Hà Nội thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu 2017

Năm 2017, tình hình kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp, có thể tăng trưởng kinh tế sẽ tăng cao hơn năm 2016 nhưng vẫn phục hồi chậm, không đồng đều và còn nhiều rủi ro, dự báo sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Xí nghiệp may xuất khẩu Yên Mỹ, thuộc Công ty Thương mại dịch vụ thời trang Hà Nội chuyên may hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, mỗi năm xuất hàng vạn sản phẩm. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

 

Để đạt chỉ tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2017 trên địa bàn thành phố tăng 4,5% so với năm ngoái, tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 11,1 tỷ USD, thành phố Hà Nội đã tập trung triển khai 10 giải pháp. 

Theo đó, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó chú trọng cải cải cách hành chính lĩnh vực hải quan, thuế, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh…; hoàn thành quy hoạch phát triển cụm công nghiệp, đề án phát triển sản xuất công nghiệp chủ lực, đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ… 

Đồng thời, thành phố thực hiện tốt chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan; nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhà sản xuất. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện kết nối cung – cầu lao động để tạo nguồn lao động đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. 

Thành phố cũng tăng cường thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ hoạt động kinh doanh xuất khẩu. Đổi mới, nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư; duy trì thường xuyên việc tổ chức hội nghị, giao ban tiếp xúc doanh nghiệp; tăng cường giám sát hàng nhập khẩu. 

Về phía doanh nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trên địa bàn chủ động nâng cao chất lượng snar phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, để thực hiện các nhiệm vụ trên, thành phố đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh hải quan, thuế, thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” tiến tới “một cửa liên thông điện tử”; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, góp phần giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. 

Thành phố cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy, mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, nâng cao chất lượng tín dụng… 

Theo Sở Công Thương Hà Nội, năm 2016, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Hà Nội gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của kinh tế thế giới cũng như sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Ước cả năm 2016, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt 10.635 triệu USD, tăng 1,5% so với năm 2015 (thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch tăng 7 - 8%). 

Theo đó, nhiều nhóm mặt hàng giảm kim ngạch so với cùng kỳ năm 2015. Cụ thể, đối với nhóm hàng may, dệt: ước đạt 1.404 triệu USD, chiếm tỷ trọng 14,5%, giảm 5,7%. 

Nguyên nhân chủ yếu do giá thành (cả giá gia công) sản phẩm dệt may của Việt Nam đang cao hơn 20-30% so với các đối thủ cạnh tranh, do đó các nước nhập khẩu chuyển sang đặt hàng từ các nước xuất khẩu có giá cạnh tranh hơn, giảm đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp từ Việt Nam trong đó có doanh nghiệp của thành phố Hà Nội, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. 

Hơn nữa, hàng dệt may và giày dép xuất khẩu chưa đáp ứng tốt các tiêu chuẩn tiêu dùng, tiêu chuẩn môi trường của nước nhập khẩu để có thể cạnh tranh với các nhà xuất khẩu ở nước thứ ba, cụ thể Campuchia và Bangladesh có lợi thế thuế quan thấp hơn qua Hiệp định thương mại tự do với Mỹ và EU; Myanmar, Bangladesh, Peru, Indonesia và Srilanka có chi phí thấp hơn; Trung Quốc đã điều chỉnh mức đóng bảo hiểm xã hội từ 22% xuống 18% nên giá thành sản phẩm rẻ hơn.

Bình luận của bạn