Hàng Việt tăng sức cạnh tranh trên "sân nhà"
Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã kết thúc chặng đường 6 năm. Chương trình này đã giúp nâng cao niềm tin của người dân Việt Nam đối với hàng nội.
Người tiêu dùng ngày càng có xu hướng sử dụng hàng nội nhiều hơn. Đây cũng là động lực giúp các doanh nghiệp thường xuyên cải tiến kỹ thuật, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, không những tạo dựng được niềm tin của người tiêu dùng về hàng hóa Việt mà còn giúp hàng sản xuất trong nước tăng sức cạnh tranh trên sân nhà và quốc tế.
* Sức mạnh lan tỏa
Bà Vũ Thị Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, nếu như trước đây, quan điểm của hầu hết các doanh nghiệp trong nước là hàng tốt thì xuất khẩu, hàng bình thường, thậm chí là kém chất lượng thì bán trong nước…thì nay đã thay đổi. Nhiều doanh nghiệp đã xác định được vị trí, tầm quan trọng của thị trường nội địa và từ đó có chiến lược bài bản về phân phối, tiếp thị, quảng cáo, nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm. Chính bởi nguyên do này, không ít doanh nghiệp trong nước đang không ngừng đổi mới công nghệ, kỹ thuật để cho ra đời nhiều sản phẩm có chất lượng và hàm lượng sáng tạo cao.
Theo thống kê của Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, sau 6 năm thực hiện cuộc vận động đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của tất cả các cấp chính quyền và địa phương trên cả nước. Đặc biệt hơn, có tới 92% người tiêu dùng được hỏi “rất quan tâm và “quan tâm” đến cuộc vận động; 63% số người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Không những thế, tại các kênh bán lẻ hiện đại, hàng Việt chiếm 80 - 90% thị phần tại các kệ bày bán tại đây. Các chợ đầu mối truyền thống, các trung tâm thương mại cũng đã dần thay thế nguồn hàng và chuyển sang bán hàng trong nước.
Đại diện cho phía người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam phấn khởi thừa nhận, người tiêu dùng trên cả nước trước đây đang từ tâm lý sính ngoại giờ ngày càng ưu tiên sử dụng hàng hóa Việt Nam có chất lượng cao, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Điều này thể hiện sự nỗ lực của doanh nghiệp cộng với “lực đẩy” từ Cuộc vận động ‘Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’. Nhiều sản phẩm hàng hóa trong nước đã dần chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, chiếm lĩnh tốt thị trường trong nước.
Đáng mừng hơn, hàng Việt không chỉ trụ vững tại các thành thị mà giờ đây đã trải dài khắp các vùng núi, vùng sâu vùng xa. Từ Hà Giang đến Mũi Cà Mau đâu đâu cũng thấy hàng Việt được bày bán rộng rãi, mặt hàng đa dạng và giá cả được kiểm soát. Điều này thể hiện sự phối hợp đồng bộ của các Bộ, ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương nhằm giúp cuộc vận động ngày càng gặt hái nhiều thành công.
Năm 2015 bên cạnh việc hỗ trợ những chuyến hàng được chuyển tới cho các vùng nông thôn, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương xây dựng 29 điểm bán hàng Việt Nam cố định tại 23 tỉnh, thành phố trong cả nước; trong đó, ưu tiên các khu vực vùng sâu vùng xa, miền núi. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, lượng hàng hóa tiêu thụ tại các điểm bán này tương đối khả quan. Người dân cũng hồ hởi vì được thỏa mãn mua sắm, sử dụng hàng Việt chính hãng, có nguồn gốc rõ ràng.
Cùng với đó, không chỉ tập trung tuyên truyền trong nước, các thương vụ đại diện của Việt Nam tại nước ngoài cũng tích cực tuyên truyền, phổ biến về cuộc vận động này đến đông đảo bà con Việt kiều ở 109 quốc gia, lãnh thổ trên thế giới. Đồng thời, đưa hàng hóa của Việt Nam tham gia lồng ghép vào các triển lãm hàng Việt ở nước ngoài. Trong thành tích ấn tượng này, có sự nỗ lực không nhỏ của hoạt động xúc tiến thương mại.
Ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, với mục tiêu chiếm lĩnh lòng tin của người Việt xa xứ, tại những lần xúc tiến thương mại tổ chức hội chợ, triển lãm tại các thị trường nước ngoài, hàng Việt Nam đã dần dần tạo được lòng tin đối với người tiêu dùng nơi đây và thường được đánh giá cao vì giá rẻ, chủng loại phong phú, chất lượng tốt....
Bên cạnh đó, với vai trò “cầu nối” của các hội doanh nhân, doanh nghiệp người Việt cũng được phát huy tối đa nhằm nắm thông tin tại thị trường sở tại. Nhờ những giải pháp trên, hàng Việt Nam đã và đang hiện diện nhiều hơn tại các quốc gia trên thế giới. Chính vì vậy mà kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng như nông lâm thủy sản, dệt may, giày dép… ngày càng gia tăng; trong đó nhiều mặt hàng đứng thứ nhất, thứ nhì thế giới có vai trò đóng góp rất lớn của lực lượng này.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, Phó Ban Vận động đánh giá cao công tác xúc tiến thương mại với những chương trình thiết thực, hiệu quả về nội dung, phong phú, sinh động về hình thức. Đặc biệt, Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, đến nay, đã có 618 đề án xúc tiến thương mại; trong đó, có 356 đề án nhằm vào phát triển thị trường trong nước, miền núi, biên giới, hải đảo, để tổ chức hội chợ, triển lãm, đưa hàng hóa về những vùng, miền này. Bộ còn phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức các hội chợ tầm quốc gia, liên vùng, các hội thảo lớn kết nối giữa các nhà quản lý - nhà sản xuất - nhà kinh doanh nhằm phát triển hệ thống phân phối, điều tra nắm bắt thị hiếu của công chúng.
* Nâng tầm hàng Việt
Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường (Bộ Công Thương), bước sang giai đoạn mới, cuộc vận động đã đề xuất nhiều giải pháp khó hơn để hàng Việt “thấm sâu” vào tâm trí người tiêu dùng Việt Nam . Góp sức vào cuộc đổi mới này, Đề án Phát triển thị trường trong nước đã đề ra nhóm giải pháp thay đổi về nhận thức và hành vi của cộng đồng đối với hàng Việt Nam thông qua việc tăng cường và đa dạng hóa các hình thức truyền thông, tuyên truyền về cuộc vận động, gắn kết với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”.
Tuy vậy, thách thức lớn nhất là sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu. Trong khi đó, mục tiêu của giai đoạn tới là phải đưa hàng Việt phát triển nhanh hơn và bền vững hơn. Để thực hiện được mục tiêu này, không còn cách nào khác là Nhà nước và doanh nghiệp phải ‘bắt tay’ cùng phát huy nội lực, tăng cường sức cạnh tranh.
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết, cuộc vận động này đã đặt mục tiêu đến năm 2020, có 100% người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ biết đến cuộc vận động; hàng Việt có thế mạnh sẽ chiếm khoảng 80% thị phần tại các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; 100% các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương triển khai chương trình xây dựng điểm bán hàng Việt Nam cố định, bền vững.
Tuy nhiên, việc quảng bá hàng Việt không chỉ thuần túy trong các hoạt động mang tính thương mại như bán hàng - kinh doanh dịch vụ mà đã được các cơ quan thông tin - truyền thông chủ động tham gia, phổ biến rộng rãi trong công luận; các hội, đoàn thể chính trị - xã hội triển khai tới các thành viên, tạo sự đan chéo, nhiều chiều đồng thuận về nhận thức dẫn tới hành động chung trong cộng đồng xã hội. Đây có thể coi như những thành công bước đầu đã khẳng định tính thuyết phục của cuộc vận động, chủ động hành trang để bước vào hội nhập quốc tế./.