Hà Nội: Chủ động nguồn hàng đáp ứng nhu cầu tăng cao dịp Tết
Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu - đây là thời điểm người tiêu dùng rục rịch sắm Tết, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng cao và cũng là thời gian hay xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá, hàng giả hàng nhái hàng kém chất lượng lộng hành…
Tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 23.500 tỷ đồng (tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ năm 2016).
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết khi trao đổi với phóng viên TBTCVN.
PV: Thưa bà, là thành phố có số dân lớn với nhu cầu mua sắm tiêu dùng vào bậc cao nhất cả nước, vậy trong dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu của người dân Hà Nội được dự báo tăng trưởng như thế nào?
- Bà Trần Thị Phương Lan: Theo dự kiến, nhu cầu hàng hóa và sức mua của người dân Thủ đô trong dịp Tết Đinh Dậu sẽ tăng khoảng 10 - 20% so với ngày thường và tăng từ 10 - 15% so với tết năm ngoái. Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 23.500 tỷ đồng (tăng 10% so với kế hoạch dự trữ năm 2016).
Trong đó, các mặt hàng tăng mạnh nhất là nông sản, thực phẩm, may mặc, tiêu dùng… Điển hình như, dự kiến nhu cầu về gạo sẽ tăng từ 82.600 tấn lên 88.000 tấn, thịt lợn sẽ tăng từ 12.800 tấn lên 15.300 tấn; thịt bò từ 4.000 tấn/tháng lên 4.600 tấn; thịt gà từ 5.100 tấn lên 6.400 tấn; thủy, hải sản từ 5.000 tấn lên 5.500 tấn…
- Bà Trần Thị Phương Lan: Ngay từ đầu năm, TP. Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các doanh nghiệp, tập trung sản xuất, trong đó đặc biệt chú trọng những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng cao để bình ổn giá cả thị trường. Dành 23.130 tỷ đồng để dự trữ 7 nhóm hàng hóa thiết yếu cung ứng tới người tiêu dùng, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng khan hàng, sốt giá trên thị trường.
|
Bên cạnh đó, năm nay, Hà Nội triển khai tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 20 trung tâm thương mại, 119 siêu thị, 700 cửa hàng tiện ích, các hộ kinh doanh và 454 chợ… để giúp người dân thuận tiện mua sắm.
Thêm vào đó, từ ngày 15/1 tới (tức là ngày 18 - 27/12 lịch âm), Hà Nội tổ chức 5 điểm bán hàng Việt phục vụ Tết, 22 phiên chợ Việt và 100 chuyến bán hàng Việt lưu động về khu vực nông thôn, ngoại thành, các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn.
Chúng tôi cũng đã yêu cầu doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh ổn định giá cả, không tăng giá quá 5%. Điều đáng lưu ý của thị trường năm nay là hàng hóa cơ bản được niêm yết và bán theo giá công khai, minh bạch. Tết năm nay Hà Nội đã bỏ chế độ “bao cấp” về dự trữ hàng hóa bình ổn giá với lãi suất ưu đãi một số doanh nghiệp 0%.
Từ giờ đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu, Sở Công thương Hà Nội sẽ theo dõi sát diễn biến cung - cầu cũng như giá cả hàng hóa, dịch vụ trên thị trường và xử lý kịp thời, nghiêm minh đơn vị vi phạm quy định.
PV: Dịp mua sắm cuối năm cũng là thời điểm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lộng hành trên thị trường. Sở Công thương Hà Nội có kế hoạch khắc phục tình trạng này như thế nào, thưa bà?
- Bà Trần Thị Phương Lan: Từ nhiều tháng gần đây, Sở Công thương đã có những cuộc họp bàn, trao đổi với doanh nghiệp và các cơ quan chức năng liên quan của thành phố nhằm đề ra kế hoạch, giải pháp đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, nhất là trong những ngày cận Tết.
Sở đã và đang phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức cho doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh ký cam kết không tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật như vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm…
Bên cạnh đó, Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; tích cực tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác phòng chống hàng giả trong toàn dân cũng như các hình thức xử phạt đối với vi phạm.
PV: Xin cảm ơn bà!
Theo Sở Công thương Hà Nội, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích dự trữ và dự kiến đưa ra thị trường lượng hàng hóa trị giá 4.500 tỷ đồng; các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát,... dự trữ lượng hàng hóa trị giá hơn 9.000 tỷ đồng. Các làng nghề trên địa bàn thành phố sản xuất kinh doanh các nhóm hàng hóa phục vụ tết như nông sản thực phẩm, bánh mứt kẹo… với tổng giá trị gần 2.100 tỷ đồng. Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, các địa phương và doanh nghiệp tăng thời gian phục vụ Tết tại các điểm bán hàng bình ổn. Nhiều siêu thị đã cam kết sẽ phục vụ đến tối 30 tết và mở cửa sớm vào mùng 2 tết nhằm hạn chế tâm lý mua hàng tích trữ gây nên tình trạng tăng giá. |