Hàng Việt đổi mới, sáng tạo để đối đầu đại dịch COVID-19

Tọa đàm có sự tham gia của các khách mời: Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương; Bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam.

Dich bệnh COVID-19 kéo dài gây ra vô vàn khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa Việt Nam, đặc biệt sau khi các doanh nghiệp vừa vực dậy sau 3 đợt dịch. Thêm vào đó, theo khảo sát của Tổng cục thống kê, có tới gần 90% doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch, cùng với đó là hàng triệu lao động bị ảnh hưởng công việc dẫn đến tổng doanh thu bán lẻ chỉ tăng 4,89% so với cùng kỳ -thấp hơn nhiều so với mức 2 con số của thời điểm trước dịch bệnh.

Hướng đi nào cho hàng hóa Việt Nam cũng như việc triển khai Cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp? Đây là những nội dung chính mà tọa đàm "Dịch COVID-19 kéo dài - Hướng đi nào cho hàng Việt" hướng đến, thảo luận.

Từ trái qua phải: MC kỳ Vọng - Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam.

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đến hết 2020, cả nước có 1.085 siêu thị, 240 trung tâm thương mại và gần 2.000 cửa hàng tiện lợi. Trong đó, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang chiếm khoảng 70 - 80% số điểm bán trên cả nước. Nhiều thương hiệu tạo được niềm tin với người tiêu dùng như Vinmart, Saigon Co.op, Hapro…Tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm trên 90% trong hệ thống phân phối do doanh nghiệp trong nước làm chủ và trên 70% trong hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại nước ngoài ở Việt Nam.

Tuy vậy, đại dịch COVID-19 bùng phát và lây lan nhanh chóng làm giảm sức mua, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành bán lẻ, khiến mục tiêu này chưa chắc thành hiện thực. 

Doanh số bán lẻ giảm sâu sau 2 năm COVID-19

Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các Nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), cho biết thời điểm hiện tại, hầu hết doanh nghiệp bán lẻ gặp khó khăn. Doanh số sụt giảm từ 15 – 20%, trong đó ngành hàng điện máy giảm khoảng 30 - 40%, nhóm thương mại dịch vụ, hệ thống cửa hàng ăn uống, giải khát giảm 70 - 80% doanh thu so với cùng kỳ năm 2019.

Bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam

Bà Hậu nhận định: "Dịch COVID-19 khiến thu nhập của nhiều người dân giảm sút, điều này ảnh hưởng lớn đến việc tiêu dùng. Hiện cũng cắt giảm chi tiêu. Nếu như trước đây, sản phẩm mới mình có thể mua về dùng thì giờ phải cắt giảm. Những gia đình thu nhập từ 6 triệu đồng/tháng phải cắt giảm mạnh, còn những gia đình thu nhập 15 – 20 triệu đồng/tháng cũng phải nghe ngóng. Ngoài ra, những doanh nghiệp bán lẻ phải đối mặt với nhiều khó khăn về chi phí mặt bằng bán lẻ (dù có giảm nhưng không đáng kể), chi phí điện, nước để duy trì".

Ngoài những khó khăn về thị trường, theo bà Hậu, việc mỗi tỉnh áp dụng quy định về cách ly xã hội khác nhau, cũng gây nhiều khó khăn cho hệ thống siêu thị trong việc vận chuyển hàng hóa về các điểm bán. Ngoài ra, chi phí thuê mặt bằng đắt đỏ cũng khiến các trung tâm thương mại, hay siêu thị gặp áp lực lớn về tài chính.

Bà Hậu phân tích: Nhìn lại 2 đợt dịch trong năm 2021, có thể thấy, lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh thành với nhau, hoặc giữa các quốc gia có bị ảnh hưởng. Điều này đã ảnh hưởng gì đến các nguồn cung cấp cho hàng Việt từ các vùng miền của các hệ thống bán lẻ.

Ngoài ra, theo bà Hậu, công tác vận chuyển lưu thông hàng hoá cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là vùng dịch, nên các nhà bán lẻ, nhà sản xuất và chính quyền địa phương cũng đã cùng nhau tháo gỡ khó khăn này. Sau đợt dịch lần một, lần hai, lần ba, đến lần này đã có nhiều thay đổi, chúng ta vừa sản xuất kinh doanh và phát triển. Các nhà bán lẻ đã phải lên nhiều kịch bản để ứng phó với dịch bệnh.

