Hiệp định CPTPP: Hàng Việt 'rộng cửa' vào Canada

Hiệp định CPTPP với các cam kết cắt giảm mạnh về thuế quan và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh sẽ là “cú hích lớn” để phát triển đầu tư, thương mại song phương Việt Nam - Canada, đặc biệt mở ra cánh cửa lớn cho xuất khẩu Việt Nam chiếm lĩnh thị trường này.

Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công thương) nhận định, tại hội thảo “Hiệp định CPTPP: Mở rộng chân trời kinh doanh Việt Nam – Canada”, tổ chức sáng nay 25/4 tại Hà Nội.

Tăng trưởng thương mại sẽ đạt tới 20%

Ông Tạ Hoàng Linh cho biết, Việt Nam là đối tác thương mại phát triển nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á của Canada. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada năm 2018 cao gấp 3 lần Indonesia, Philippines, gấp 2 lần Thái Lan và Malaysia.

Theo thống kê, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Canada đã tăng gấp 3 lần, từ 1,14 tỷ USD năm 2010 lên 3,85 tỷ USD trong năm 2018. Trong đó, Việt Nam luôn xuất siêu sang Canada, riêng năm 2018 giá trị xuất siêu đạt 2,14 tỷ USD. Trong 2 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu từ Việt Nam sang Canada đạt hơn 506 triệu USD, tăng 36,6% so với cùng kỳ năm trước.

"Cho đến nay, xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đến 1% tổng nhập khẩu của Canada. Do đó, với khả năng cung ứng hàng hóa của Việt Nam và nhu cầu của Canada, dư địa phát triển xuất khẩu của Việt Nam sang Canada vẫn còn rất lớn. Dự báo mức tăng trưởng thương mại bình quân trong những năm tới có thể đạt tới 20%" - ông Linh nhấn mạnh.

Hiện nước ta có rất nhiều mặt hàng có lợi thế xuất khẩu sang Canada như thủy sản, đồ gỗ nội thất, dệt may và giày dép, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy tính, sản phẩm điện tử, điện thoại và linh kiện. Ở chiều ngược lại, nước ta nhập từ Canada các sản phẩm công nghệ cao như máy móc, sản phẩm sinh học, thiết bị công nghệ, nguyên liệu cho sản xuất...

Theo đánh giá của các chuyên gia, cơ cấu sản phẩm của Việt Nam và Canada ít cạnh tranh mà mang tính bổ sung cho nhau. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để nâng cao kim ngạch song phương giữa hai nước.

Bên cạnh đó, Canada cũng đang là nhà đầu tư lớn thứ 14 của Việt Nam, với 149 dự án, trị giá hơn 5 tỷ USD. Các dự án được đánh giá là có chất lượng cao, với bình quân một dự án là 32,36 triệu USD/dự án, cao hơn so với bình quân đầu tư một dự án nước ngoài đầu tư tại Việt Nam (13,97 triệu USD/dự án), với các lĩnh vực đầu tư chủ chốt như dịch vụ khách sạn, bảo hiểm, năng lượng tái tạo…

"Trong thời gian tới, để phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Việt Nam mong muốn và kêu gọi các nhà đầu tư Canada vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, logistic, công nghiệp chế tạo, năng lượng sạch, những lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao…" - đại diện Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ đề nghị.

Cắt giảm tới 95% số dòng thuế, bao trùm 78% tổng kim ngạch xuất khẩu

Ông Linh đánh giá, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ ngày 14/1 vừa qua với mức cam kết "mở cửa" cao nhất từ Canada sẽ mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho Việt Nam tại thị trường này.

"Có thể thấy, trong số các quốc gia tham gia CPTPP, Canada là một trong những nước có mức cam kết mở cửa thị trường cao nhất, với hàng nghìn dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu trở về 0%, với mức cắt giảm thuế lên tới 95% số dòng thuế, bao trùm 78% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada. Điều đáng lưu ý, Canada là một trong 3 nước thành viên mà Việt Nam chưa có thỏa thuận thương mại song phương" - ông Linh nhấn mạnh.

Nhận định về các mặt hàng có nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Canada, đại diện Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cho hay, một số mặt hàng như công nghiệp chế biến, chế tạo (dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản…) có lợi thế và tiềm năng lớn khi xuất vào thị trường này.

Còn theo bà Nguyễn Sơn Trà - Phó Trưởng phòng WTO và Đàm phán thương mại, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) khẳng định, Việt Nam hiện đang là nước có lợi thế lớn trong thương mại song phương với Canada và CPTPP sẽ là đòn bẩy thúc đẩy mạnh mẽ thương mại giữa hai nước.

Bà Trà chia sẻ thêm, với CPTPP 100% kim ngạch xuất khẩu thủy sản được hưởng thuế xuất 0%; đồ gỗ nội thất giảm từ 9,5% xuống 0%, trừ ghế gỗ dùng trong nhà thuế giảm dần về 0% sau 6 năm; dệt may xóa bỏ 100% thuế vào năm thứ 4; chè, hạt tiêu, hạt điều đều hưởng thuế suất 0%; 78% kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Canada hưởng thuế suất 0%...

Phát biểu tại hội thảo, ông Jared Brading - Tham tán phụ trách phát triển - Đại sứ quán Canada tại Việt Nam cho biết thêm, Hiệp định CPTPP là một công cụ thay đổi cuộc chơi khi tập hợp 11 quốc gia và kết hợp với nhau, chiếm 13,5% GDP thế giới và 495 triệu người tiêu dùng.

"CPTPP hứa hẹn sẽ cung cấp một môi trường giao thương dựa trên quy tắc thế hệ mới và sẽ giúp tạo ra các chuỗi giá trị mới trên toàn khu vực, trong đó có Việt Nam với những lợi thế vượt trội trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm công nghiệp" - ông Jared Brading nhấn mạnh.

Cũng theo Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, thông qua CPTPP, các doanh nghiệp Canada sẽ gia tăng đầu tư, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam dưới hình thức viện trợ phát triển chính thức (ODA) nhằm giúp các doanh nghiệp được hưởng lợi từ quá trình tự do hóa thương mại và thực thi hiệp định này./.

Bình luận của bạn