Hà Nội tăng cường hợp tác toàn diện với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long

13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long vốn có thế mạnh về phát triển nông nghiệp và thủy hải sản lớn nhất cả nước, trong khi đó, Hà Nội là thị trường đông dân, sức tiêu thụ hàng hóa lớn. Nhưng liên kết kinh tế hai vùng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng tiềm năng. Thời gian tới, hai vùng kinh tế quan trọng này sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, hợp tác sản xuất, tiêu thụ hàng hóa. Từ đó thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, hình thành các chuỗi cung ứng chặt chẽ trên thị trường trong nước.

Để tăng cường sự liên kết hợp tác giữa hai vùng kinh tế quan trọng này, mới đây, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch giữa đồng bằng sông Cửu Long với TP Hà Nội và các tỉnh phía bắc. Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, thời gian qua, Hà Nội đã liên kết khá tốt với các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long, giúp các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất của Hà Nội tìm hiểu vùng nguyên liệu, các sản phẩm thế mạnh của miền Tây, triển khai các hoạt động khai thác kinh doanh, trao đổi hàng hóa hai chiều. Hai bên đã ký sáu biên bản ghi nhớ về hợp tác khai thác nguyên liệu cho làng nghề Hà Nội và trao đổi hàng hóa hai chiều. Năm 2013, Hà Nội cùng hai tỉnh An Giang, Tiền Giang đã tổ chức giới thiệu sản phẩm chủ lực của hai tỉnh vào hệ thống phân phối của Hà Nội với sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp. Hơn 100 dòng sản phẩm nông sản an toàn của các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bến Tre đã được bày bán rộng rãi trên thị trường Hà Nội. Đáng chú ý, chương trình Đặc sản vùng miền Việt Nam đã có sự tham gia tích cực của tất cả các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Qua đó, các sản phẩm có thế mạnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long như gạo, trái cây, thủy hải sản, thực phẩm chế biến… đã có mặt tại hệ thống phân phối hiện đại như hệ thống siêu thị Hapro, Fivimart, Vinmart, Big C… Đồng thời, các sản phẩm công nghiệp, làng nghề thế mạnh của Hà Nội về may mặc, thực phẩm, cơ khí… đã được đưa vào kinh doanh phổ biến trên thị trường các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Sản phẩm có mặt tại thị trường các địa phương đều nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của người tiêu dùng. Về du lịch, từ năm 2011 đến 2015, Hà Nội đã ký kết hợp tác phát triển du lịch với TP Cần Thơ và An Giang; phối hợp tổ chức năm đoàn khảo sát xây dựng sản phẩm, hợp tác kết nối tua, tuyến từ Hà Nội vào vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, lượng khách du lịch Hà Nội đến miền Tây Nam Bộ và ngược lại vẫn chưa cao.

Tuy sự gắn kết giữa các doanh nghiệp, thị trường giữa Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã thắt chặt hơn trước nhưng theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, sự hợp tác này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của cả hai khu vực. Nguyên nhân do khoảng cách giữa các tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ với Hà Nội xa, cho nên việc đi lại, vận chuyển hàng hóa tốn kém, mất nhiều thời gian. Trong khi chủ yếu sản phẩm hàng hóa là nông sản, thủy hải sản tươi sống có hạn sử dụng ngắn ngày. Bên cạnh đó, một số sản phẩm của vùng Tây Nam Bộ chưa phù hợp với thị hiếu và thói quen tiêu dùng của người miền bắc. Công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm còn chưa rộng rãi.

Một số doanh nghiệp lớn của Hà Nội nêu nhận định, khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện có ít doanh nghiệp lớn làm đầu mối thu mua hàng hóa cho nông dân, dẫn đến khi doanh nghiệp Hà Nội cần lượng hàng lớn, chất lượng bảo đảm, đồng nhất thì rất khó. Các hộ dân sản xuất theo hướng tập quán truyền thống, chưa đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục giấy tờ đăng ký, kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán, mẫu mã bao bì sản phẩm, thu gom, bảo quản...

Ngày 26-5, TP Hà Nội cùng các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đã cùng nhau ký kết chương trình hợp tác, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch giữa hai bên. Về xúc tiến đầu tư, hai bên trao đổi danh mục ưu tiên mời gọi đầu tư trên các lĩnh vực, tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn cho vùng; đầu tư các dự án hạ tầng liên quan. Vận động các doanh nghiệp tại Hà Nội xây dựng, khai thác các hạ tầng thương mại. Về xúc tiến thương mại, các bên tập trung ban hành cơ chế, cung cấp thông tin xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh hàng Việt, hợp tác sản xuất, tiêu thụ nông sản, quản lý nông nghiệp giữa Hà Nội và đồng bằng sông Cửu Long. Trong lĩnh vực du lịch, hai bên thống nhất hợp tác xây dựng các chương trình nhằm khai thác các tuyến du lịch quốc gia liên vùng và nội vùng mà hai bên có thế mạnh, hỗ trợ đào tạo nhân lực trong ngành. Hai bên sẽ tổ chức các đoàn khảo sát; liên kết trang web du lịch; hợp tác sản xuất một số ấn phẩm tuyên truyền chung cho du lịch Hà Nội và các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm tăng cường hoạt động quảng bá.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá, bằng những việc làm, hoạt động cụ thể này, thời gian tới, Hà Nội và đồng bằng sông Cửu Long sẽ có sự hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực, cả đầu tư, thương mại và du lịch. Đây là cơ hội để các địa phương gặp gỡ, học tập, trao đổi kinh nghiệm; các doanh nghiệp hợp tác sản xuất, kinh doanh, đưa các sản phẩm có chất lượng bảo đảm đến tay người tiêu dùng; người nông dân yên tâm sản xuất với thị trường đầu ra ổn định. Thành phố Hà Nội cam kết sẽ tăng cường hơn nữa việc liên kết với các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhằm đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, góp phần thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Bình luận của bạn