Giàu tiềm năng xuất khẩu cá tra
Theo Bộ NN-PTNT, Tình hình xuất khẩu cá tra ra thị trường thế giới hiện đang diễn biến theo chiều hướng có lợi, đáng chú ý, các thị trường tiêu thụ lớn như Trung Quốc và Hoa Kỳ đều tăng.
Bộ NN-PTNT vừa đưa ra nhận định: Tình hình xuất khẩu cá tra ra thị trường thế giới hiện đang diễn biến theo chiều hướng có lợi, đáng chú ý, các thị trường tiêu thụ lớn như Trung Quốc và Hoa Kỳ đều tăng. Sau xuất khẩu gạo, tôm, đến lượt cá tra đang được mùa, đó là một tín hiệu lạc quan cho các mặt hàng nông sản Việt Nam, nhất là ở khu vực ĐBSCL.
Lợi nhuận trên 11.000 đồng/kg
Từ tháng 9 đến cuối tháng 10-2018, giá cá tra tiếp tục tăng mạnh, xác lập mức giá kỷ lục mới, 35.000 đồng/kg - đây là mức giá cao nhất trong 10 năm trở lại đây. “Hồi cuối tháng 9, khi giá cá tra tăng lên 32.000 đồng/kg, nhiều hộ nuôi đã bán. Tuy nhiên, vì dự đoán giá cá tra có thể nhích lên nữa, tôi đã chờ sang tháng 10, bán được mức giá 35.000 đồng/kg”, anh Nguyễn Thanh Hùng, một người nuôi cá tra ở Cần Thơ hồ hởi cho biết. Nhiều người bán trước có phần tiếc nuối, dù lợi nhuận vẫn ở mức cao. Theo anh Hùng, với mức giá 35.000 đồng/kg, nông dân có thể đạt lợi nhuận 11.000 đồng/kg.
Giá cá tra nguyên liệu ở mức cao ổn định đã khiến nhiều hộ dân quay lại đầu tư và mở rộng diện tích nuôi cá. “Trong 2 năm qua, gần 70% hộ dân treo ao đã quay lại nuôi cá tra. Đây được xem là tín hiệu tốt khi tiềm năng nuôi cá ở đây rất lớn”, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết. Tại Đồng Tháp, tình hình cũng diễn ra tương tự, đưa tỉnh này trở lại ngôi đầu trong nuôi cá tra với hơn 1.000ha. Giá cá tra nguyên liệu tăng mạnh đã kéo theo giá cá tra giống cao ngất. Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, đầu năm ngoái, giá cá giống dao động 27.000 - 39.000 đồng/kg (loại 30 con/kg); cuối năm 2017, giá cá giống tăng lên khoảng 45.000 - 50.000 đồng/kg; hiện nay khoảng 67.000 đồng/kg.
Cán mốc 2 tỷ USD
Hiện nay, nông dân ĐBSCL đã thu hoạch trên 1 triệu tấn cá tra, góp phần quan trọng cung ứng nguồn nguyên liệu dồi dào cho xuất khẩu. Trong đó, thị trường Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng cao, chiếm 24,1% (tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2017). Trong 9 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1,6 tỷ USD, tăng gần 29,7% so với cùng kỳ năm 2017. Đặc biệt, trong tháng 9, thị trường tiêu thụ cá tra tại Hoa Kỳ tăng kịch trần tới 42,9%. Đây có thể xem là hiệu ứng từ việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã giảm thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra và basa của Việt Nam.
Theo một số chuyên gia, với đà tăng xuất khẩu khả quan ở Hoa Kỳ, thị trường này sẽ nhanh chóng vượt qua Trung Quốc trong cơ cấu xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Dù có dấu hiệu cho thấy ngành cá tra Việt Nam đang bị cạnh tranh ở một số nước như Ấn Độ (650.000 tấn/năm), Bangladesh (450.000 tấn)…, song theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), việc phát triển như trên cũng không quá đáng lo khi xét về mặt cạnh tranh trong xuất khẩu với Việt Nam.
Cùng những tín hiệu tích cực, khi thị trường Hoa Kỳ quay lại tiêu thụ mạnh mặt hàng cá tra, việc xuất khẩu cá tra cán mốc 2 tỷ USD trong năm 2018 là điều hoàn toàn có thể đạt được. Hiệp hội Cá tra Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh mở rộng phát triển thị trường gắn với xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá tra chất lượng cao, xây dựng dòng sản phẩm cá tra philê cao cấp; đa dạng hóa sản phẩm, phát triển dòng sản phẩm giá trị gia tăng; nghiên cứu hình thành trung tâm logistics nghề cá cho ĐBSCL.
Đầu tháng 11 tới đây, Hiệp hội Cá tra Việt Nam sẽ tổ chức Mekong Chef 2018 với chủ đề “Ngày hội tôn vinh sản phẩm cá tra Việt” tại Cần Thơ, nhằm giới thiệu sản phẩm cá tra thông qua các món ăn phong phú đa dạng, các sản phẩm giá trị gia tăng từ cá tra. Đây là những bước tiến quan trọng để quảng bá, giới thiệu sâu rộng mặt hàng cá tra đến nhiều nước trên thế giới và ngay tại thị trường nội địa.