Hàng Tết dồi dào, giá cả ổn định

Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định cho dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2017, Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp để chuẩn bị nguồn hàng và triển khai các chương trình bình ổn giá. Đó là nội dung chính tại Công văn số 12617/BCT-TTTN Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017

Lượng hàng hóa tăng từ 10 - 15%

Dự báo về sức mua hàng hóa trong dịp Tết sắp tới, Bộ Công Thương cho rằng, do kinh tế còn khó khăn, lương thưởng Tết không cao nên sức mua khó gia tăng đột biến trong dịp Tết. Dự kiến sức mua các mặt hàng trong dịp Tết Nguyên đán năm nay ước tăng khoảng 10-15% so với các tháng thường trong năm và tăng khoảng 8-10% so với Tết năm trước. Tại các địa phương, công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết đang được các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tích cực chuẩn bị. Theo báo cáo của hầu hết các địa phương và doanh nghiệp, lượng hàng phục vụ Tết được chuẩn bị tăng hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 10-15%, ước đạt hơn 250 nghìn tỷ đồng, chủng loại đa dạng, phong phú, từ bánh, mứt, kẹo, rượu bia, nước giải khát đến các loại thực phẩm tươi sống...

Năm nay, các địa phương tiếp tục chú trọng tới việc tổ chức tốt hệ thống phân phối để đưa hàng Tết đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là hàng bình ổn. Hàng hóa phục vụ Tết được lưu thông qua hơn 8.660 chợ, hơn 810 siêu thị và khoảng 160 trung tâm thương mại, hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi, chuyến bán hàng lưu động trên khắp cả nước, và bày bán tại các hội chợ xuân, chợ nông sản phục vụ Tết, phiên chợ hàng Việt.

Về nguồn cung, nhu cầu nhóm hàng thực phẩm công nghệ như bánh, mứt kẹo, dự kiến tập trung vào các mặt hàng Việt Nam sản xuất có chất lượng bảo đảm, an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng. Ngoài ra, để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng có mức sống cao, nhiều nhà phân phối cũng đẩy mạnh nhập khẩu các mặt hàng đồ uống, bánh mứt kẹo cung ứng chủ yếu ở các thành phố lớn. 

Hiện nay, vấn đề an toàn thực phẩm đang ngày càng được quan tâm nên xu hướng tiêu dùng các loại thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng sẽ tăng. Tại các thành phối lớn, số lượng các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch ngày càng phát triển mạnh với các thương hiệu như Big Green, Bác Tôm, Thực phẩm ngon, Clever fruit... cùng với các quầy thực phẩm lớn tại các siêu thị như Vinmart, Intimex, Fivimart, Aeon, Big C, Lotte mart... đã góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu cho người tiêu dùng đối với các mặt hàng thực phẩm đã được chứng nhận an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. 

Ngoài ra, thời gian qua, hoạt động bán hàng qua mạng internet ngày càng phát triển cũng là một kênh cung ứng hàng hóa khá đa dạng, tiện lợi đáp ứng nhu cầu của những đối tượng người tiêu dùng bận rộn không có thời gian đi mua sắm, giúp người tiêu dùng có thể lựa chọn, so sánh giữa nhiều nguồn cung khác nhau, tuy nhiên, hình thức này hiện cần tăng cường kiểm soát về chất lượng hàng hóa.

Giá cả không biến động lớn

Dự kiến, sức mua sẽ bắt đầu tăng cao hơn từ ngày 20 tháng Chạp âm lịch (cao điểm sau ngày ông Công ông Táo 23 tháng Chạp Âm lịch). Để kích cầu mua sắm, các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ thường có nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá nên mặt bằng giá hàng hóa sẽ không có biến động lớn. Tuy nhiên, do các chương trình khuyến mại, bình ổn thị trường chủ yếu được thực hiện ở các nhà phân phối, bán lẻ lớn nơi tỷ trọng lưu thông hàng hóa thực phẩm phục vụ Tết chiếm khoảng 25-30%, còn lại chủ yếu vẫn qua kênh bán lẻ truyền thống (các chợ dân sinh, cửa hàng bán lẻ) nên giá cả thường có xu hướng tăng ở kênh này trong những ngày cận Tết. 

Chương trình bình ổn thị trường được các địa phương tích cực triển khai trong dịp này nhằm đảm bảo giá hàng hóa không tăng “sốc”. Năm nay, chương trình có nhiều điểm mới như nhiều địa phương không dùng vốn ngân sách mà kết nối doanh nghiệp với các khoản vay ưu đãi của ngân hàng. Bên cạnh việc chuẩn bị nguồn hàng bình ổn cho thị trường, các địa phương đã kết hợp triển khai các hoạt động, giải pháp nhằm hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ hàng hóa. Đồng thời, đẩy mạnh tổ chức kết nối giao thương, ổn định thị trường giữa các địa phương, các doanh nghiệp sản xuất với các doanh nghiệp kinh doanh phân phối tại địa phương và với các địa phương khác nhằm mở rộng địa bàn và nâng cao hiệu quả của chương trình bình ổn thị trường, ngăn chặn tác động dây chuyền khi thị trường có biến động. Một số doanh nghiệp tham gia bình ổn với hệ thống phân phối rộng khắp cả nước (như Saigon Coop, Big C, Vinmart, Aeon...) thực hiện bình ổn trong toàn bộ hệ thống. Ngoài ra, đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối đưa hàng bình ổn tới tay người tiêu dùng, chú trọng tới người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng bão lũ, vùng biên giới, hải đảo...

Sở Công Thương các địa phương cũng đã chỉ đạo, vận động doanh nghiệp, các nhà phân phối, bán lẻ trên địa bàn kéo dài thời gian phục vụ, đóng cửa muộn và mở cửa sớm ngay sau Tết (như siêu thị Aeon sẽ mở cửa muộn đến tối 30 Tết và bán trở lại vào trưa Mùng 1, các siêu thị khác dự kiến mở cửa vào Mùng 2 Tết; một số siêu thị thuộc doanh nghiệp FDI đã có kế hoạch duy trì một vài điểm bán hàng không nghỉ Tết) để phục vụ người dân mua sắm. Bên cạnh đó, các địa phương cũng có kế hoạch phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về các chương trình khuyến mại, giảm giá, các chương trình phục vụ Tết nhằm cung cấp đầy đủ thông tin đến người dân và hạn chế tăng giá do tâm lý.

Với sức mua dự báo không tăng quá cao và sự chuẩn bị về nguồn hàng, phương án cung ứng hàng hóa phục vụ Tết khá chu đáo của các địa phương, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nguồn cung hàng hóa sẽ đáp ứng đủ nhu cầu trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Dự báo, thị trường các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết sẽ không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến.

Bình luận của bạn