Gỡ nút thắt cho sản phẩm công nghiệp nông thôn
Quá phụ thuộc vào thiết kế truyền thống, rườm rà, không chú ý tới công năng sử dụng… là những nguyên nhân khiến mẫu mã sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ngày một lạc hậu, giá trị gia tăng thấp.
Theo ông Nguyễn Quang Thiện - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (Cục Công nghiệp địa phương, Bộ Công Thương), lâu nay sản xuất các sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) trong đó có hàng thủ công mỹ nghệ, thường dựa theo kinh nghiệm. Nhiều mẫu mã sản xuất theo đơn đặt hàng của nhà nhập khẩu nên chỉ đáp ứng một số lô hàng trong thời gian nhất định.
Ông Vũ Hy Thiều - chuyên gia trong lĩnh vực hàng thủ công mỹ nghệ phân tích: Sản phẩm CNNT, nhất là sản phẩm ở khu vực làng nghề mang đậm tính truyền thống, hình thức phong phú. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm vẫn được làm theo thói quen, chưa có ý thức về thiết kế, mẫu mã chậm thay đổi, loanh quanh trong phạm vi giá rẻ, chưa tạo sự khác biệt. Sản phẩm phục vụ cho du lịch và bao bì chưa được đầu tư khai thác. Vì vậy, sản phẩm CNNT tuy đa dạng nhưng giá trị gia tăng không cao, sức cạnh tranh trên thị trường kém, xuất khẩu khó.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do phần lớn doanh nghiệp chưa chú trọng tới thiết kế hoặc tiềm lực tài chính quá yếu không đủ khả năng duy trì nhóm thiết kế chuyên nghiệp. Một số doanh nghiệp lại nhìn nhận vấn đề thiết kế quá đơn giản, chỉ thay đổi hình dáng sản phẩm mà chưa chú ý tới thị hiếu của người tiêu dùng, xu hướng sản phẩm nên chưa có sự đầu tư đúng mức.
Cùng đó tại các làng nghề hiện nay, việc thiết kế mẫu mã sản phẩm CNNT do nghệ nhân thực hiện. Các nghệ nhân tuy có tay nghề cao, có sẵn mối quan hệ với khách hàng nhưng thiếu kỹ năng về thiết kế, thiếu thông tin thị trường và hầu hết làm việc theo thói quen. Vì vậy, sản phẩm tạo ra thường có họa tiết phức tạp, khoe kỹ xảo, khó sản xuất hàng loạt, công năng sử dụng kém.
Thực tế, việc thiết kế mẫu mã sản phẩm CNNT hiện luôn “đói”, tuy vẫn tồn tại một số mẫu hàng có giá trị kinh tế, thậm chí đạt giải thưởng nhưng đây chỉ là điển hình và tập trung ở một vài doanh nghiệp. Để khắc phục tình trạng trên, gia tăng đào tạo về thiết kế mẫu mã được coi là giải pháp hàng đầu và cần có cầu nối giữa đào tạo với thực tiễn sản xuất, giữa trường học với doanh nghiệp để tạo thành chuỗi sản xuất hoàn chỉnh.
Bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Hợp tác xã may thêu Kim Chi (An Giang) thì cho rằng: Việc đào tạo về thiết kế cần thực hiện theo chuyên đề, thời gian đào tạo có thể ngắn hoặc dài phụ thuộc vào lĩnh vực đào tạo tuy nhiên phải có sự gắn kết giữa lý thuyết và thực hành. Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp tăng lượng sinh viên đào tạo trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng bởi xu thế hiện nay không chỉ CNNT mà nhiều ngành công nghiệp khác cũng đang rất thiếu đội ngũ thiết kế.
Đại diện trường Trung cấp nghề tổng hợp Hà Nội đề xuất: Cần mở các lớp đào tạo ngắn hạn với hình thức vừa học vừa làm cho những nhà thiết kế trong các doanh nghiệp làng nghề. Tổ chức kết nối doanh nghiệp với các nhà thiết kế chuyên nghiệp, chuyên gia, biên soạn tài liệu tham khảo về sản phẩm và thiết kế trong và ngoài nước. Tôn vinh các nhà thiết kế có sáng tạo mới, đem lại hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Tổ chức các hội thi, bình chọn và trao giải thường niên cho các thiết kế mới, đẹp với tiêu chí rõ ràng, công khai.