, cần gắn kết các chương trình, đề án hưởng ứng CVĐ đang được triển khai của Bộ Công thương như Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 -2020 và Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia với các chương trình phúc lợi cho đoàn viên Công đoàn và NLĐ do TLĐLĐ Việt Nam phát động, để đoàn viên Công đoàn và NLĐ được hưởng những ưu đãi tốt hơn khi mua hàng cũng như sử dụng các dịch vụ của các DN sản xuất, kinh doanh hàng Việt.

Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ Nguyễn Minh Toại chia sẻ, thông qua các phiên chợ “Hàng Việt Nam với công nhân” tại Cần Thơ đã góp phần đưa CVĐ đến gần hơn với từng đối tượng cụ thể. Phiên chợ giúp cho anh chị em công nhân, người tiêu dùng địa phương và bà con khu vực lân cận được miễn phí tư vấn sản phẩm, dịch vụ; mua sắm hàng hóa trực tiếp từ các nhà sản xuất trong nước với giá cả phù hợp. Về phía DN không chỉ thu được lợi nhuận mà còn là cơ hội quảng bá, tạo dựng niềm tin với khách hàng tham quan, mua sắm.

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân, là ngành có lực lượng lao động lớn, lao động nữ nhiều vì thế cần có các chương trình ưu đãi cho NLĐ có cơ hội mua sắm với giá cả hợp lý, mua hàng trả góp trừ dần vào lương hằng tháng, giá bán hàng Việt Nam cho công nhân có nhiều ưu đãi... Cần tổ chức các chương trình vận động tuyên truyền dùng hàng Việt Nam cho công nhân, tổ chức các chương trình phân biệt hàng giả, hàng thật, cho công nhân tiếp cận, trải nghiệm thương mại điện tử trong mua sắm...

Bên cạnh đó, đại diện cho hệ thống siêu thị Big C Việt Nam (thuộc Tập đoàn Central Group) cũng đưa ra một góc nhìn mới là tổ chức các chuyến đưa công nhân và con em họ đến siêu thị vào ngày nghỉ nhằm giúp họ hưởng ưu đãi mở rộng trên cả các sản phẩm, dịch vụ khác ngoài những hàng hóa thiết yếu. Phần đông NLĐ cũng cho rằng họ rất ưu tiên dùng hàng Việt Nam, song cần giá cả hợp lý và bảo đảm, chất lượng, cần được thông tin rộng rãi về chương trình và về lợi ích mà họ có được từ chuỗi hoạt động thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt Nam, có các chương trình thông tin rõ ràng để người tiêu dùng nắm bắt phân biệt hàng giả - hàng thật...

Bình luận của bạn