Đồng tình với những quan điểm trên, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng: "COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động kinh tế, trong đó có hoạt động thương mại trong nước và được phản ánh qua chỉ số về tổng mức bán lẻ hàng hóa".

Mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm nay đã có sự phục hồi so với 2020 nhờ vào việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp và ảnh hưởng tới các nhóm du lịch lữ hành, dịch vụ lưu trú ăn uống và các dịch vụ khác nên mức tăng trưởng chưa thể phục hồi như giai đoạn trước dịch.

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) 

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu 2021 đạt khoảng 2.463,8 nghìn tỷ đồng, tăng 4,89% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng thấp so với những năm gần đây (từ năm 2010 - 2019, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vu tiêu dùng 6 tháng đầu năm thường duy trì mức tăng ở mức 2 con số, riêng năm 2020 giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2019 do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19).

Trong đó, ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất là doanh thu du lịch, lữ hành giảm 51,8%, tiếp đến là nhóm doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống giảm 2,7%, riêng nhóm doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm tỷ trọng chính (80%) trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn có mức tăng 6,2% so với cùng kỳ 2020 với sự tăng trưởng của các nhóm lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, vật phẩm văn hóa, giáo dục do đây là những nhóm hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.

Mặc dù các ngành du lịch, lữ hành, dịch vụ lưu trú ăn uống chiếm tỷ trọng không nhiều (hơn 10%) trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ nhưng do mức giảm sâu nên đã làm giảm mức tăng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng dịch vụ 6 tháng đầu năm.

Nguyên nhân chính là do sự bùng phát trở lại của đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bắt đầu từ cuối 4/2021 cho đến nay. Dịch bệnh xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành phố với tốc độ lây lan nhanh trên diện rộng tại nhiều địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang, TP. Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương…

Tại nhiều địa phương, tùy từng mức độ của dịch bệnh, việc giãn cách xã hội đã được thực hiện theo Chỉ thị số 15/CT-TTg, Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng về phòng, chống dịch COVID-19. Vì vậy, người dân hạn chế đi lại, tham gia các hoạt động vui chơi, mua sắm…

Đối với ngành du lịch, lượng khách du lịch cả trong và ngoài nước đều giảm mạnh do lo ngại về dịch và việc tạm ngừng, giãn, hoãn các chuyến bay của các hãng hàng không quốc tế, từ đó dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm hơn trước, nhất là tại các địa phương phát triển du lịch như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên...

Vượt bão COVID-19, hàng Việt chiếm niềm tin người tiêu dùng

Trong bối cảnh COVID-19 kéo dài, để duy trì và phát triển, doanh nghiệp bán lẻ buộc phải nhanh chóng tái cơ cấu, chuyển đổi hình thức kinh doanh, tìm ra những đột phá mới nhằm chiếm lĩnh thị trường. 

"Các doanh nghiệp bán lẻ hiện đang xây dựng nhiều kịch bản chống chọi với dịch bệnh, các nhà bán lẻ đều phải rà soát lại hệ thống bán lẻ. Cơ sở nào phát triển tốt mới cho tồn tại phát triển tiếp. Còn cơ sở nào thua lỗ phải đóng cửa", bà Hậu nhấn mạnh.

Bà Lê Việt Nga cho biết, trước những khó khăn này, để giúp hàng Việt chiếm lĩnh thị phần, Bộ Công Thương chủ động triển khai, hướng dẫn, đôn đốc, đề nghị các địa phương sớm xây dựng kế hoạch, kịch bản tiêu thụ hàng hóa nói chung, các mặt hàng nông sản nói riêng, kịp thời ứng phó với các cấp độ của dịch bệnh, nhằm đẩy mạnh lưu thông, tiêu thụ hàng hóa để hạn chế tối đa hiện tượng ùn ứ hàng hóa, đứt gãy nguồn cung phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân.

