Hàng Việt chiếm tỉ trọng cao trong hàng hóa phục vụ Tết
Giá cả hàng hóa, nhất là giá hàng thực phẩm… luôn là chủ đề “nóng” mỗi dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Năm nay, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Chỉ thị của Bộ Công Thương, hàng hóa phục vụ Tết sẽ đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, sẽ không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến gây bất ổn thị trường.
Hàng Việt chiếm ưu thế
Trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm nay, dự kiến sức mua trên thị trường sẽ tăng khá, khoảng 10 - 12% so với cùng kỳ năm trước, tăng khoảng 15 - 20% so với các tháng thường trong năm. Ngay từ tháng 10, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các tháng cuối năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Đồng thời làm việc với các Bộ ngành, địa phương về việc chuẩn bị nguồn cung hàng Tết, triển khai các chương trình bình ổn thị trường để đảm bảo không có tình trạng thiếu hàng sốt giá, giúp người dân đón Tết vui tươi, an toàn.
Đến nay, đã có 37/63 tỉnh, thành phố có báo cáo về kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cuối năm và Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, trong đó có 13 địa phương có kế hoạch/triển khai Chương trình bình ổn thị trường.
Theo báo cáo của các địa phương, tổng giá trị lượng hàng dự trữ phục vụ Tết của các doanh nghiệp ước tăng khoảng 20 - 25% so với các tháng thường trong năm; lượng hàng dự trữ của các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn tăng khoảng 10% so với năm trước. Các mặt hàng dự trữ tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu… Các địa phương cũng chỉ đạo các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường tổ chức các điểm bán hàng Tết, các hội chợ, phiên chợ Tết, với các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, các chuyến hàng lưu động về khu công nghiệp, khu chế xuất... Các hàng hóa đưa vào chương trình được các doanh nghiệp lựa chọn đều là hàng Việt Nam, chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu trong dịp Tết như bánh, mứt, kẹo, gia vị, dầu ăn... Các đợt bán hàng lưu động cũng như các chương trình phiên chợ hàng Việt, phiên chợ Tết đều được các doanh nghiệp cũng như người dân địa phương hưởng ứng tích cực và mang lại hiệu quả cao.
Trong buổi làm việc của Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương - tại siêu thị Sài Gòn Coop Hà Nội ngày 14/01, bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc siêu thị - cho biết: Các doanh nghiệp tiếp tục chú trọng cải thiện mẫu mã, chất lượng, an toàn thực phẩm. Hàng Việt Nam, nhất là bánh mứt kẹo, thực phẩm chế biến ngày càng chiếm tỉ trọng cao trong hàng hóa phục vụ Tết.
Cam kết bán thịt lợn đúng giá
Riêng đối với thịt lợn, mặt hàng này đã được đưa vào Chương trình bình ổn thị trường. Các doanh nghiệp cam kết bán với giá thấp hơn giá thị trường 5%. Một số doanh nghiệp đã cam kết không tăng giá thịt lợn trong dịp Tết, thực hiện bán đúng giá theo giá đã đăng ký, bán thịt lợn không lợi nhuận… và thực hiện giảm giá tương ứng nếu giá thị trường giảm.
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho hay: Một số doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường đã cam kết không tăng giá thịt lợn trong dịp Tết, thực hiện bán đúng giá theo giá đã đăng ký như Vissan, Co.op…; bán thịt lợn không lợi nhuận như Big C... và thực hiện giảm giá tương ứng nếu giá thị trường giảm. Ngoài ra, vào những ngày cận Tết, các doanh nghiệp cũng có nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá sâu với các mặt hàng thiết yếu trong đó có các sản phẩm thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm...
Trước đó, những tháng cuối năm 2019, Bộ Công Thương cũng đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình cung cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, chú trọng đến tình hình chăn nuôi lợn và các loại gia cầm nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân trong dịp Tết.
Bộ Công Thương cũng đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của các doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ, chế biến và phân phối quy mô lớn; kết nối và đưa ra các giải pháp cần thực hiện nhằm bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn dịp Tết Nguyên đán. Theo chỉ đạo và cam kết với Bộ Công Thương, hệ thống siêu thị Big C và GO đã thông báo sẽ bán thịt lợn không lợi nhuận từ ngày 28/12/2019 đến hết Tết Nguyên đán 2020 nhằm đồng hành cùng Chính phủ bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn.
Hệ thống siêu thị Saigon Coop cũng đã có dự kiến tăng nguồn cung thịt lợn ra thị trường vào dịp Tết với lượng tăng 30 - 40% so với hiện nay, đồng thời tham gia và thực hiện cam kết bán theo mức giá bình ổn thị trường tại các địa phương. Tại các địa phương như Vĩnh Long, Cần Thơ, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh... đề nghị Sở Tài chính hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường, điều chỉnh giá nếu cần thiết nhưng mức tăng không quá 10%/lần.
Trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh theo dõi sát giá cả, biến động cung cầu, tập trung nguồn lực nhằm bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn, chỉ đạo các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường có kế hoạch bảo đảm nguồn cung và giữ giá mặt hàng thịt lợn ổn định dịp trước trong và sau Tết. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai tích cực công tác chống đầu cơ, tích trữ, ngăn chặn việc chuyên chở lợn bệnh, lợn lậu qua đường tiểu ngạch, kiểm tra kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán lợn bệnh, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm...