EVFTA: Cơ hội xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt

Những ưu đãi về thuế quan của EVFTA sẽ mở ra cơ hội cho nông sản Việt tiếp cận, thâm nhập sâu hơn vào thị trường rộng lớn với 28 quốc gia thành viên.

Là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu sản phẩm tiêu, thứ hai về cà phê, thứ ba về gạo, thứ tư về thủy sản, thứ năm về sản phẩm gỗ…, việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết sẽ có lợi thế rất lớn đến phát triển ngành nông nghiệp.

Những ưu đãi về thuế quan của EVFTA sẽ mở ra cơ hội cho nông sản Việt tiếp cận, thâm nhập sâu hơn vào thị trường rộng lớn với 28 quốc gia thành viên. Nhưng đây cũng là một thị trường chất lượng cao, nếu nông sản Việt không qua được cánh cửa tiêu chuẩn thì cơ hội đó sẽ sớm tuột khỏi tầm tay. 



Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: "Không có ngành hàng nào chỉ toàn lợi thế và ngành hàng nào chỉ toàn bất lợi. Nếu khai thác tốt thế mạnh, làm ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn thì không sợ không có thị trường”. 

Một nước nhiệt đới hợp tác, mở cửa thúc đẩy thương mại với một khối các nước ôn đới như EU được xem sẽ là cơ hội để cho phần lớn hàng hóa nông sản hai bên bổ trợ nhau, đặc biệt khi Việt Nam cam kết bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý của EU và EU bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam.

Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan tới nông sản, thực phẩm. Đây là điều kiện để một số chủng loại nông sản nổi bật của Việt Nam tiếp cận và khẳng định thương hiệu của mình tại thị trường EU. 

Với Hiệp định EVFTA, Việt Nam sẽ cắt giảm 24% số dòng thuế nông sản cam kết về 0% ngay năm đầu và cắt giảm 99% dòng thuế sau 10 năm. 

Các nước EU cũng cắt giảm thuế các mặt hàng gạo về 0% sau từ 3-7 năm; rau quả có 520/556 dòng thuế về 0%, rau quả chế biến cũng có 85,6% dòng thuế về 0%; hạt điều hưởng thuế 0%; cà phê, hạt tiêu 93% dòng thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực… 

Các sản phẩm chăn nuôi sẽ có khoảng 60% dòng sản phẩm sẽ về 0% khi hiệp định có hiệu lực; nhóm thịt gia cầm tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh có lộ trình cắt giảm thuế 7 năm. 

Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn,  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Công Thắng đánh giá, nông nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội với các ngành hàng là trái cây, thủy sản, lâm nghiệp…với các sản phẩm có lợi thế như tiêu, điều, cà phê… 

Với vị thế là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê nhân lớn thứ 2 thế giới, trong khi EU là một trong những thị trường lớn của cà phê Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang EU được dự báo sẽ tăng lên sau khi EVFTA được ký kết.  

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội lớn mà EVFTA mang lại, theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, những thách thức mà các doanh nghiệp Việt nói chung và ngành cà phê nói riêng phải đối mặt cũng không hề nhỏ, nhất là trong vấn đề nâng cao chất lượng cà phê và đảm bảo an toàn thực phẩm. 

“Chúng ta phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về rào cản kỹ thuật cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm đã được cam kết trong các FTA  nói chung và EVFTA nói riêng”, ông Đỗ Hà Nam nhìn nhận. 

Để tận dụng tối đa cơ hội mà EVFTA mang lại, ông Đỗ Hà Nam cho rằng, dư địa giá trị gia tăng của ngành cà phê còn nhiều, do vậy các doanh nghiệp cần đẩy mạnh khâu chế biến sâu.

Nông dân cũng phải chuyển hướng sang canh tác bền vững, đạt chứng nhận quốc tế; có sự phối hợp và kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và giữa doanh nghiệp trong nước với các nhà phân phối tại EU, từ đó làm gia tăng giá trị cà phê xuất khẩu. 

Là một ngành hàng Việt Nam có tiềm năng, lợi thế lớn khi vào thị trường EU là rau quả, ông Lê Thành Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, EU là thị trường lớn, có nhu cầu nhập khẩu cao các loại trái cây, đặc biệt là rau gia vị. Hiện các sản phẩm rau quả chế biến xuất khẩu đang được các doanh nghiệp khai thác khá tốt tại thị trường này.

Tuy nhiên, với các sản phẩm rau quả tươi để xuất khẩu vào được EU, doanh nghiệp phải đảm bảo được yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm khá khắt khe. 

Hiện EU đã quy định mức giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRLs) được sử dụng trong và trên các sản phẩm thực phẩm. Đối với các sản phẩm rau quả tươi, doanh nghiệp phải tuân thủ chặt chẽ theo các quy định về MRLs và ngăn ngừa tình trạng nhiễm vi khuẩn là những điều kiện tiên quyết khi muốn thâm nhập thị trường EU.

