Giá trị thương hiệu Việt: Tăng cả lượng và chất
Tăng 1,2 tỷ USD so với năm ngoái, giá trị của các thương hiệu dẫn đầu Việt Nam năm 2019 đạt hơn 9,3 tỷ USD. Không chỉ tăng về chất, các thương hiệu xuất hiện trong bảng xếp hạng đã phần nào phản ánh được định hướng tăng trưởng cũng như phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế.
Danh sách 50 thương hiệu dẫn đầu Việt Nam năm 2019 vừa được Forbes Việt Nam công bố đã gọi tên những doanh nghiệp lớn trị giá tỷ “đô” như Vinamilk, Viettel và chứng kiến sự đổi ngôi ở nhiều vị trí. Những thương hiệu giá trị nhất là thương hiệu đạt mức doanh thu lớn trong các ngành mà thương hiệu đó đóng vai trò chủ đạo. Sau khi lập danh sách sơ bộ hơn 100 công ty có thương hiệu mạnh, sản phẩm có độ phủ và mức độ nhận biết cao với người tiêu dùng, Forbes Việt Nam tính toán thu nhập trước thuế và lãi vay, sau đó xác định giá trị đóng góp của tài sản vô hình.
Đây là năm thứ 4 liên tiếp Vinamilk dẫn đầu bảng xếp hạng, với giá trị thương hiệu của năm nay được xác định là 2,23 tỷ USD, giảm nhẹ so với con số 2,28 tỷ USD của năm ngoái. Viettel có sự bứt phá lớn khi vẫn giữ vị trí thứ hai nhưng giá trị của năm nay đạt cao hơn rất nhiều (2,16 tỷ USD) so với mức 1,39 tỷ USD của năm ngoái.
Những doanh nghiệp lớn lọt vào Top 10 có thể kể tới: Sabeco (486 triệu USD), Vinhomes (411 triệu USD), MobiFone (393 triệu USD), Masan Consumer (305 triệu USD), Vinaphone (301 triệu USD), Vietcombank (246,5 triệu USD), FPT (215,2 triệu USD) và Vincom Retail 155,6 (triệu USD). Đồng thời, có 20 thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam có giá trị trên 100 triệu USD.
So với danh sách năm 2018, danh sách năm nay mở rộng số lượng từ 40 thương hiệu lên 50 thương hiệu, nhằm phù hợp với sự phát triển của các doanh nghiệp và nền kinh tế. 50 cái tên được Forbes Việt Nam đưa ra mặc dù đã có khá đầy đủ những thương hiệu lớn của nền kinh tế ở 17 lĩnh vực hoạt động, nhưng vẫn thiếu những cái tên doanh nghiệp tư nhân lớn hoặc doanh nghiệp nhà nước. Theo Forbes Việt Nam, việc thu thập số liệu của các doanh nghiệp dựa trên báo cáo tài chính của các công ty. Đặc biệt, thay vì chọn theo giá trị từ cao xuống thấp như các năm trước, việc lựa chọn các thương hiệu đại diện giá trị nhất theo từng ngành giúp danh sách phong phú hơn về số lượng, đa dạng hơn về lĩnh vực, phản ánh đúng các đặc thù của từng ngành. Nhìn ở bảng tổng sắp, dễ nhận thấy các doanh nghiệp sản xuất chiếm số lượng khá lớn với 30/50 thương hiệu được xếp hạng. 30 thương hiệu này trải đều ở các ngành, trong đó thực phẩm đồ uống (chiếm nhiều nhất- 10 thương hiệu); ngành vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng lần lượt đứng vị trí thứ 2 và 3 với mỗi ngành có 4 đại diện…. Bảng xếp hạng cũng gọi tên những thương hiệu lớn trong lĩnh vực công nghệ, viễn thông, ôtô và phụ tùng, dịch vụ bất động sản… như: Thaco, Novaland, Cao su Đà Nẵng, Hòa Phát, VNG…Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, sự có mặt nhiều hơn của các thương hiệu dẫn đầu trong khối sản xuất và công nghệ đã cho thấy hướng đi đúng của nền kinh tế, đó là việc gia tăng sản xuất, phát triển công nghệ để bám đuổi nhanh trong cuộc đua cách mạng công nghiệp 4.0. Hơn thế, những thương hiệu sản xuất và công nghệ góp phần xây dựng hình ảnh cho không chỉ doanh nghiệp mà còn là thương hiệu của một quốc gia.