Hành động ngay để hàng Việt không thất thế

Vì đảm bảo chất lượng và giá cả cạnh tranh, nhiều thương hiệu lớn trên thế giới đang tìm đến Việt Nam để đặt hàng, từ đó phân phối trên toàn thế giới. Thế nhưng, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng Việt Nam lại “sính ngoại”…

alt

Hệ thống phân phối trong nước đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt

Cảnh báo sự thống lĩnh của hàng ngoại

Trong buổi làm việc mới đây với lãnh đạo Bộ Công Thương, bà Nguyễn Thanh Huyền – Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 nêu lên giả thuyết, sẽ ra sao nếu người Việt Nam không dùng hàng Việt?: “Một ngày nào đó, tất cả các tuyến phố đều bán hàng ngoại nhập, giá cao tới bao nhiêu thì người tiêu dùng cũng phải bỏ tiền ra mua. Muốn điều đó không xảy ra thì chúng ta phải tự hành động ngay từ bây giờ” - Bà Nguyễn Thanh Huyền nói. Cũng theo đại diện của doanh nghiệp này thì người tiêu dùng Việt nên ủng hộ việc tiêu dùng hàng Việt một cách nghiêm túc, thay vì “không thích vẫn mua”.

Cũng theo bà Nguyễn Thanh Huyền, trong khi người tiêu dùng Việt chuộng hàng ngoại thì các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới lại đang đặt hàng tại chính Việt Nam. Điển hình như chiếc cravat mà Hãng Hugo Boss (Đức) đang bán với giá 200-250USD hiện được sản xuất tại Công ty TNHH Dệt may cà vạt DK Sài Gòn. Ngày 30-9, đại diện của Hugo Boss đến làm việc và đặt hàng với May 10. Dự kiến trong tháng 10 thì ông chủ của Công ty Louis Vuitton (Pháp) cũng đã đặt vấn đề làm việc với May 10. “Thói quen tiêu dùng của người Việt Nam cần phải thay đổi. Đồng thời, để xóa bỏ tâm lý chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng trong nước, các doanh nghiệp cần làm tốt việc quảng bá hoạt động của mình” - Tổng Giám đốc May 10 chia sẻ.

Thiếu sản phẩm riêng cho người Việt?

5 năm qua, hệ thống phân phối hàng Việt đã tăng lên đáng kể. Song có thể thấy, người Việt vẫn thiếu những sản phẩm dành riêng cho mình. Chẳng hạn đối với sản phẩm dệt may, hệ thống cửa hàng “Made in Vietnam” đã đến mọi ngõ phố ở những thành phố lớn và len lỏi về vùng nông thôn khiến cho hệ thống giới thiệu và bán sản phẩm của May Việt Tiến, Nhà Bè… có phần bị lu mờ. Tuy nhiên, đa số hàng hóa trong cửa hàng “made in Vietnam”, thậm chí cả cửa hàng giới thiệu sản phẩm của công ty may đều được giới thiệu là “hàng xuất dư”. Tình trạng này một phần do bộ phận người tiêu dùng “sính ngoại”, nhưng mặt khác cũng chứng tỏ người tiêu dùng đang thiếu những sản phẩm phù hợp. Nếu có sản phẩm phù hợp về giá cả, chất lượng, mẫu mã thì chắn chắn người Việt không cần dùng “hàng xuất dư”! 

Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận: “Các doanh nghiệp da giày đang xuất khẩu hàng sang những thị trường có yêu cầu cao, nhưng lại bỏ ngỏ thị trường trong nước và phải cạnh tranh với hàng Thái Lan, Trung Quốc ngay trên sân nhà”. Theo ông Đỗ Thắng Hải, để hướng tới sản xuất phục vụ nhu cầu nội địa thì các doanh nghiệp cần có giá hợp lý, mẫu mã phù hợp với người Việt Nam. 

Có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, nhưng không nhiều người Việt được sử dụng rau quả, thực phẩm an toàn, chất lượng ở trong nước. “Hàng tốt, hàng đẹp” đều dành cho xuất khẩu, phần còn lại mới đến “người nhà”. Nói cách khác, ở nhiều ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng Việt chưa đáp ứng được yêu cầu của người Việt. Hàng Việt Nam không thua kém hàng của nước ngoài. Nhưng để người Việt mua vì thích hàng Việt thì cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đều phải hành động ngay từ bây giờ.

Nguồn: Báo An ninh thủ đô

Bình luận của bạn