FTA thế hệ mới: Thách thức và cơ hội với doanh nghiệp Việt
Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia và hoàn tất đàm phám 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương.
Các FTA thế hệ mới sẽ gần như ngay lập tức mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp nước ngoài tiến vào thị trường Việt Nam và ngược lại. Đây là cơ hội và cũng là thách thức với các doanh nghiệp Việt trong tiến trình hội nhập sâu rộng với gần như tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới.
Theo thông tin từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã tham gia và hoàn tất đàm phám 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Trong số đó có 8 FTA đã có hiệu lực là Hiệp định thương mại tự do ASEAN và 5 hiệp định thương mại giữa ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia – New Zealand; 2 hiệp định song phương (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - Nhật Bản và Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam - Chile). Có 2 hiệp định đã ký kết, nhưng chưa có hiệu lực là hiệp định thương mại Việt Nam - Hàn Quốc , Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu; 2 hiệp định thương mại thế hệ mới đã kết thúc đàm phán, gồm hiệp định thương mại Việt Nam - Liên minh Châu Âu và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Khi hội nhập ngày càng sâu rộng, hiệp định tự do thương mại ngày càng nhiều thì cơ hội tự do thương mại cũng rất lớn. Với 12 hiệp định đã ký kết, hàng hóa của Việt Nam cũng có cơ hội xuất khẩu nhiều hơn sang các nước trong khu vực và thế giới. Theo ông Hà Duy Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài chính, khi những hiệp định này đi vào hiệu lực, khoảng 80% kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ chịu sự điều chỉnh của các hiệp định này. Chỉ còn khoảng 20% còn lại là nằm ngoài các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Trên thực tế các FTA đều có mối quan hệ đan xen và ràng buộc lẫn nhau. Theo các chuyên gia, cam kết hiện tại trong các hiệp định mới đều ở phạm vi rất toàn diện. Không chỉ là mở cửa về thương mại mà các hiệp định mới đều có các cam kết rất rộng về mở cửa thị trường và loại bỏ các rào cản hoặc điều kiện đầu tư. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp khi mở cửa và hội nhập sâu rộng với thế giới.
Tại diễn đàn “Doanh nghiệp Việt: Kết nối và Hội nhập trong kỷ nguyên FTA thế hệ mới” diễn ra mới đây, ông Hà Duy Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ Tài chính thông tin cụ thể: “Trong ASEAN cam kết 99% mặt hàng phải đưa thuế nhập khẩu về 0%. Đến thời điểm năm 2015 nước ta đã đưa được 92 – 93% và dự kiến đến năm 2018 sẽ về 0%.” Đúng theo lộ trình cắt giảm thuế quan của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), đến cuối năm 2014, Việt Nam đã cắt giảm 6.859 dòng thuế (chiếm 72% tổng Biểu thuế xuất nhập khẩu) xuống 0%. Từ ngày 1/1/2015, Việt Nam đã cắt giảm thêm 1.720 dòng thuế từ thuế suất hiện hành 5% xuống 0% theo cam kết ATIGA.
Như vậy, chỉ còn khoảng 7% dòng thuế, tương đương 687 mặt hàng được xem là nhạy cảm theo thỏa thuận với ASEAN chưa cắt giảm ngay về 0% trong năm 2015 mà thực hiện dần đến năm 2018 (gồm các mặt hàng nhạy cảm cần có lộ trình bảo hộ dài hơn, chủ yếu như: sắt thép, giấy, vải may mặc, ô tô, linh kiện phụ tùng ô tô, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu xây dựng, đồ nội thất…) và 3% số dòng thuế của biểu ATIGA được loại trừ khỏi cam kết xóa bỏ thuế quan (bao gồm các mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm được phép duy trì thuế suất ở mức 5%: gia cầm sống, thịt gà, trứng gia cầm, quả có múi, thóc, gạo lứt, thị chế biến, đường).
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng khi các hiệp định thương mại có hiệu lực thực thi, Việt Nam và các nước đối tác tiếp tục cắt giảm thuế quan theo cam kết đã tạo ra cơ hội cạnh tranh hàng hóa. Thị trường trong nước dồi dào, phong phú các sản phẩm ngoại nhập; đồng thời, các hàng hóa của Việt Nam cũng có cơ hội xuất khẩu nhiều hơn sang các nước trong khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo các doanh nghiệp trong nước để tận dụng tốt được các hiệp định cần phải chú ý đến nhiều tiêu chuẩn như vấn đề lao động, môi trường và nguồn gốc xuất xứ thay vì chỉ chú ý đến thuế quan. Bên cạnh đó cần phải chú trọng đặc biệt đến xúc tiến thương mại, điều mà các doanh nghiệp Việt còn yếu. Trên thực tế xúc tiến thương mại là cách tốt nhất để doanh nghiệp quảng bá và mở rộng thị trường ra bên ngoài.
Ông Hoàng Mạnh Phương – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý doanh nghiêp một số vấn đề cụ thể khi liên hệ thực tiễn: Thứ nhất, cần xây dựng chính sách và quản lý đầu tư; Thứ hai, trong đăng ký và hoạt động đầu tư, các doanh nghiệp cần lưu ý, những nước có cơ chế thứ ba sẽ có chế độ ưu đãi nhất đối với doanh nghiệp nên doanh nghiệp có quyền lựa chọn nước để đầu tư;Thứ ba, với đàm phán hợp đồng với các nhà đầu tư, doanh nghiệp lưu ý khi đàm phán hợp đồng có một số nguyên tắc phải loại trừ, hoặc một số nguyên tắc cần phải lựa chọn xem có nên đưa ra hay không.
Theo thống kê của VCCI, tính đến 31/12/2015, cả nước đã có 94.754 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới theo Luật Doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 601,5 nghìn tỷ đồng, tăng 26,6% về số doanh nghiệp và tăng 39,1% về số vốn đăng ký so với năm 2014. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2007 - 2015, đã có 692 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập, nâng tổng số doanh nghiệp đã đăng ký thành lập lên khoảng 941 nghìn doanh nghiệp. Để các doanh nghiệp này thể cạnh tranh trên sân nhà và vươn ra thị trường thế giới, doanh nghiệp phải vươn tới các chuẩn mực quốc tế trong quản trị điều hành, tận dụng tốt các lợi thế trong tiến trình hội nhập, nỗ lực hơn nữa để biến thách thức hành cơ hội và giữ cho giá trị doanh nghiệp được duy trì bền vững.