Hà Giang: Xúc tiến tiêu thụ cam sành, đặc sản tại Hà Nội
Sáng 20/12/2018, Hội nghị Kết nối, tiêu thụ sản phẩm cam sành và đặc sản Hà Giang niên vụ 2018-2019 đã diễn trong khuôn khổ hội tuần lễ quảng bá cam sành Hà Giang tại thị trường Hà Nội.
Ngoài khuôn khổ Hội nghị Kết nối, tiêu thụ sản phẩm cam sành và đặc sản thì tuần lễ quảng bá cam sành Hà Giang cũng diễn ra tại Khu Hội chợ triển lãm giao dịch Kinh tế và thương mại (thuộc Trung tâm XTTM Nông nghiệp, số 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội) từ ngày 19/12 đến hết ngày 25/12/2018,giờ mở cửa: 8h00 đến 21h00 hàng ngày.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Giang cho biết: cam sành Hà Giang có các đặc thù riêng về hình thái và về chất lượng khác biệt so với các giống cam khác. Hầu hết các chỉ tiêu hình thái quả gồm trọng lượng quả, chiều cao quả, đường kính quả, độ dày cùi đều và tỷ lệ phần ăn được đều có giá trị lớn hơn khi so sánh với cam sành ở nơi khác.
Các đặc thù và chất lượng đều có những nét riêng biệt về cảm quan qủa to và tròn, vỏ sần xui, khi chín vỏ màu vàng cam, ruột cam màu vàng đỏ, có vị ngọt thanh, cho hơi chua rôn rốt, mọng nước và có mùi thơm đặc trưng của cam sành, vỏ của cam dày nên có thể để đến 20 ngày vẫn không bị hỏng.
Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng Hội nông dân Việt Nam cũng cho rằng: Cam của Hà Giang vận chuyển ít bầm dập nhất trong các loại từ ưu thế vỏ dày và sần sùi, không những vậy trong tiêu dùng cũng rất thuận tiện vì chỉ cần bóc vỏ là ăn được không cần cắt như một số loại cam cắt miếng bàu đĩa, đây là những lợi thế rất cao của sản phẩm này.
Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới cực Bắc của Tổ quốc, diện tích đất tự nhiên của tỉnh là 7.929,5km² được chia thành 3 vùng khí hậu có những tiềm năng lợi thế về các sản phẩm nông sản như chè shan tuyết, dược liệu, mật ong bạc hà, cam sành, thảo quả, gừng... Trong đó cây cam đã được tỉnh Hà Giang xác định là cây kinh tế mũi nhọn và được lựa chọn là một trong 5 sản phẩm cây con chủ lực trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.
Từ năm 2015 - 2018, diện tích, năng suất, sản lượng cây ăn quả cam tại tỉnh, hàng năm đều tăng lên. Từ năm 2015 - 2016 là năm của tổng diện tích cam tăng mạnh nhất trên 2.700 ha và từ 2016 - 2018 tăng thêm 541 ha. Bình quân mỗi năm tăng thêm 180 ha. Về sản lượng cũng tăng rất mạnh bình quân trong giai đoạn từ năm 2015 - 2018 mỗi năm tăng thêm trên 12.000 tấn, nhất là từ năm 2015 - 2016 diện tích cho sản phẩm tăng mạnh, sản lượng cam trong năm đó tăng nhanh tăng gần 20.000 tấn.
Diện tích cam sản xuất theo tiêu chuẩn ViệtGAP: thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng phát triển cam sành theo tiêu chuẩn, chất lượng, đến 2020 thể dự kiến diện tích căn được chứng nhận tiêu chuẩn ViệtGAP đạt từ 4000 - 5000 ha. Đến nay diện tích cam đã được cấp giấy giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn ViệtGAP tính đến hết năm 2018 là 3.527,6 ha, 68 % diện tích cam cho thu hoạch, trong đó đã có một số diện tích trồng hữu cơ.
Về tiêu thụ sản phẩm cam sành, ông Nguyễn Khắc Quyền- Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hà Giang cho hay, cam Hà Giang được tiêu thụ theo hai kênh lớn, chủ yếu là kênh ngoài tỉnh với 89,4% sản lượng cam của nông dân. Thị trường chủ yếu tại các siêu thị, các chợ đầu mối, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch và bán lẻ trong các cửa hàng hoa quả tại các tỉnh, thành phố tron cả nước, sản phẩm được khách hàng ưa chuộng vì sự nổi tiếng và chất lượng. Đặc biệt, tại thị trường Hà Nội khách hàng đánh giá là sản phẩm sạch, ngon, hương vị đặc trưng.
"Cây cam được coi là một trong những cây chủ lực của tỉnh và đã được phát triển tập trung nhằm tạo nhằm mục đích tạo thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Cam sành Hà Giang đã khẳng định vị thế trên thị trường nhờ uy tín, chất lượng. Trong thời gian tới, để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cam sành, tỉnh sẽ tiếp tục xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn qua nhiều kênh để cam sành Hà Giang đến người tiêu dùng trong và ngoài nước", ông Quyền cho biết.