Hà Nội ký hợp tác xúc tiến đầu tư với ĐBSCL và các tỉnh phía Bắc
Ngày 26/5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với TP Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc.
Tham dự hội nghị có ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; lãnh đạo thành phố Hà Nội; lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và một số tỉnh phía Bắc.
Hội nghị thống nhất đánh giá hợp tác phát triển giai đoạn 2011-2015 giữa vùng ĐBSCL và Hà Nội đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, kết quả chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các địa phương.
Hội nghị cũng đã tập trung thảo luận, thống nhất đánh giá việc đẩy mạnh hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch giữa các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và Thành phố Hà Nội là hết sức quan trọng, mang tính chiến lược cao, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị. Ảnh: KTĐT |
Quan hệ hợp tác thực hiện theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, hỗ trợ nhau cùng phát triển ổn định và bền vững. Các nội dung hợp tác phù hợp nhu cầu, khả năng, điều kiện của mỗi địa phương. Đây là Thỏa thuận khung về chương trình hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch giữa Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (đại diện cho 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL) với UBND Thành phố Hà Nội. Sau đó, tùy tình hình thực tế của địa phương, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL có chương trình, kế hoạch hợp tác cụ thể với Thành phố Hà Nội trên từng lĩnh vực.
Thành phố Hà Nội và Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (đại diện cho 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và được sự thống nhất của lãnh đạo các địa phương) thống nhất nội dung hợp tác như sau: Củng cố và tăng cường hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch giữa vùng ĐBSCL và Thành phố Hà Nội nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế giữa các địa phương. Giúp doanh nghiệp của địa phương gia tăng năng lực sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và sản xuất kinh doanh có hiệu quả gắn với thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Cùng với đó, tìm kiếm các lĩnh vực, biện pháp hợp tác mới phù hợp với nhu cầu phát triển của mỗi địa phương.
Hỗ trợ và tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đẩy mạnh quan hệ hợp tác trong và ngoài nước thông qua việc ký kết hợp tác với Thành phố Hà Nội, giúp các địa phương vùng ĐBSCL hội nhập kinh tế hiệu quả hơn, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các tỉnh, thành trong Vùng.
Nội dung hợp tác gồm: Xúc tiến đầu tư và thương mại; đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ nông sản; hợp tác quản lý nông nghiệp; xúc tiến du lịch…Trong đó đẩy mạnh phối hợp, thông tin, định hướng giúp các địa phương vùng ĐBSCL nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định, đảm bảo nguồn cung hàng hóa; từ đó khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản thế mạnh của Vùng tại hệ thống phân phối của Hà Nội, góp phần hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, nông sản giữa Hà Nội và vùng ĐBSCL một cách ổn định, lâu dài. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, làng nghề Hà Nội tham gia các Hội chợ triển lãm khu vực ĐBSCL, hỗ trợ doanh nghiệp vùng ĐBSCL tham dự các hội chợ triển lãm được tổ chức ở Hà Nội…
Tại hội nghị, Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ Nguyễn Quốc Việt đánh giá việc ký kết thỏa thuận này. Ông nói: “Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, tạo cơ hội quảng bá, hợp tác đầu tư thương mại, du lịch giữa ĐBSCL với TP Hà Nội và cả nước. ĐBSCL gồm 13 tỉnh, thành sản xuất nông nghiệp, thủy sản, đóng góp hơn 90% sản lượng gạo, 70% sản lượng trái cây, 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu cả nước”.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: “Những năm qua, Hà Nội đã có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm của các tỉnh ĐBSCL. Năm 2015, Hà Nội giúp ĐBSCL tiêu thụ 105 tấn hành tím và tiếp tục hỗ trợ tiêu thụ trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tổ chức hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam 2015 với sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh các mặt hàng đặc sản các tỉnh, thành phố vùng Tây Nam Bộ, đưa một lượng lớn hoa quả, nông sản, thủy sản của ĐBSCL về Hà Nội tiêu thụ./.