Hàng Việt: Để sân "Nhà" không thành sân "Người"
Trong thế cạnh tranh yếu hơn, nếu các doanh nghiệp Việt Nam không nỗ lực, bền bỉ tự đổi mới thì rất khó nâng cao khả năng "đề kháng" cũng như sức cạnh tranh trong hội nhập.
Hàng Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ hàng ngoại. Ảnh: Anh Tuấn
Am hiểu thị trường, tâm lý người tiêu dùng, điểm tựa từ cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" là lợi thế ít doanh nghiệp nước ngoài nào có được. Tận dụng thế mạnh Theo bà Vũ Kim Hạnh, dù quy mô nhỏ hơn, tiềm lực tài chính yếu hơn nhưng lợi thế của các doanh nghiệp trong nước là sự am hiểu thị trường. Các doanh nghiệp nước ngoài không thể nào hiểu rõ thị trường Việt Nam bằng doanh nghiệp Việt, kể cả doanh nghiệp tại các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia...
Cho nên, các doanh nghiệp Việt phải phát huy lợi thế, tập trung vào lợi thế để tồn tại và phát triển. Việt Nam đang có những thương hiệu lớn như Vinamilk, Saigon Food, Vissan, Cầu Tre… không chỉ đứng vững trong nước mà còn vươn ra thị trường nước ngoài. Cuộc điều tra "Hàng Việt Nam chất lượng cao" năm nay với 500 doanh nghiệp được bình chọn cho thấy, hàng Việt chất lượng cao vẫn có chỗ đứng vững chắc ở thị trường nội địa.
Bà Vũ Kim Hạnh phân tích, các doanh nghiệp nhỏ muốn vào hệ thống phân phối hiện đại không phải dễ nên cần tận dụng không gian của chợ, các cửa hàng chuyên doanh và đưa hàng về nông thôn, đồng thời nhanh chóng mở chân rết chiếm lĩnh các đơn vị cơ sở ở thị trường nông thôn. Đây chính là lợi thế có thể trở thành "bàn đạp" để doanh nghiệp trong nước gia tăng khả năng cạnh tranh. Theo ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng Giám đốc Công ty CP Đồng Xuân - đơn vị quản lý chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), hàng Việt hoàn toàn có cơ hội giành thị phần tại phân khúc chợ truyền thống. Tại chợ Đồng Xuân, nơi có hơn 2.300 hộ kinh doanh, mỗi ngày có khoảng 15-20 tấn hàng hóa được lưu chuyển từ chợ này đi các tỉnh. Nếu trước đây, hàng Trung Quốc có thời điểm lên đến 90% thì hiện tỷ trọng hàng Việt đã chiếm tới gần 70% thị phần; trong đó, nông sản, thực phẩm chiếm 80%, hàng may mặc, giày dép, túi xách chiếm 70%...
Các mặt hàng này đều có xuất xứ từ các làng nghề và doanh nghiệp trong nước như giày dép từ các làng nghề ngoại thành Hà Nội, Công ty Giày Viễn Thịnh; sản phẩm may mặc của các công ty Hanosimex, May mặc Hùng Nguyệt, Gia Hồi…; vải từ Công ty Thái Tuấn, Phước Thịnh, lụa Hà Đông… Đáng chú ý là đánh giá của ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam": Sau 6 năm triển khai cuộc vận động, khảo sát cho thấy 93% số người tiêu dùng sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 là cuộc vận động này triển khai thêm nhiều giải pháp để hàng Việt chiếm 80% thị phần tại các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai xây dựng điểm bán hàng Việt Nam cố định, bền vững cũng như cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật mạng lưới phân phối hàng Việt của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hỗ trợ công tác quản lý nhà nước và các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.
Còn bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) lưu ý, để hàng Việt vào được chợ truyền thống thì ngoài chất lượng hàng hóa, doanh nghiệp cần phải quan tâm xây dựng mối liên kết với doanh nghiệp quản lý chợ trong việc tạo dựng các kênh phân phối nhiều tầng, trong việc sắp xếp hàng hóa và bố trí ngành hàng tại chợ, tạo kênh phân phối đa dạng nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa hàng Việt sâu, rộng đến người tiêu dùng. Quả thực, đây là "bàn đạp", là cơ hội các doanh nghiệp sản xuất nội địa không nên bỏ lỡ.
Tăng mối liên kết sản xuất - phân phối - tiêu dùng Mặc dù hệ thống phân phối chiếm vị trí vô cùng quan trọng nhưng hiện chỉ có một số ít doanh nghiệp lớn như Vissan, Vinamilk… thiết lập thành công kênh phân phối của mình, còn lại hầu hết doanh nghiệp nhỏ bị lệ thuộc kênh phân phối bên ngoài. Theo bà Vũ Kim Hạnh, mấy năm qua, chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội cho đầu tư hệ thống phân phối và mạng lưới bán lẻ. Từ năm 2011, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp cùng Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã thực hiện dự án vẽ bản đồ phân phối trên cơ sở học hỏi cách xây dựng mạng lưới bán lẻ thành công của các nước và các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Dự án đã được trình lên Chính phủ và trong Quyết định 634/QĐ-TTg ngày 29-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước, đã có nội dung về xây dựng cơ sở dữ liệu mạng lưới bán lẻ toàn bộ 63 tỉnh, thành phố. Nhưng đến nay, chương trình vẫn chưa được triển khai. Sau khi hàng loạt siêu thị Việt bị các doanh nghiệp nước ngoài mua bán, sáp nhập, hiện chỉ còn vài hệ thống phân phối nội địa đứng vững là Saigon Co.op, Vingroup, Satramart, Hapro…
Trong đó, Saigon Co.op đang là hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam, còn Tập đoàn Vingroup đang trở thành hệ thống bán lẻ có tốc độ phát triển nhanh nhất. Hiện Saigon Co.op có hơn 350 điểm bán với 81 siêu thị Co.opmart, 2 chuỗi đại siêu thị Co.opXtra, 96 cửa hàng tiện ích Co.op Food, gần 200 cửa hàng Co.op, 3 trung tâm thương mại và hệ thống bán hàng qua kênh truyền hình HTV Co.op. Trong khi đó, chỉ qua một năm phát triển, Vingroup có 560 điểm bán, bao gồm hơn 500 cửa hàng tiện ích VinMart+, 50 siêu thị VinMart và kênh bán hàng online Adayroi.com. Vingroup đặt mục tiêu trong năm 2016, hệ thống sẽ đạt tới con số 70 VinMart và 3.000 VinMart+ trên cả nước. Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, xuyên suốt chiến lược của siêu thị này là đồng hành cùng doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam muốn vào siêu thị của Saigon Co.op phải đáp ứng được tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, nhu cầu của khách hàng. "Nói một cách công bằng, không phải Saigon Co.op nâng đỡ các doanh nghiệp sản xuất trong nước mà là chúng tôi cùng các doanh nghiệp đồng hành, gắn kết với nhau và nâng đỡ lẫn nhau.
Thành công của Saigon Co.op cũng nhờ các nhà sản xuất hàng Việt Nam chất lượng cao" - ông Nhân nói. Sự thành công của Saigon Co.op, Vingroup và các doanh nghiệp trên cho thấy, hàng Việt sẽ không hề "lép vế" nếu các doanh nghiệp trong nước biết tận dụng, tập trung vào lợi thế để phát triển. Bên cạnh đó, với việc tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa sản xuất - phân phối - tiêu dùng thì "sân nhà" của hàng Việt không dễ biến thành "sân người" khi hội nhập.