Gạo Việt đặt kỳ vọng vào châu Phi: Một nửa bức tranh

Từ mặt hàng lúa gạo, đến viễn thông, đồ dùng của VN đều đang hướng đến việc xuất khẩu vào châu Phi với nhiều kỳ vọng.

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT được Thời báo Kinh tế Sài Gòn dẫn lại, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2016, với 35,5% thị phần nhưng so với cùng kỳ năm trước, lượng gạo xuất khẩu sang đây đang có dấu hiệu giảm.

Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 1,18 triệu tấn, giảm 21,4% so với cùng kỳ năm 2015.

Ngược lại, châu Phi, đặc biệt là Gana trở thành thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam, khi chiếm 11% thị phần trong 8 tháng đầu năm. Xuất khẩu gạo sang thị trường này 8 tháng đầu năm đạt 343.000 tấn, tăng gần 37%.

Một thị trường châu Phi khác là Angola cũng có sự tăng trưởng mạnh với mức tăng 4,6 lần về lượng so với cùng kỳ năm trước.

Theo những người trong ngành, lý do là vì gạo Việt tập trung vào phân khúc trung bình, mức giá phải chăng. Cơ hội gạo Việt tăng thị phần trong những năm tới là hoàn toàn hiện hữu.

Điều đáng lưu ý, ngoài gạo, Việt Nam còn có rất nhiều mặt hàng khác cũng đang đặt kỳ vọng vào thị trường châu Phi gồm điện thoại di động, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giày dép các loại, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, hàng dệt may, hạt tiêu, gỗ và sản phẩm gỗ, sản phẩm từ sắt thép...

Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nam Phi đạt 1,03 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2014.

Trong lĩnh vực viễn thông có thể kể đến Tập đoàn Viettel với dự án đầu tư tại Mozambique (345,6 triệu USD) và Cameroon (400 triệu USD).

Tập đoàn PetroVietnam trong lĩnh vực khai thác và thăm dò dầu khí đầu tư 300 triệu USD tại Algeria, Cộng hòa Congo; ngoài ra còn nhiều DN tư nhân khai thác đầu tư xây dựng, sản xuất chế biến gỗ…

Bình luận của bạn