Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh
Ngày 17-7, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (BCĐ CVĐ) TP Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017.
Từ đầu năm đến nay, BCĐ các cấp, ngành, đoàn thể đã tập trung chỉ đạo sâu sát và toàn diện công tác tuyên truyền CVĐ. Kết quả tích cực thu được là tỷ lệ sử dụng hàng trong nước tại các công sở, cơ quan tăng hơn so với năm 2016. Nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tích cực hưởng ứng CVĐ, chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến, áp dụng khoa học quản lý, tiết kiệm chi phí gián tiếp để nâng cao chất lượng hàng hóa, tạo sự đa dạng mẫu mã sản phẩm, giảm giá thành, thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đáng chú ý, trong tháng 3, Sở Công Thương và các DN sản xuất, bán lẻ đã tổ chức ngày hội sản phẩm, hàng hóa “Vì người tiêu dùng” và “Tuần lễ tri ân người tiêu dùng” với quy mô 60 gian hàng và 50 điểm bán hàng Việt. Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội tổ chức 45 gian hàng giới thiệu các sản phẩm an toàn của các cơ sở sản xuất và DN trên địa bàn thành phố. BCĐ các quận, huyện, thị xã tổ chức các chương trình bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tiêu biểu, quận Nam Từ Liêm đã thành lập 13 trạm xét nghiệm an toàn thực phẩm nhanh các sản phẩm thực phẩm tiêu dùng hàng ngày. Huyện Sóc Sơn tổ chức 1 cửa hàng cung ứng và giới thiệu sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng với trên 50 mặt hàng tại trung tâm huyện. Huyện Thanh Oai lập danh sách tuyên truyền các làng nghề và các sản phẩm đặc trưng truyền thống để người tiêu dùng biết và tiếp cận mua sắm khi có nhu cầu như hàng kim khí xã Thanh Thuỳ, lồng chim, quạt giấy, tượng gỗ xã Dân Hòa, tương miến Cự Đà. Huyện Đông Anh hoàn thành xây dựng 2 nhãn hiệu tập thể “Nếp cái hoa vàng Đông Anh” và “Gỗ mỹ nghệ Vân Hà”.
Để bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng, Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường chủ động triển khai hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; không để xảy ra các vấn đề nhạy cảm, điểm nóng gây bức xúc dư luận, tạo sự ổn định và phát triển thị trường, bình ổn giá cả. 6 tháng đầu năm, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 4.685 vụ, xử lý 4.387 vụ. Tổng số tiền xử lý vi phạm trên 65,6 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội, Phó Trưởng ban BCĐ CVĐ TP Hà Nội Lê Thị Kim Oanh yêu cầu, từ nay đến cuối năm 2017, các sở, ngành, BCĐ các quận, huyện, thị xã tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền CVĐ đến các DN, người tiêu dùng với nhiều nội dung thiết thực; chọn mô hình, điển hình tốt để tuyên truyền, hướng tới 100% người dân và DN biết đến CVĐ; tuyên truyền, vận động DN sản xuất hàng Việt Nam an toàn.
Các đơn vị thành viên BCĐ thành phố, BCĐ các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh tôn vinh, giới thiệu hàng Việt Nam chất lượng cao và hàng Việt Nam được người tiêu dùng ưa thích. Sở Công Thương chủ trì tổ chức hội chợ hàng Việt, hội nghị giao thương và giải pháp đẩy mạnh cung cầu giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành phố; tiếp tục triển khai Chương trình bán hàng Việt tại các quận, huyện, thị xã, khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố và hệ thống phân phối tại nước ngoài.
BCĐ cũng yêu cầu các sở, ngành, đơn vị thành viên gắn hoạt động của CVĐ với các hoạt động hỗ trợ DN của thành phố, tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN đẩy mạnh xuất khẩu; triển khai quy chế hỗ trợ DN xây dựng và phát triển thương hiệu; Chương trình hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm có thế mạnh của làng nghề. Tiếp tục triển khai các giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính góp phần vào việc tạo môi trường thuận lợi giúp các DN đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố.