Đưa nông thủy sản Tây Nam bộ vào thị trường Trung Quốc

Ngày 29/3, tại Kiên Giang, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang và UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị Kết nối tiêu thụ nông sản, thủy sản các tỉnh miền Tây Nam bộ vào thị trường tỉnh Quảng Ninh và Trung Quốc.

Hội nghị được tổ chức nhằm từng bước chủ động và ổn định thị trường đầu ra, đồng thời nâng cao giá trị cho mặt hàng nông sản, thủy sản của các địa phương đối với thị trường trong và ngoài nước, từ đó phát triển chuỗi giá trị sản xuất nông sản bền vững, hiệu quả.

Vùng nhiều tiềm năng

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Tây Nam bộ là vùng đất có vị trí chiến lược của cả nước, với 3 mặt Đông, Tây, Nam giáp biển Đông và biển Tây Nam, có đường bờ biển dài hơn 700km với 360.000km2, vùng đặc quyền kinh tế, có vị trí rất thuận lợi để phát triển kinh tế biển. Đồng thời cũng là một trong số ít vùng trên thế giới có lợi thế đặc biệt về sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Hàng năm, toàn vùng đóng góp khoảng 27% GDP của cả nước, sản xuất hơn 50% tổng sản lượng lương thực, đóng góp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu. Trong đó 3 sản phẩm là gạo, tôm và cá tra có đóng góp cao trong kim ngạch xuất khẩu quốc gia với trên 1 tỷ USD mỗi năm.

Theo ông Đông, sản xuất lúa gạo, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản là thế mạnh của Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho cả nước, nâng cao đời sống vật chất, tạo cơ hội việc làm cho cư dân ở khu vực nông thôn.

Nông thủy sản Tây Nam bộ có tiềm năng, còn Trung Quốc lại có nhu cầu lớn với các sản phẩm này. Ông Vũ Văn Kinh - Chủ tịch UBND TP. Móng Cái (Quảng Ninh) cho biết, các mặt hàng nông lâm thủy sản của khu vực Tây Nam bộ rất đa dạng và phong phú, có thể xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái - tỉnh Quảng Ninh.

“Với thông điệp “Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái - Cửa ngõ mở ra thế giới” chúng tôi cam kết mạnh mẽ trong việc tiếp tục thực thi chính sách pháp luật một cách minh bạch, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cấp hạ tầng và hệ thống logistic đồng bộ hiện đại hơn. Mong muốn sau hội nghị lần này sẽ kết nối nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đến Móng Cái tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư và xuất khẩu nông sản, hải sản, hoa quả và các mặt hàng có lợi thế qua cặp cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc)” - ông Vũ Văn Kinh nhấn mạnh.

Mặc dù có tiềm năng nhưng việc đưa nông thủy sản Tây Nam bộ ra thị trường thế giới còn nhiều khó khăn. Ông Phạm Trường Giang - Giám đốc HTX cua Năm Căn Cà Mau - cho biết, Cà Mau nổi tiếng với nhiều loại thủy hải sản, trong đó cua Năm Căn là một trong những hải sản nổi tiếng được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, hiện nay việc xuất khẩu cua đi sang nước ngoài vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian tới HTX mong muốn các cơ quan ban ngành xúc tiến, quảng bá để cua Năm Căn sẽ xuất khẩu đi qua Trung Quốc và các nước khác trên thế giới.

Phải đảm bảo các yêu cầu sản phẩm

Theo ông Trần Duy Đông, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng cho các mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, yêu cầu chất lượng hàng hóa của bạn ngày càng yêu cầu cao hơn, cụ thể, từ ngày 1/4/2018, phía Trung Quốc yêu cầu truy xuất nguồn gốc hoa quả xuất khẩu từ Việt Nam, vì vậy, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp, HTX sản xuất kinh doanh nông sản trong quá trình sản xuất, kinh doanh phải đáp ứng quy trình sản xuất nông sản, thủy sản an toàn, đảm bảo đủ yêu cầu về sản phẩm của phía bạn góp phẩn đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, thủy sản vào thị trường nhiều tiềm năng này.

“Để đảm bảo nguồn cung nông sản an toàn theo nhu cầu của thị trong và ngoài nước, các địa phương phải chỉ đạo, quản lý hoạt động sản xuất nông sản trên địa bàn theo đúng quy hoạch, giảm thiểu tình trạng sản xuất tự phát, gây ra hiện tượng dư cung một số nông sản như thời gian qua” - ông Đông nhấn mạnh.

Ông Dương Tôn Bằng - Cục trưởng Cục Thương vụ và Quản lý cửa khẩu TP. Đông Hưng (Trung Quốc) cho biết, hàng hóa nước ngoài nhập vào thị trường Trung Quốc phải đáp ứng yêu cầu như nhãn mác, giám sát hàng thủy sản đông lạnh và khô, giám sát đối với hàng thủy sản cấp không đông qua chế biến, thực phẩm đóng gói, hoa quả… Do đó các doanh nghiệp ở Tây Nam bộ nên lưu ý để xuất khẩu hàng hóa sang TP. Đông Hưng nói riêng và Trung Quốc nói chung.

Theo ông Trần Duy Đông, để tháo gỡ khó khăn tạo đầu ra ổn định, bền vững, hạn chế tình trạng bấp bênh về giá cho một số mặt hàng nông sản Việt Nam, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại nhằm tăng khả năng kết nối phục vụ lưu thông hàng hóa. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho thương mại, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu, phân phối hàng hóa. Nghiên cứu xây dựng kho ngoại quan tại các nước nhập khẩu nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Bình luận của bạn