Hàng Việt về vùng sâu, vùng xa

Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhiều ngành, nhiều địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, tăng cường mở rộng kênh phân phối, nhằm cung cấp hàng Việt đến với người tiêu dùng vùng sâu, vùng xa, miền núi của tỉnh.

TĂNG NHU CẦU DÙNG HÀNG VIỆT

Thời gian qua, cùng với hàng Việt có chất lượng cao, xuất xứ rõ ràng thì không ít hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ xuất xứ đã có mặt trên thị trường. Đặc biệt, ở vùng sâu, vùng xa, miền núi thì hàng kém chất lượng càng dễ dàng len lỏi. Tuy nhiên, nhờ các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và thông qua quá trình sử dụng mà người dân những khu vực này đã có cách nhìn chính xác hơn về chất lượng hàng Việt.

Bà Sô Thị Tin ở thôn Độc Lập A, xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa, cho biết: “Trước đây, mỗi khi cần mua hàng, tôi đều xuống chợ huyện. Hàng hóa nhiều, tôi cũng không quan tâm đến xuất xứ, chất lượng. Từ khi được cán bộ tuyên truyền về việc người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tôi đã mua để dùng thử. Sau khi sử dụng, tôi thấy hàng Việt chất lượng bảo đảm, giá cả vừa túi tiền”. Còn chị Hồ Thị Sim ở xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh, cho hay: Nhà tôi đã quen dùng hàng Việt Nam. Khi các phiên chợ hàng Việt được tổ chức ở huyện, tôi thường mua thật nhiều hàng để về sử dụng dần dần vì tại xã không có điểm chuyên bán hàng Việt.

Với nhiều người tiêu dùng, việc các đơn vị phân phối, giới thiệu hàng Việt là cơ hội tốt để họ mua sắm. Vui vì được mua hàng Việt, chị Phan Thị Danh ở xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, phấn khởi nói: Mới đây, nhiều đơn vị tổ chức bán hàng tại xã. Hàng tiêu dùng được bày bán khá đa dạng, giá cả hợp lý. Hơn nữa, mua hàng và còn được ưu đãi nên cũng là dịp tốt để tôi mua sắm nhiều sản phẩm cần thiết cho gia đình. Tôi rất yên tâm khi sử dụng toàn hàng Việt trong những ngày tết cổ truyền năm nay.

Theo ông Trần Thuấn, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Sông Hinh, nhu cầu sử dụng hàng Việt Nam của người dân địa phương ngày càng tăng, nên các đơn vị kinh doanh hàng Việt cần nắm bắt cơ hội để cung cấp cho người tiêu dùng. Hiện trên địa bàn huyện, số điểm chuyên bán hàng Việt không nhiều, các phiên chợ hàng Việt cũng chưa được tổ chức thường xuyên, do đó người dân ở các xã ít có cơ hội mua hàng Việt. Thời gian tới, các ngành chức năng nên tổ chức thêm nhiều phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn với nhiều doanh nghiệp tham gia; các doanh nghiệp cũng cần cân đối các mặt hàng để giúp người tiêu dùng nông thôn có thêm sự lựa chọn.

ĐẨY MẠNH CÁC KÊNH PHÂN PHỐI

Nhiều năm tham gia đưa hàng Việt về miền núi, bà Nguyễn Bích Ly, Giám đốc Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa, cho biết: Hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất đưa đến các vùng nông thôn, miền núi trong tỉnh rất được người dân đón nhận, chọn mua. Điều này cho thấy hàng Việt uy tín đã tạo được chỗ đứng trong lòng người dân Việt. Cùng với đó, các hoạt động tư vấn, giới thiệu sản phẩm tại gian hàng cũng góp phần giúp người dân biết và nhận diện hàng Việt rõ nét hơn.

Còn theo ông Lê Thanh Khanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương), trong năm 2015, đơn vị đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức 16 phiên chợ hàng Việt về với các địa phương trong tỉnh, với 146 lượt doanh nghiệp tham gia; trong đó đặc biệt chú trọng thực hiện tại những xã vùng sâu, vùng xa, miền núi. Các mặt hàng tham gia phiên chợ đều được sản xuất trong nước, có đầy đủ nhãn hiệu, nguồn gốc, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, để người dân thuận tiện khi có nhu cầu mua hàng Việt, đơn vị cũng đã triển khai mô hình điểm bán hàng Việt cố định tại một số địa phương trong tỉnh. Các điểm bán này sẽ được thực hiện rộng rãi trong thời gian tới, nhằm mở rộng kênh phân phối hàng Việt, đưa hàng Việt chất lượng đến tay người tiêu dùng. Theo ông Khanh, để người dân có cơ hội mua hàng Việt thường xuyên trong năm, đặc biệt trong dịp Tết Bính Thân 2016, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện 11 đợt đưa hàng Việt về nông thôn, bán hàng lưu động… tại nhiều địa phương, tập trung vào những vùng xa trung tâm. Cùng với việc bán hàng, công tác kiểm tra, giám sát hàng nhái, giả, kém chất lượng tại mỗi phiên chợ cũng được đội quản lý thị trường các huyện tổ chức chặt chẽ, đúng quy định.

Bình luận của bạn