Tăng cường hỗ trợ, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa và các mặt hàng nông sản của các địa phương sản xuất nông sản tập trung, có sản lượng lớn thông qua các hoạt động kết nối với hệ thống phân phối, các hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu; đề nghị các Hiệp hội, doanh nghiệp logistics có biện pháp hỗ trợ giảm chi phí lưu kho lưu bãi, giảm phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa để các doanh nghiệp phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị có thể tăng cường thu mua nông sản cho nông dân; đồng thời phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch truyền thông nhằm quảng bá năng lực cung ứng các sản phẩm nông sản có chất lượng, uy tín.

Bộ Công Thương cũng gửi văn bản đến UBND các tỉnh, thành phố về việc hướng dẫn thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản của vùng đang có dịch; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển, lưu thông quả vải và các nông sản khác của tỉnh Bắc Giang.

Bên cạnh đó, triển khai kịp thời và hiệu quả chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước nhằm tạo sức lan tỏa và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong mọi lĩnh vực hướng tới các mục tiêu kích cầu thị trường tiêu dùng trong nước.

Tăng cường tổ chức các hoạt động bán hàng Việt lưu động tại khu đô thị, khu công nghiệp và vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để gia tăng khả năng tiếp cận của người tiêu dùng. Đồng thời tăng cường triển khai các hoạt động thương mại điện tử, tăng cường hiển thị các sản phẩm nông sản Việt; tổ chức các hoạt động thúc đẩy tiêu dùng đặc biệt là tiêu dùng nông sản, thực phẩm, đặc sản địa phương.

Nhiều vấn đề thiết thực liên quan đến hàng Việt thời Covid-19 được toạ đàm đề cập, thảo luận

Bên cạnh khâu phân phối, kết nối tiêu thụ, thì tuyên truyền để Người tiêu dùng Việt trẻ “tự hào” về sản phẩm hàng hóa Việt Nam cũng rất quan trọng. Theo bà Vũ Thị Hậu, đây "vừa là thách thức, vừa là cơ hội, đặc biệt là hàng Việt không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu". Trên nhiều sàn giao dịch quốc tế, sản phẩm của Việt Nam cũng đã lên được sàn và đến với nhiều nước trên thế giới. Điều đó cho thấy chỗ đứng hàng Việt vững chắc trên thị trường quốc tế. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải cải tiến công nghệ, đặc biệt là an toàn vệ sinh thực phẩm. Phải làm sao cho ra được sản phẩm ngon, chất lượng.

Thời gian qua, theo bà Hậu, các doanh nghiệp đã thực hiện nhiều chương trình cùng nhiều nhà sản xuất, nhất là nhà sản xuất nông sản, để không xảy ra tình trạng “được mùa rớt giá”.

2 năm dịch trở lại đây, sản phẩm nông sản, sản phẩm thiết yếu phát triển mạnh. Từ trong khó khăn, các doanh nghiệp buộc phải đầu tư cho công nghệ trong sản xuất và bán hàng. "Tôi cho rằng hàng Việt sẽ đi rất mạnh trong thời dịch COVID-19 hay hậu COVID-19", bà Hậu bày tỏ quan điểm.

Xu hướng bán hàng online lên ngôi

Trong bối cảnh COVID-19 bủa vây, để duy trì và phát triển, doanh nghiệp bán lẻ cần nhanh chóng tái cơ cấu, chuyển đổi hình thức kinh doanh, tìm ra những đột phá mới nhằm chiếm lĩnh thị trường. Ngày càng có nhiều nhà bán lẻ nhanh chóng nắm bắt xu hướng online hóa qua việc thúc đẩy mô hình app bán hàng trên điện thoại thì nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng lấn sân qua hình thức này.

Thậm chí, bà Vũ Thị Hậu còn khẳng định: "Hiện bà con nông dân đã biết dùng công nghệ để đưa sản phẩm lên các trang thương mại điện tử" và "việc bán trên các trang mạng ngày càng thân quen với người tiêu dùng. Bán hàng trên mạng (hay bán hàng online) có ảnh hưởng lớn đến hệ thống bán hàng offline, các doanh nghiệp cũng đã có kịch bản để ứng phó với tình hình thực tế này. Bán hàng online là xu hướng tất yếu và phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay".

