Hiệu quả hàng Việt miền đất Tổ

 

 

Thành công Điểm bán hàng Việt

Năm qua, việc triển khai các hoạt động hưởng ứng CVĐ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã tiếp tục đạt được nhiều kết quả. Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Sở Công Thương Phú Thọ - cho biết, năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020.

Theo đó, Sở Công Thương đã xây dựng đề cương và dự toán kinh phí chi tiết thực hiện Dự án Điểm bán hàng Việt Nam cố định với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại huyện Thanh Ba và huyện Lâm Thao.

Sau khi được Bộ Công Thương phê duyệt dự án, tỉnh đã lựa chọn Cửa hàng thương mại Lợi Thủy thuộc Hộ kinh doanh Nguyễn Hữu Lợi tại khu Thùy Nhật, thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao và Cửa hàng thương mại Long Hương thuộc Công ty TNHH Chế biến chè xuất khẩu Đại Đồng tại khu 6, thị trấn Thanh Ba, huyện Thanh Ba là những đơn vị điển hình cung ứng các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam phối hợp tham gia xây dựng Điểm bán hàng Việt cố định với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” được chính quyền địa phương và người tiêu dùng trên địa bàn đồng tình ủng hộ.

"Hiện nay 4 Điểm bán hàng Việt cố định tại 4 huyện miền núi đang hoạt động và phát huy hiệu quả rất tích cực. Số lượng khách hàng ngày càng tăng nhờ hàng hóa đa dạng, phong phú, chất lượng đảm bảo, giá cả phù hợp với thu nhập của người lao động, niêm yết giá đầy đủ, rõ ràng. Các điểm bán hàng Việt đẹp về mỹ quan, hàng hóa xắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ, thái độ phục vụ tốt vì vậy doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã tăng từ 10-15% so với trước" - ông Hùng nhận định.

Tạo uy tín cho hàng hóa địa phương

Đánh giá về hàng Việt được sản xuất tại địa phương, lãnh đạo Sở Công Thương khẳng định, các sản phẩm hàng hóa đã được cải thiện đáng kể về mẫu mã, chất lượng trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại. Các doanh nghiệp đã tổ chức các chiến dịch quảng cáo, các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật và lắp đặt, bảo hành sau bán hàng đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.

Hơn nữa, các doanh nghiệp còn không ngừng đổi mới cách thức phân phối hàng hóa, triển khai nhiều đợt giảm giá, khuyến mại để kích thích sức mua. Qua đó nhiều mặt hàng sản xuất trong tỉnh ngày càng tạo được uy tín cao đối với người tiêu dùng và trở thành thế mạnh trong sản xuất của tỉnh cũng như cả nước như: hàng may mặc, phân bón, hàng nông sản…

Cũng theo ông Hùng, qua thực tế kiểm tra và báo cáo của các huyện, thành, thị cho thấy, từ khi triển khai cuộc vận động đến nay đã góp phần nâng cao nhận thức và có những chuyển biến tích cực về thói quen tiêu dùng, mua sắm trong nhân dân. Người tiêu dùng đã bắt đầu có sự đắn đo, so sánh giữa giá cả, chất lượng hàng Việt Nam và hàng ngoại nhập để lựa chọn phù hợp với nhu cầu sử dụng và khả năng mua sắm.

“Tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu xa, người dân đã bước đầu nhận thức được ý nghĩa, vai trò của CVĐ, quan tâm hơn đến các hoạt động mua sắm, tiêu dùng hàng Việt. Các sản phẩm hàng tiêu dùng Việt Nam có giá thành hợp lý và chất lượng đảm bảo, được người dân ưu tiên sử dụng thay cho các sản phẩm không rõ nguồn gốc, nhãn mác, các sản phẩm ngoại nhập” - đại diện Sở cho hay.

Nhiều kiến nghị từ địa phương

Mặc dù đã có những thành công lớn, song công tác phát triển hàng Việt tại địa phương này còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, theo Sở Công Thương Phú Thọ, hoạt động tổ chức hội chợ, triển lãm trên địa bàn còn nhiều hạn chế, chưa thu hút được các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh tham gia, chưa kết nối được giữa sản xuất, phân phối và tiêu dùng. Nhiều hội chợ triển lãm mới chỉ dừng lại ở lĩnh vực trưng bày, giới thiệu hoặc bán buôn, bán lẻ hàng hóa thuần túy chưa gây dựng được thương hiệu Việt trong người tiêu dùng. Số lượng hội chợ thương mại do thương nhân đăng ký tổ chức thực hiện đang có chiều hướng giảm dần.

Việc đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm giới thiệu sản phẩm Việt, quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp hiện đang giảm do không có kinh phí hỗ trợ thực hiện.

Bên cạnh đó, năng lực của một số doanh nghiệp nội địa còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước cả về số lượng, chất lượng và giá cả, chưa cạnh tranh được với hàng ngoại nhập, nhất là vật tư, nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất.

Năm 2018, để tiếp tục triển khai thực hiện tốt hơn nữa CVĐ, Sở Công Thương Phú Thọ sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, đảm bảo lưu thông hàng hóa, đáp ứng đầy đủ các loại hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu của người dân, nhất là trong các dịp lễ, tết... Vận động và tạo điều kiện để các doanh nghiệp tổ chức các điểm bán hàng hóa thương hiệu Việt, bán hàng bình ổn thị trường, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa.

Ngoài ra, Sở Công Thương cũng đề nghị Ban chỉ đạo CVĐ các cấp chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng về chủ trương CVĐ. Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo việc thực hiện CVĐ mang tính thường xuyên trên phạm vi toàn quốc.

Đồng thời đề nghị Bộ Công Thương, UBND tỉnh có định hướng chỉ đạo các sở, ngành trong việc xây dựng các chính sách để tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực: hỗ trợ sản xuất, phát triển quảng bá, quản lý sản phẩm; quan tâm hỗ trợ kinh phí để phối hợp tổ chức các hội chợ, các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; tổ chức hội thảo nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về CVĐ…

Tiếp đó, ngành Công Thương nơi đây cũng đề nghị nhà nước có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong việc mở rộng hệ thống phân phối từ thành thị đến nông thôn; hỗ trợ cho các doanh nghiệp về công tác tổ chức, điều tra khảo sát thị trường, nghiên cứu nhu cầu tiêu dùng; tăng cường công tác giám sát trong việc thực hiện các tiêu chuẩn về chất lượng, giá cả sản phẩm, hàng hóa Việt Nam sản xuất và hàng ngoại nhập; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ.

Bình luận của bạn