Hà Nội thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu

Năm 2016, Hà Nội đặt chỉ tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 7,5% so với năm trước, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 12.200 triệu USD. Để đạt mục tiêu, ngày 17/2, UBND Thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn.

Nhiều triển vọng, lắm thách thức

Với việc Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)… sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa đến các thị trường lớn. AEC được hình thành cũng tạo cơ hội cho các ngành dịch vụ Việt Nam như: Du lịch, vận tải, tài chính, ngân hàng… mở rộng mạng lưới hoạt động đến toàn bộ thị trường ASEAN với chi phí thấp hơn so với hiện nay, làm tăng khối lượng, giá trị trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên trong ASEAN; đồng thời việc tham gia AEC giúp các DN Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng có điều kiện giảm chi phí, hạ giá thành hàng xuất khẩu khi các dòng thuế suất trong AEC giảm xuống 0%, góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu trong nước sang thị trường trong khu vực.

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện các Luật mới liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi và các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh sẽ tạo điều kiện cho các DN đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu. Các chính sách Thành phố đã ra quyết định và triển khai thực hiện như hỗ trợ lãi xuất vay sau đầu tư cho các DN trên địa bàn thành phố cũng đã khuyến khích và tạo điều kiện cho các DN đầu tư đổi mới công nghệ…

Bên cạnh những thuận lợi cho việc hoàn thành mục tiêu xuất nhập khẩu của TP. Hà Nội năm 2016, cũng còn tồn tại không ít khó khăn. Xu hướng bảo hộ gia tăng ở các nước nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam và sự cạnh tranh quyết liệt với hàng hóa của các nước xuất khẩu, đặc biệt là các nước có phá giá nội tệ so với đồng USD. Năm 2016, Việt Nam bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng, theo đó Việt Nam cũng như các nước sẽ phải cạnh tranh lành mạnh, xóa bỏ độc quyền, 90% thuế xuất nhập khẩu được cắt giảm về 0% theo các lộ trình cam kết… Đặc biệt, đến khi TPP cũng như một số hiệp định khác bắt đầu có hiệu lực thì không chỉ dừng lại ở các thỏa thuận cắt giảm thuế, mở cửa thị trường, còn liên quan đến các quy định về đầu tư nước ngoài và bảo vệ nhà đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ, các quy định khắt khe hơn về vệ sinh dịch tễ và rào cản kỹ thuật sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu của các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ.

Khi ASEAN thực hiện tự do hóa thương mại với các đối tác Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, EU…, hàng hóa của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng khi xuất khẩu sang thị trường các nước ASEAN sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm có chất lượng cao của các đối tác. Ở trong nước, giá một số yếu tố đầu vào như điện, nhân công, giá thuê đất, mặt bằng sản xuất… vẫn cao, năng suất lao động thấp dẫn đến giá thành sản phẩm cao, DN vừa và nhỏ càng khó cạnh tranh trong điều kiện Việt Nam hội nhập sâu, rộng.

Quyết tâm thực hiện mục tiêu

Để đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn thành phố, UBND TP. Hà Nội đã giao các sở, ban, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trong đó chú trọng lĩnh vực hải quan, thuế, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giải quyết các thủ tục đầu tư cho sản xuất hàng hóa xuất khẩu; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho DN. Đồng thời xây dựng đề án Đẩy mạnh xuất khẩu của TP. Hà Nội thời kỳ hội nhập giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến 2025.

Năm 2016, Thành phố vẫn tiếp tục thực hiện triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất vay sau đầu tư cho các DN trên địa bàn Thành phố, hỗ trợ DN sản xuất đáp ứng điều kiện các nguồn vốn vay ưu đãi từ nguồn ngân sách Thành phố. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nâng cao sức cạnh tranh cho DN, nhà sản xuất; tăng hiệu quả kết nối cung – cầu lao động để tạo nguồn lao động đáp ứng nhu cầu của các DN sản xuất hàng xuất khẩu, tiếp tục duy trì tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ tại các Trung tâm giới thiệu việc làm và tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động.

Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ hoạt động kinh doanh xuất khẩu: Đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông, xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp trọng điểm, khu công nghiệp phần mềm, xây dựng các điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, hình thành chuỗi cung cấp hàng nông sản chất lượng cao.

Tiếp tục thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư đẩy mạnh xuất khẩu: Tổ chức các đoàn DN tham gia Hội chợ triển lãm, giao dịch thương mại tại các thị trường xuất khẩu quan trọng, thị trường tiềm năng, thị trường Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do (FFTA) và khai thác các thị trường mới; xúc tiến thương mại cho các sản phẩm làng nghề, hàng nông sản, dệt may, công nghệ thông tin…

Tăng cường giám sát hàng nhập khẩu theo tiêu chuẩn, quy định về chất lượng, vệ sinh an toàn, bảo vệ môi trường; tăng cường công tác quản lý thị trường, thanh tra, kiểm tra đối với việc kinh doanh các mặt hàng có điều kiện và các đơn vị nhập khẩu, phân phối nhằm kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu.

Để đạt được mục tiêu, các DN sản xuất, xuất khẩu trên địa bàn thành phố cần chủ động nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh, tạo dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa… nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Bình luận của bạn