Hà Nội: Kết nối cung cầu đưa hàng Việt đến người tiêu dùng
Phát biểu tại hội nghị giao ban về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” quý I/2017 và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, tổ chức chiều 17/4, ông Vũ Hồng Khanh, Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết, Hà Nội cần tập trung vào nhiệm vụ kết nối cung cầu phải đa dạng, phong phú hơn để đưa hàng hoá chất lượng đến được với người tiêu dùng.
Hà Nội: Đẩy mạnh kết nối cung cầu đưa hàng Việt đến người tiêu dùng. Ảnh minh họa: TTXVN
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo cùng với các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phát triển hạ tầng thương mại, nhất là quản lý thị trường, cổ vũ, động viên người dân đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái.
Theo Ban chỉ đạo Hà Nội, trong quý I/2017, Ban chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể đã tập trung chỉ đạo sâu sát và toàn diện công tác tuyên truyền. Người tiêu dùng đã ý thức trong việc lựa chọn các sản phẩm hàng nội địa khi mua sắm.
Tỷ lệ sử dụng hàng trong nước tại các công sở, cơ quan tăng hơn so với năm trước, đã tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển.
Các doanh nghiệp trên địa bàn cũng tích cực hưởng ứng cuộc vận động, chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến, áp dụng khoa học quản lý, tiết kiệm chí phí gián tiếp để nâng cao chất lượng hàng hóa, tạo sự đa dạng mẫu mã sản phẩm, giảm giá thành, coi trọng khách hàng, tăng cường quảng bá sản phẩm, từng bước thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đáng chú ý, Sở Công Thương đã tổ chức ngày hội sản phẩm, hàng hóa “Vì người tiêu dùng” từ ngày 17/3 đến 19/3 vừa qua với quy mô 60 gian hàng, đồng thời tổ chức Tuần lễ tri ân người tiêu dùng diễn ra từ ngày 17/3 đến 24/3/2017 tại gần 50 điểm thuộc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm, hàng hóa uy tín trên địa bàn thành phố.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố tổ chức 45 gian hàng giới thiệu các sản phẩm an toàn của các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, Hội Nông dân thành phố chỉ đạo xây dựng các mô hình kinh tế tập thể và tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Người nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, tiêu dùng và bán ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp an toàn”.
Quận Nam Từ Liêm tổ chức thành công Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn quận năm 2017; Báo cáo gửi UBND thành phố và Sở Công Thương xem xét, chấp thuận chủ trương xây dựng 11 điểm bán thực phẩm an toàn; đã tổ chức được 2 điểm bán thực phẩm sạch tại phường Trung Văn và phường Phú Đô.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, quý I/2017, Sở Công Thương đã tập trung triển khai phục vụ bà con nhân dân trên địa bàn dip Tết nguyên đán 2017.
Nguồn cung hàng hoá rất dồi dào, cung còn vượt cầu nên bảo đảm tốt nhu cầu của người dân, các DN chuẩn bị hàng rất tốt, hàng Việt tại các siêu thị chiếm trên 80%, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý.
Công tác chuẩn bị hàng tết như Tuần hàng Việt về các khu công nghiệp, khu chế xuất được triển khai tốt...
Ông Nguyễn Kim Hoàng, Phó Trưởng ban Dân vận Hà Nội cho biết, để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ” có hiệu quả hơn cần lồng ghép chương trình tuyên truyền của cuộc vận động vào công tác dân vận.
Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trong việc thực hiện và giới thiệu các mô hình hay cách làm tốt như Hạ Đình là dành một ki ốt cho đoàn thanh niên bày bán các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, do các DN Việt Nam sản xuất có chất lượng bảo đảm.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Kim Hoàng, bà Nguyễn Thị Tuyến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho rằng, ngoài việc lồng ghép chương trình tuyên truyền cuộc vận động với công tác dân vận, thì cũng cần có chế tài xử lý nghiêm đối với hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Hiện nay, Hà Nội chưa truy xuất đến cùng các sản phẩm kém chất lượng.
Mặc dù báo chí đưa rất nhiều nhưng các cơ quan chức năng chưa làm đến cùng. Hàng giả, hàng nhái kém chất lượng còn rất nhiều.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng kiến nghị từ nay đến tháng cuối năm, cần thay đổi cách thức tuyên truyển, tổ chức các hội thảo với nhiều nội dung sinh hoạt theo những chiều hướng khác nhau.
Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển thương hiệu trên địa bàn, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ, tham gia các cuộc thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đưa vào kênh phân phối ở nước ngoài, tiếp tục tổ chức các chương trình liên kết vùng giữa các doanh nghiệp để tiêu thụ hàng hoá có chất lượng tốt, đặc biệt bảo đảm cung cầu trong các dịp lễ, tết.
Đặc biệt, Hà Nội cần có cơ chế chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.