Góp phần thay đổi nhận thức sản xuất và tiêu thụ hàng Việt

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được các cấp CĐCTVN triển khai gắn với hoạt động chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động.

Thực hiện theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Công Thương đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm định hướng và điều tiết nền kinh tế, kết nối cung cầu, là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm của Việt Nam phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần tích cực kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Thông tin này được ông Trần Quang Huy- Chủ tịch Công đoàn Công thương Việt Nam cho biết tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và ký kết thỏa thuận phúc lợi đoàn viên do Công đoàn Công Thương Việt Nam (Bộ Công Thương) tổ chức .

Theo ông Trần Quang Huy, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được các cấp Công đoàn công thương Việt Nam triển khai gắn với hoạt động chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động; tổ chức lồng ghép với các hoạt động phong trào tại các cấp công đoàn gắn với việc đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên, người lao động, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để sản xuất ra các sản phẩm, hàng hóa có chất lượng cao, giá thành hạ được người tiêu dùng và thị trường chấp nhận, phù hợp với điều kiện thực tế của ngành, của địa phương.

Nhận thức sâu sắc mục đích, ý nghĩa Cuộc vận động, trong 10 năm qua, Công đoàn Công thương Việt Nam đã bám sát chủ trương của Cuộc vận động, Chương trình hành động của Bộ Công Thương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để chỉ đạo các cấp công đoàn trong ngành tổ chức triển khai, thực hiện và đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Các cấp công đoàn thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền ngày càng hiện đại để Cuộc vận động đến gần hơn với người lao động, công chúng.

Theo đó, Công đoàn Công thương Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Thường trực Chương trình, xây dựng Kế hoạch triển khai các hoạt động toàn khóa, chú trọng chỉ đạo tới các công đoàn trực thuộc, tổ chức tuyên truyền trên trang Thông tin điện tử công đoàn công thương về ý nghĩa của Cuộc vận động, tiềm năng to lớn của thị trường trong nước.

Ngoài ra, phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm hàng Việt tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long; toạ đàm “Phát huy vai trò của công đoàn trong cuộc vận động Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” tại Điện Biên và Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời kết hợp giới thiệu sản phẩm của các đơn vị; Diễn đàn “Vai trò của công đoàn, doanh nghiệp và người lao động trong cuộc vận động Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” tại Quảng Ninh và Cần Thơ.

Triển khai hoạt động "Năm vì lợi ích đoàn viên công đoàn”: Công đoàn Công Thương Việt Nam đã làm việc với một số công đoàn trực thuộc trong việc chăm lo cho lợi ích của đoàn viên công đoàn, bán hàng giảm giá cho các siêu thị công đoàn hoặc các tổ chức phục vụ đoàn viên công đoàn sản phẩm bột giặt, nước giặt với mức từ 10 - 18% …

Cùng đó, phối hợp với Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thực hiện Chương trình phối hợp giữa Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Bộ Công Thương trong việc triển khai “Tháng Công nhân” năm 2018 và Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với mục đích bán hàng với giá ưu đãi cho người lao động và đoàn viên công đoàn.

Mặt khác, kết nối với Tạp chí Công Thương tổ chức các Chương trình thường niên nhận diện hàng Việt Nam trên phạm vị toàn quốc với tên “Tự hào hàng Việt Nam”. Đây là chuỗi các sự kiện trọng tâm trong tuyên truyền của Bộ Công Thương, Tạp chí Công Thương và Công đoàn công thương phối hợp triển khai.

Sau 3 năm tham gia Chương trình, với mạng lưới tuyên truyền của mình, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã tích cực triển khai trong hệ thống và trực tiếp hỗ trợ kinh phí giải thưởng cho các cuộc thi tìm hiểu, nhận diện hàng Việt Nam để tạo sự thành công lớn cho chương trình.

Tiếp nối những thành công trong những năm qua, năm 2019, Công đoàn Công thương Việt Nam tiếp tục phối hợp với Tạp chí Công Thương tổ chức hoạt động truyền thông cho Chương trình nhân tổng kết 10 năm Cuộc vận động và để chương trình có sức lan tỏa, tạo được hiệu ứng rộng khắp.

Hơn nữa, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã tuyên truyền tới các cấp công đoàn trong ngành vận động cán bộ, đoàn viên, người lao động tham gia các trò chơi trực tuyến nhận diện hàng Việt Nam trên trang website: tuhaohangviet2019.vn và fanpage “Tự hào hàng Việt” và trên trang website Công đoàn Công Thương Việt Nam.
Theo Chủ tịch Trần Quang Huy, Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là để dịp đánh giá vai trò của các cấp công đoàn trong ngành trong việc phối hợp với chuyên môn đồng cấp tuyên truyền về các chủ trương, giải pháp, hưởng ứng triển khai Cuộc vận động, góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt trong thời gian vừa qua.

