Hà Nội bảo đảm nguồn cung hàng hóa dịp Tết

Thời gian qua, TP Hà Nội tích cực triển khai công tác bảo đảm lưu thông hàng hóa, ổn định giá cả thị trường, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Cùng với đó, thành phố cũng dự báo về cung-cầu hàng hóa phục vụ Tết và định hướng cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa.

Sớm dự trữ nguồn cung 

Sở Công Thương TP Hà Nội dự báo, trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, cung-cầu hàng hóa phục vụ Tết có sự gia tăng so với năm 2018, trong đó: Nhu cầu tiêu thụ rau, củ, quả của người dân trên địa bàn Thủ đô có thể tăng 10-15%, thịt lợn tăng 18-20%, thịt bò tăng 15%, thịt gà tăng 20%, gạo tăng 5-7%... Dự kiến, số lượng một số mặt hàng chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô trong dịp Tết năm 2019, gồm: Gạo 190,600 tấn; thịt lợn 44.000 tấn; thịt gà 14.600 tấn; thịt bò hơn 12.300 tấn; trứng gia cầm 256 triệu quả; rau, củ hơn 254.000 tấn; thủy-hải sản 11.200 tấn; nông-lâm sản khô khoảng 3.500 tấn; 3.000 tấn bánh mứt kẹo; 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát; 200.000m3 xăng dầu và các mặt hàng về may mặc, điện máy. Tổng trị giá hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết ước đạt 28,5 nghìn tỷ đồng (tăng 10% so với năm 2018). Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội Lê Hồng Thăng cho rằng: "Năm nay, thu nhập của người dân được nâng lên nên sức mua hàng hóa cũng tăng nhiều so với năm trước. Để tránh tình trạng thiếu hàng, sốt giá, cũng như bảo đảm ổn định cho các mặt hàng thiết yếu không biến động, Sở Công Thương thành phố đã chỉ đạo các doanh nghiệp dự trữ hàng tiêu dùng thiết yếu. Ngay từ tháng 9-2018, thành phố đã ban hành kế hoạch phục vụ Tết nên các đơn vị đã dự trữ lượng hàng hóa đủ cho tiêu dùng Thủ đô, bảo đảm giá cả ổn định". 

Theo đó, thành phố đã vận động 20 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường để dự trữ hàng hóa thiết yếu và hàng hóa phục vụ Tết với tổng số tiền là 842,8 tỷ đồng và tổ chức đưa hàng bình ổn đến 10.688 điểm bán hàng (tăng 3.864 điểm) để phục vụ nhân dân trên địa bàn dịp Tết. Đồng thời, thành phố tổ chức thực hiện chương trình đưa hàng Việt về nông thôn gắn với thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia, tổ chức 10 phiên chợ Việt và 400 chuyến bán hàng lưu động phục vụ nhân dân, người lao động khu vực ngoại thành. Thành phố cũng đã chấp thuận đối với 64 địa điểm tổ chức chợ hoa xuân, 21 hội chợ xuân phục vụ Tết Nguyên đán bảo đảm các điều kiện về an ninh trật tự, an toàn phòng cháy, chữa cháy, văn minh thương mại, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông. Ngoài ra, thành phố cũng hỗ trợ, tạo điều kiện cấp phép cho 141 xe chở hàng hóa thiết yếu, xăng dầu hoạt động 24/24 giờ trong khu vực nội thành, vận chuyển, bảo đảm lưu thông hàng hóa thiết yếu phục vụ dân sinh dịp Tết.

Bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm

Ông Lê Hồng Thăng cho biết, cùng với các giải pháp bảo đảm chất lượng hàng hóa phục vụ Tết, an toàn thực phẩm (ATTP), đặc biệt là 8 mặt hàng thiết yếu: Gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, thủy-hải sản, thịt bò, rau-củ-quả, thành phố còn tổ chức các kênh phân phối hàng hóa, nhất là các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích với hệ thống kiểm soát ATTP. Với mặt hàng trái cây, thành phố có 768 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn được chứng nhận theo đề án thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của thành phố. 100% các cửa hàng này đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc cam kết bảo đảm ATTP; 100% cửa hàng có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ trái cây tại thời điểm kiểm tra. UBND các quận của thành phố đã thực hiện cấp biển nhận diện cho 768 cửa hàng này.

Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội cũng cho biết, thành phố tiếp tục tăng cường kiểm soát hàng hóa, đặc biệt là sự vào cuộc của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) TP Hà Nội. Thành phố chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp liên ngành tổ chức đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung vào chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, mất vệ sinh ATTP đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ dịp Tết. Các đơn vị tập trung kiểm tra những kho dự trữ hàng hóa, không để hàng hóa kém chất lượng trà trộn vào các hội chợ Tết.

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý I-2019 về công tác phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở Công Thương thành phố tích cực tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa; không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân vào dịp Tết, như: Rau, củ, quả; lương thực, thực phẩm; bánh kẹo;... Đặc biệt, tăng cường công tác chống hàng giả, hàng lậu; trong đó, lực lượng công an, quản lý thị trường, lực lượng chức năng ở các xã, phường, thị trấn tích cực kiểm tra các cửa hàng thực phẩm.

Bình luận của bạn