Hàng hóa dịp Tết: Sẽ không thiếu hàng, không tăng giá đột biến
Giá hàng hoá dịp Tết Nguyên đán 2017 được nhận định sẽ tăng khoảng 5-10% so với ngày thường và tăng khoảng 4-5% so với cùng kỳ năm trước.
Giá cả tăng nhẹ
Theo nhận định của lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, để kích cầu mua sắm, các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ thường có nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá nên mặt bằng giá hàng hóa dịp Tết Nguyên đán 2017 sẽ không có biến động lớn.
Cụ thể, nguồn cung gạo cho dịp Tết năm nay được các địa phương chuẩn bị khá dồi dào, bám sát nhu cầu thị trường. Ước lượng gạo dự trữ tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là gạo tẻ chất lượng cao và gạo nếp. Giá cả các loại gạo chất lượng cao và gạo nếp ngon có xu hướng tăng nhẹ, khoảng 5-10% so với ngày thường, gạo tẻ thường vẫn giữ mức ổn định.
Giá gạo nếp ở miền Bắc khoảng 25.000-30.000 đồng/kg, ở miền Nam khoảng 20.000-29.000 đồng/kg. Giá gạo tẻ thường ở miền Bắc dao động 13.200-13.500 đồng/kg, miền Nam khoảng 7.300-7.500 đồng/kg.
Giá thịt lợn thời điểm cuối tháng 9 đến tháng 11/2016, do nguồn cung sản xuất trong nước dồi dào, lượng lợn hơi xuất khẩu sang Trung Quốc có dấu hiệu chậm lại, đồng Nhân dân tệ giảm giá và bão lụt tại miền Trung ảnh hưởng tới việc vận chuyển đến các tỉnh phía Bắc nên giá giảm khá mạnh (giảm 2.000-5.000 đồng/kg) xuống mức thấp nhất trong 2 năm trở lại đây. Giá thịt lợn tại miền Nam từ 35.000-39.000 đồng/kg, miền Bắc từ 38.000-42.000 đồng/kg. Dự kiến giá thịt lợn sẽ tăng nhẹ trở lại nhưng không đáng kể.
Khác với giá thịt lợn, giá các sản phẩm gia cầm năm 2016 liên tục đứng ở mức thấp trong các tháng đầu năm (giá thấp nhất vào thời điểm tháng 7, tháng 8, giá gà lông màu xuống dưới 30.000 đồng/kg) do nguồn cung dồi dào và bị cạnh tranh bởi gà nhập khẩu. Ngay cả trong dịp Tết Nguyên đán 2016, giá cũng không tăng cao như những năm trước.
Giá thịt bò các loại khá ổn định trong cả năm vừa qua, hiện phổ biến từ 250.000-270.000 đồng/kg (thịt bò loại I), tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Người tiêu dùng tiếp tục có xu hướng chuyển sang sử dụng nhiều hơn thịt bò nhập khẩu do giá và chất lượng khá cạnh tranh với thịt bò nội địa. Dự báo giá thịt bò vẫn sẽ tăng khoảng 5-10% sau ngày 23 tháng Chạp và giữ giá cao ở những ngày ngay sau Tết do đây là mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp này.
Với mặt hàng bia, rượu, báo cáo của Tổng Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội, năm nay, tổng sản lượng bia, rượu các loại phục vụ thị trường cả nước tăng từ 4,8-6,1%. Hiện nay giá các sản phẩm bia, rượu vẫn ổn định và dự báo giá sẽ tăng nhẹ khoảng 2% trong thời gian tới.
Mặt hàng thực phẩm chế biến cũng được các doanh nghiệp chuẩn bị nguồn hàng tương đương hoặc tăng khoảng 5-10% so với năm ngoái. Hiện giá cả các loại thực phẩm chế biến vẫn ổn định và dự báo giá tăng nhẹ trong dịp sát Tết. Các mặt hàng bánh, mứt, kẹo, do nguồn cung dồi dào nên hiện giá các sản phẩm vẫn ổn định và dự báo sẽ tiếp tục ổn định hoặc tăng nhẹ trong thời gian tới.