Báo cáo tổng kết 10 năm Cuộc Vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", ông Vũ Trường Sơn - Phó Chủ tịch Công đoàn Công thương Việt Nam nhấn mạnh, Cuộc vận động đã nâng cao và khẳng định chất lượng của hàng hóa dịch vụ thương hiệu Việt, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, lành mạnh hóa thị trường, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh.

Cuộc Vận động đã hướng tới mục đích phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc xây dựng văn hoá tiêu dùng của Người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Trong 10 năm qua, Công đoàn Công Thương Việt Nam thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động, phổ biến sâu rộng để người lao động trong ngành nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm hàng hóa Việt Nam, từ đó đã góp phần tạo chuyển biến về ý thức và thói quen sử dụng hàng Việt Nam trong công nhân viên chức lao động, các đơn vị sản xuất kinh doanh, các cơ quan hành chính sự nghiệp trong ngành.

Các cấp công đoàn trong ngành phối hợp với cấp ủy, chuyên môn đồng cấp tuyên truyền về các chủ trương, giải pháp nhằm quán triệt, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt; lồng ghép nội dung Cuộc vận động với các phong trào thi đua yêu nước phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị.

Đồng thời góp phần tạo mối liên kết giữa nhà sản xuất, nhà phân phối trong nước với người tiêu dùng, hạn chế thói quen thích sử dụng hàng ngoại của một số bộ phận người tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó còn góp phần kích thích sản xuất, xuất khẩu, phát triển doanh nghiệp Việt Nam bền vững, ổn định thị trường, nâng cao thu nhập cho người lao động và kiềm chế lạm phát, giảm lạm phát.

Ông Vũ Trường Sơn nhấn mạnh, được sự quan tâm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Công Thương, sự phối hợp chặt chẽ với của các cấp công đoàn trong ngành, trong nhiệm kỳ triển khai thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, càn bộ công đoàn ngành Công Thương đã thực sự có bước thay đổi về cách nghĩ, cách lựa chọn sản phẩm.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng quan tâm mua sắm các mặt hàng sản xuất trong nước; các đơn vị trong ngành hưởng ứng tích cực trong việc mua sắm vật dụng, trang thiết bị làm việc là những sản phẩm do Việt Nam sản xuất có chất lượng. Các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế đã ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình với người tiêu dùng, nhận ra được tiềm năng của thị trường nội địa.

Chính vì vậy, đã có nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại nhằm tạo ra nhiều dòng sản phẩm mới chất lượng ngày càng cao, hạ giá thành, xây dựng chiến lược quảng cáo tiếp thị sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu, góp phần phát triển nền kinh tế thị trường.

Đặc biệt, các sản phẩm hàng hóa được cải thiện đáng kể về mẫu mã, chất lượng trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại. Hiện đã có nhiều sản phẩm của ngành mang thương hiệu Việt có mặt trên thị trường, được đông đảo người tiêu dùng trong nước sử dụng và đánh giá cao.

Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế còn tồn tại trong thời gian qua, ông Vũ Trường Sơn chia sẻ, việc tuyên truyền vận động chưa thực sự sâu rộng đến với người lao động.

Hơn nữa, số lượng doanh nghiệp và người lao động hưởng ứng tham gia còn hạn chế. Tâm lý thích dùng hàng ngoại vẫn còn ở một bộ phận người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ; Số lượng tổ chức các chương trình còn chưa nhiều, quy mô chưa lớn;Tài liệu tuyên truyền về Cuộc vận động “Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chưa được đầu tư, biên soạn đồng bộ, thống nhất; hàng hóa qua biên giới vào thị trường, tác động trực tiếp đến tâm lí người tiêu dùng, trong khi giá cả, chất lượng hàng nội địa chưa hợp lí...
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đánh giá, sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Công đoàn Công Thương Việt Nam đã tạo sự lan tỏa sâu rộng tới các cấp công đoàn, tới đông đảo người lao động ngành công thương.

Để tăng cường mối liên hệ gắn kết, hợp tác hai bên cùng có lợi, thiết thực hưởng ứng Cuộc vận động; hưởng ứng năm "Vì lợi ích đoàn viên Công đoàn", Chủ tịch Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam Trần Quang Huy và Tổng Giám đốc Công ty CP Bánh kẹo Hải Hà Bùi Thị Thanh Hương đã ký kết các thỏa thuận hợp tác để tiêu thụ sản phẩm của nhau.

Thỏa thuận này nhằm hỗ trợ các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, đoàn viên công đoàn và người lao động ngành Công Thương sử dụng các sản phẩm đảm bảo chất lượng với chính sách giảm giá ưu đãi của Công ty CP Bánh kẹo Hải Hà.
 

Bình luận của bạn