Các sản phẩm có chứa các loại thuốc bảo vệ thực vật bị cấm hoặc có hàm lượng cao hơn mức cho phép sẽ bị từ chối nhập khẩu vào thị trường này. 

Không chỉ cà phê hay rau quả, rào cản khó khăn nhất đối với nông sản Việt Nam là an toàn thực phẩm. Trong thời gian vừa qua, nhiều nông sản Việt Nam đã thâm nhập được vào các thị trường chất lượng cao như EU và đã có những tín hiệu tích cực trong sản xuất để đáp ứng yêu cầu của các thị trường có tiêu chuẩn cao. 

“Tuy nhiên, chúng ta không thể chủ quan vì càng ngày thị trường đòi hỏi càng cao, tần suất giám sát, kiểm tra cũng càng cao.  Nếu không đáp ứng chúng ta sẽ mất cơ hội.”, ông Trần Công Thắng nói. 

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng bày tỏ, cam kết FTA không đồng nghĩa với giấy phép xuất khẩu cho các loại hàng hoá. Cam kết FTA cũng không xoá bỏ các yêu cầu về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm… và cơ hội phải đồng nghĩa với chất lượng. 

Ông Trần Công Thắng nhận định, EVFTA sẽ khiến các quy định về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu ngày càng chặt chẽ và cao hơn khi giảm thuế. Việt Nam cũng sẽ phải bảo đảm tuân thủ các quy định khác về sở hữu trí tuệ, lao động, minh bạch hoá thông tin… 

Đặc biệt, các doanh nghiệp trong nước sẽ phải tuân thủ các quy định của các nước nhập khẩu, không chỉ vấn đề an toàn thực phẩm mà còn các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, vấn đề lao động, bình đẳng giới và cùng với đó là những thách thức trong kiểm soát gian lận thương mại. 

Việc tham gia các FTA cũng mang lại cho người tiêu dùng Việt Nam cơ hội tiếp cận các sản phẩm có chất lượng cao, giá cả hợp lý hơn từ những nước tiên tiến như thịt, sữa… Đặc biệt là một số sản phẩm trái cây ôn đới và thuỷ sản mà Việt Nam không có. 

Với một số ngành hàng chịu sức cạnh tranh không kém như thịt bò, thịt gà, đặc biệt khi gần đây có sự tăng trưởng mạnh trong nhập khẩu thì với EVFTA, Việt Nam sẽ có lộ trình cắt giảm thuế rất nhanh. Với khoảng thời gian từ 5-7 năm cũng là thời gian không phải là dài để Việt Nam đổi mới một ngành hàng. 

Theo ông Trần Công Thắng, để nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản đáp ứng với điều kiện xuất khẩu theo ưu đãi của EVFTA cũng như tiêu thụ trong nước, nông sản Việt cần có cách tổ chức kênh phân phối sao cho hiệu quả để có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu, nhất là đối với các mặt hàng tương đồng. Thông tin sản phẩm phải minh bạch để người tiêu dùng trong nước tin tưởng sản phẩm trong nước hơn sản phẩm nhập khẩu. Đối mới các mặt hàng bổ sung thì phải chấp nhận việc nhập khẩu. 

"Do đó, các ngành hàng cần tiếp tục tổ chức lại sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm; tổ chức lại các hiệp hội, ngành hàng để có sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà xuất khẩu, liên kết chuỗi giá trị sản xuất giữa người sản xuất và doanh nghiệp", ông Thắng đề xuất. 

Là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, có nhiều sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao như: cà phê, hoa, rau quả…,  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho biết, để nâng cao năng lực hội nhập và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp địa phương, Lâm Đồng đã triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. 

Ngành nông nghiệp Lâm Đồng cũng chú trọng đẩy mạnh thâm canh cây trồng theo hướng ứng dụng công nghệ cao; chuyển đổi, nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi; áp dụng khoa học công nghệ… Đặc biệt là việc xây dựng các chuỗi giá trị trong sản xuất có sự tham gia của doanh nghiệp với mục tiêu sản phẩm làm ra an toàn, có chất lượng cao, truy xuất được nguồn gốc… 

Ông Phạm S cho hay, muốn hội nhập thành công thì vấn đề thông tin thị trường là rất quan trọng. Do đó, tỉnh đề xuất các bộ, ngành hỗ trợ các địa phương trong tuyên truyền về hội nhập; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập; thường xuyên cung cấp thông tin về thị trường; hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư.

Đặc biệt, trong các chương trình xúc tiến nên chia ra các nhóm tỉnh, thành phố có mức độ phát triển tương đương nhau và có các mức hỗ trợ ưu tiên cho các doanh nghiệp nhỏ có tiềm năng./.

Bình luận của bạn