Hàng Việt sang Australia: Cơ hội mở
Theo lộ trình của Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA), năm 2018, Australia sẽ cắt giảm 90% dòng thuế nhập khẩu hàng hóa từ ASEAN, New Zealand xuống 0% và năm 2020, 100% dòng thuế sẽ được cắt giảm xuống 0%. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu (XK) hàng hóa sang thị trường Australia.
Mới đây, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên Australia đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu để tìm hiểu về chuỗi sản xuất tôm XK. Tại buổi làm việc, đại diện phía Australia đánh giá cao việc Việt Nam quan tâm xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để đảm bảo các tiêu chuẩn XK tôm. Phía Australia sẽ kiểm tra, giám sát và nếu đạt đủ các điều kiện sẽ công nhận Việt Nam có vùng an toàn dịch bệnh đạt các tiêu chí của Australia. Đây là cơ sở quan trọng để Việt Nam có thể XK tôm nguyên con vào thị trường Australia trong thời gian tới. Nếu được cấp phép nhập khẩu, Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên được XK tôm tươi nguyên con vào Australia.
Để tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do như AANZFTA và sắp tới là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đồng thời đa dạng hóa thị trường XK, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam vào được thị trường đầy tiềm năng này, thời gian qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã có nhiều giải pháp cụ thể. Bà Nguyễn Hoàng Thúy - Đại diện thương mại - Thương vụ Việt Nam tại thị trường Australia - cho biết, liên tục trong 3 năm gần đây, vải, xoài, thanh long đã chính thức được mở cửa nhập khẩu vào Australia và sắp tới, tôm tươi nguyên con nhiều khả năng sẽ là sản phẩm tiếp theo. Đặc biệt, Tập đoàn SunRice - tập đoàn kinh doanh gạo lớn nhất Australia cũng đang nhập khẩu khoảng 50% gạo Japonica của Việt Nam.
Nhờ đó, những năm gần đây, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Australia tăng trưởng khá cao. Cụ thể, theo Bộ Công Thương, từ khi Hiệp định AANZFTA có hiệu lực vào năm 2010 đến nay, với lộ trình giảm thuế khá mạnh, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Australia đã tăng trưởng trung bình khoảng 10%/năm. Riêng trong năm 2017, tổng kim ngạch hai chiều Việt Nam - Australia đã đạt hơn 6,464 tỷ USD, tăng 22,9% so với năm 2016. Trong đó, Việt Nam XK sang Australia 3,23 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ; nhập khẩu từ Australia hơn 3,17 tỷ USD, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2016; Việt Nam xuất siêu khoảng 480 triệu USD vào thị trường Australia.
Các chuyên gia cho rằng, năm 2018, Australia sẽ tiếp tục cắt giảm 90% các loại thuế nhập khẩu hàng hóa từ các đối tác của Hiệp định AANZFTA, kim ngạch XK hàng hóa từ Việt Nam sang Australia sẽ có cơ hội tăng trưởng mạnh hơn.
Bà Nguyễn Hoàng Thúy phân tích, XK hàng hóa vào Australia không mang lại giá trị kim ngạch cao nếu so sánh với những thị trường lớn của nước ta như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản… nhưng lại mang ý nghĩa đặc biệt bởi Australia được đánh giá là quốc gia có tiêu chuẩn cao nhất thế giới. Hàng hóa vào được Australia sẽ có cơ hội rất cao vào được các quốc gia khác. “Đơn cử, Tập đoàn SunRice đang nhập đến 50% gạo Japonica của Việt Nam, nhưng không sử dụng hoàn toàn trong nước mà còn tái xuất đến rất nhiều quốc gia khác. Sắp tới, SunRice dự định sẽ dành 100 - 200 triệu USD đầu tư vào ngành lúa gạo Việt Nam và đây là cơ hội để gạo xuất xứ từ Việt Nam, mang thương hiệu SunRice sẽ được tiêu thụ ở nhiều thị trường trên thế giới” - bà Thúy khẳng định và nhấn mạnh: Cùng với cơ hội, Australia cũng là thị trường có những quy định rất chặt chẽ, khắt khe về an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật và uy tín hàng hóa. Do đó, các DN XK cần đặc biệt lưu ý để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm hàng hóa XK, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật đúng với yêu cầu của thị trường mới có thể tận dụng cơ hội XK bền vững vào Australia.