Thời gian vừa qua, các doanh nghiệp bán lẻ cũng phải đầu tư rất nhiều trong việc mở thêm dịch vụ online như: công nghệ, lên đơn hàng, vận chuyển, con người…cố gắng để đáp ứng được xu hướng của thị trường, thị hiếu của khách hàng.

Trong khi đó, theo bà Lê Việt Nga, triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020 có nội dung ưu tiên cho thương mại điện tử thông qua hỗ trợ xây dựng và vận hành cổng thông tin “Tự hào hàng Việt Nam”.

Việc này giúp hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá doanh nghiệp Việt, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ vừa; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; mở rộng thị trường thông qua các kênh phân phối hiện đại kết hợp với thanh toán điện tử và giao vận hiện đại; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử, phần mềm để quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường, kênh phân phối.

Năm 2020, chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” bắt đầu được triển khai thực hiện trên các sàn thương mại điện tử (Voso, Sendo, Tiki) đã được công bố và đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp. Từ tháng 12/2020 cho tới nay Bộ Công Thương cùng các sàn thương mại điện tử đã tổ chức hàng chục chương trình kết nối thương mại điện tử hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất Việt ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Sơn La, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, TP.HCM, Đồng Tháp, Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Nai...

Hàng nghìn lượt doanh nghiệp đã tiếp cận chương trình cũng như được lựa chọn các sản phẩm hàng Việt tổ chức phân phối thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” và trên các Sàn thương mại điện tử. Đây là chương trình được chuẩn bị từ cuối 2019 và đẩy mạnh trong 2021 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

"Có thể nhìn thấy “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” như là một “Siêu thị hàng Việt Nam” trên các sàn thương mại điện tử được bảo trợ bởi Bộ Công Thương, sự hỗ trợ đồng hành của các Sở ban ngành địa phương đẩy mạnh tiêu dùng hàng Việt, nông sản Việt, tổ chức phân phối trên khắp mọi miền đất nước thông qua thương mại điện tử", bà Nga nói.

Vừa qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử (Voso, Sendo, Tiki, Lazada, Shopee, Postmart) tổ chức rất thành công các chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản Việt trên các sàn thương mại điện tử như “Ngày đặc sản Sơn La”, “Ngày hội xứ Dừa - Đặc sản Bến Tre”, “Chương trình đặc sản vải thiều Hải Dương”, “Gian hàng vải thiều Bắc Giang trên các sàn thương mại điện tử” hay gần đây nhất là “Phiên chợ nông sản Việt”.

"Thông qua các chương trình này, hàng nghìn tấn nông sản (chủ yếu là vải thiều Bắc Giang đợt vừa rồi) đã được hỗ trợ tiêu thụ thông qua kênh thương mại điện tử mà Bộ Công Thương đang triển khai", bà Nga thông tin.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để có được niềm tin cho người tiêu dùng, chúng ta phải có chế tài cho việc thực hiện quy định và bán hàng trên tất cả các trang mạng. Vì chỉ kiểm soát chặt mới có thể đảm bảo người tiêu dùng được dùng sản phẩm tốt. "Cạnh tranh phải lành mạnh, quảng cáo cũng phải đúng sự thật. Tất cả hàng hoá trên siêu thị đều kiểm tra chặt chẽ, từ giấy tờ xuất xứ đến hàng hoá bày trên kệ. Chỉ kiểm soát chặt thì mới có được những loại hàng hoá tươi, ngon", bà Hậu nêu quan điểm.

Ngoài ra, việc bán hàng online còn phải có đóng góp cho Nhà nước, phải đóng thuế để tạo sự cạnh tranh công bằng.

Báo điện tử VTC News phối hợp với Kênh truyền hình VTC1 – Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC tổ chức tọa đàm “Dịch COVID-19 kéo dài - Hướng đi nào cho hàng Việt".

Với sự tham gia của đại diện Bộ Công Thương, Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, tọa đàm hướng đến những giải pháp thiết thực, hiệu quả giúp hàng Việt trụ vững trên thị trường giữa cơn bão COVID-19 kéo dài.

Tọa đàm nhận được sự quan tâm, đồng hành của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco).

 
 
 
Bình luận của bạn