Đặc biệt,các doanh nghiệp và hộ kinh doanh đã chuẩn bị tốt nguồn hàng, chủng loại phong phú. Nhiều mặt hàng nông sản lạ như chuối tài lộc, bưởi hồ lô, màu sắc lạ, các đặc sản địa phương đang được người dân thành thị ưa chuộng.
Nhiều doanh nghiệp tự nguyện tham gia bình ổn thị trường
Theo báo cáo của Sở Công thương các địa phương, hiện các sở đều đã tiến hành vận động doanh nghiệp, các nhà phân phối, bán lẻ trên địa bàn kéo dài thời gian phục vụ, đóng cửa muộn và mở cửa sớm ngay sau Tết (như siêu thị Aeon sẽ mở cửa muộn đến tối 30 Tết và bán trở lại vào trưa mùng 1, các siêu thị khác dự kiến mở cửa vào mùng 2 Tết; một số siêu thị đã có kế hoạch duy trì một vài điểm bán hàng không nghỉ Tết để phục vụ người dân mua sắm.
Đặc biệt, chương trình bình ổn thị trường tiếp tục được Bộ Công thương triển khai tại nhiều địa phương với nhiều điểm mới. Cụ thể, nguồn vốn dùng để mua dự trữ hàng hóa chủ yếu từ nguồn xã hội hóa, hạn chế sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Tiêu biểu tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hoàn toàn không sử dụng vốn ngân sách nhà nước thông qua việc tổ chức kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu về vốn với các tổ chức tín dụng để vay với lãi suất ưu đãi, phù hợp. Điều này đã khuyến khích, mở rộng nhiều doanh nghiệp tự nguyện tham gia bình ổn thị trường và cam kết bình ổn giá mà không cần tới sự hỗ trợ về vốn vay của Nhà nước.
Bên cạnh việc chuẩn bị nguồn hàng bình ổn cho thị trường, các địa phương đã kết hợp triển khai các hoạt động, giải pháp nhằm hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ hàng hóa, đồng thời chú trọng đến vấn đề chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng nông sản thực phẩm; kết nối tiêu thụ các sản phẩm an toàn vào hệ thống phân phối.
Tại TP. Hồ Chí Minh, Sở Công thương đã triển khai Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn ứng dụng công nghệ thông tin, do đây là một trong những mặt hàng có tỷ trọng tiêu dùng cao trong dân cư. Việc triển khai Đề án này góp phần cung cấp cho người dân nguồn thịt an toàn, bảo vệ sức khỏe người dân, xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho những nhà cung cấp thịt lợn an toàn.
Việc đẩy mạnh tổ chức kết nối giao thương, ổn định thị trường giữa các địa phương, các doanh nghiệp sản xuất với các doanh nghiệp kinh doanh phân phối tại địa phương và với các địa phương khác (TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh Đông Nam Bộ và các tỉnh trên cả nước; Hà Nội và các tỉnh phía Bắc...) nhằm mở rộng địa bàn và nâng cao hiệu quả của chương trình bình ổn thị trường và ngăn chặn tác động dây chuyền khi thị trường có biến động. Một số doanh với hệ thống phân phối rộng khắp cả nước (như Saigon Coop, Big C, Vinmart, Aeon...) thực hiện bình ổn trong toàn bộ hệ thống.
Hệ thống phân phối đưa hàng bình ổn tới tay người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng bão lũ, vùng biên giới, hải đảo... tiếp tục được chú trọng bằng các hình thức triển khai chương trình bình ổn kết hợp với việc tổ chức các phiên chợ hàng Việt, tổ chức các chuyến đưa hàng Tết, hàng Việt cho người dân vùng hải đảo, biên giới, vùng sâu, vùng xa, các chương trình hỗ trợ người dân vùng thiên tai, lũ lụt.
Lãnh đạo Bộ Công thương nhìn nhận, với sức mua dự báo không tăng quá cao và sự chuẩn bị về nguồn hàng, phương án cung ứng hàng hóa phục vụ Tết khá chu đáo của các địa phương, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nguồn cung hàng hóa sẽ đáp ứng đủ nhu cầu trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Dự báo thị trường các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết sẽ không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến./.