Ghi nhận nỗ lực của địa phương và doanh nghiệp

Dù trùng với đợt nghỉ Tết Nguyên đán tương đối dài nhưng quý I/2016, thị trường hàng hóa trong nước được đánh giá tương đổi ổn định. Tuy nhiên, tháng 4/2016, do một số mặt hàng nguyên vật liệu, nông sản… có xu hướng tăng giá, CPI dự báo tăng nhẹ.

CPI tăng thấp

Thông tin từ Tổ Điều hành thị trường trong nước, trong quý I/2016, do doanh nghiệp (DN) và các địa phương triển khai tốt công tác chuẩn bị hàng phục vụ Tết nên thị trường hàng hóa tương đối ổn định, nguồn cung dồi dào, đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân. Chương trình bình ổn thị trường ngày càng được nhân rộng. Dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, đã có 53/63 tỉnh triển khai chương trình bình ổn thị trường.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tháng 3 đạt 275.435 tỷ đồng, giảm 3,41% so với tháng trước. Tính chung 3 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 859.560 tỷ đồng, tăng 9,07% so với cùng kỳ năm 2015. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa quý I chỉ tăng 7,7%, thấp hơn so với mức tăng của nhiều tháng gần đây. Điều này cho thấy, sức mua dè dặt hơn khi mặt bằng giá hàng hóa có xu hướng tăng.

Với diễn biến thị trường như vậy, CPI tháng 3 đã tăng 0,57% so với tháng 2, CPI quý I tăng 1,25% so với cùng kỳ năm 2015.

Bà Đỗ Thị Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) - phân tích: Mức CPI này thấp hơn những năm gần đây, nhất là từ năm 2014 trở về trước. Nguyên nhân do trong 11 nhóm hàng hóa ảnh hưởng đến CPI, chỉ có 2 nhóm tăng giá do chính sách điều hành là giá y tế và giáo dục. Cụ thể: Trong tháng 3, nhóm thuốc, dịch vụ y tế đã tăng 24,34% do Bộ Y tế quyết định tăng viện phí; nhóm giáo dục tăng 0,66% do một số tỉnh tiếp tục điều chỉnh tăng học phí theo lộ trình. Nếu không có sự thay đổi về chính sách, CPI chỉ tương đương như mọi năm. 

Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thúy Nga - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - nhận định: Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến CPI quý I tăng thấp là do các biện pháp bình ổn đã được triển khai và mang lại hiệu quả tích cực. Trong đó, không thể không kể đến vai trò tích cực của địa phương và DN trong việc nỗ lực đảm bảo cân đối cung cầu, không gây áp lực tăng giá đến các mặt hàng.

Nỗ lực kiểm soát giá

Tổ Điều hành thị trường trong nước dự bao: Tháng 4/2016, CPI sẽ tăng nhẹ do một số mặt hàng như: Xăng dầu, dịch vụ y tế và giáo dục, nông sản… tăng giá.

Phân tích thêm, bà Đỗ Tuyết Mai - Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) -  cho rằng, trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn tại các tỉnh phía Nam đang diễn biến phức tạp, giá lương thực thực phẩm có xu hướng tăng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng và DN xuất khẩu.

Ông Phạm Xuân Hòe - Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược Ngân hàng - bổ sung: Lãi suất ngân hàng năm nay có xu hướng tăng, dẫn đến khó khăn cho DN sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến giá hàng hóa trong nước.

Nhằm tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất, bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng cho thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Tổ Điều hành thị trường trong nước đề xuất nhiều giải pháp để tập trung quản lý tốt giá các nhóm hàng đang có xu hướng tăng giá như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thép… nhằm bình ổn thị trường trong mọi tình huống.

Bình luận của bạn