Hiệu quả toàn diện nhờ 'ý Đảng' hợp 'lòng dân'

90% hàng hóa trong siêu thị là hàng Việt Nam; nhiều thương hiệu Việt như Vinamilk, VinGroup, Vinacafe, TH true Milk, Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Hông Hà ,Thiên Long, Việt Tiến, Hữu Nghị… ngày càng chiếm thị phần lớn; ý thức ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam ngày càng cao… đó là những thành công mà Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (CVĐ) đạt được trong 8 năm qua. Kết quả đó chính là nhờ sự chỉ đạo xuyên suốt của Đảng trong việc quyết liệt nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt, mang lại niềm tin cho người tiêu dùng trong nước.   

Động lực lớn triển khai CVĐ

Cứ bước vào tháng 9 hàng năm, khi những cơn gió thu làm dịu đi cái nắng oi ả của mùa hè, hàng loạt chương trình như: Tuần Nhận diện hàng Việt Nam; đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, khu công nghiệp… lại được rậm rịch tổ chức. Năm nay, những người làm hàng Việt bận rộn hơn bởi bước vào năm thứ hai triển khai Lễ tôn vinh sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt tiêu biểu - một trong những sự kiện quan trọng hưởng ứng CVĐ. Hàng loạt sự kiện bận rộn khiến gần 1 tiếng đồng hồ trao đổi giữa tôi và bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Phó trưởng Ban thư ký Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương CVĐ, Thường trực BCĐChương trình hành động của Bộ Công Thương thực hiện CVĐ- thường xuyên bị gián đoạn. Thế nhưng đã nhiều năm nay, cứ nhắc đến hàng Việt, người phụ nữ gắn bó từ đầu với CVĐchưa bao giờ từ chối phóng viên. 

Chia sẻ về những ngày đầu tiên triển khai CVĐ, bà Lê Việt Nga bồi hồi nhớ lại, đầu năm 2007, Việt Nam đón nhận tin vui khi trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Biết bao kỳ vọng, bao mơ ước nền kinh tế sẽ đổi khác khi Việt Nam hội nhập sâu vào thế giới, hàng Việt có cơ hội vươn ra "biển lớn". Tuy nhiên, riêng với những người làm thương mại trong nước, niềm vui lại đi cùng với sự lo lắng bởi khi hàng ngoại tràn vào, làm thế nào để hàng Việt Nam giữ được thị trường hoàn toàn không dễ trả lời. 

Trong bối cảnh đó, Kết luận số 264-TB/TW ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị về tổ chức CVĐđược coi là "ánh sáng dẫn đường" cho những người làm thương mại trong nước. Kết luận nêu rõ, đồng ý về mặt chủ trương tổ chức CVĐ; thành lập BCĐCVĐở 2 cấp: cấp Trung ương; cấp tỉnh, thành phố và tương đương. Trong đó, BCĐTrung ương do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm trưởng ban, các thành viên là đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, trung ương, các đoàn thể chính trị - xã hội, nghề nghiệp. "Kết luận này là bước đầu tiên, cho thấy sự chỉ đạo sát sao của Đảng trong việc quyết tâm thực hiện CVĐ đạt kết quả cao nhất" - bà Lê Việt Nga cho hay. 

Sự quan tâm của Đảng tiếp tục được thể hiện rõ nét khi sau 5 năm, Ban Bí thư đã ra Kết luận số 107/KL-TW ngày 10/4/2015 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với thực hiện CVĐ. Bên cạnh đánh giá những mặt được và chưa được, kết luận này đã yêu cầu các thành ủy, tỉnh ủy, các tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương khẩn trương xây dựng, rà soát, bổ sung chương trình hành động tổ chức thực hiện CVĐ; giao nhiệm vụ cụ thể cho cấp ủy phải có biện pháp triển khai CVĐtrong giai đoạn Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới. Bà Nga khẳng định: "Cứ bộ, ngành, địa phương nào ra được chương trình hành động sớm thì kết quả CVĐ rất tốt".

Khó mấy cũng phải làm

Thông báo của Bộ Chính trị được coi là tấm "kim bài" cho CVĐ, nhưng triển khai ra sao cũng không hề dễ dàng. Bởi thời điểm đó, hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường. Những cơ hội từ nền kinh tế mở cửa khiến nhiều doanh nghiệp (DN) lao vào "cuộc chơi" xuất khẩu với đầy khí thế, phần nào bỏ quên thị trường trong nước. Tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng cũng là rào cản không nhỏ khiến hàng hóa Việt gặp khó ngay trên "sân nhà".

Bà Lê Việt Nga chia sẻ thêm, khó khăn còn ở chỗ, Việt Nam gần như chưa có kinh nghiệm về quản lý cạnh tranh khi hàng hóa nước ngoài bán phá giá. Việc kiểm soát hàng lậu, hàng giả, hàng nhái mới ở giai đoạn đầu triển khai, còn rất nhiều bỡ ngỡ. Chưa kể, DN phân phối trong nước vẫn có thói quen có gì bán nấy, ai chào hàng có lợi thì kinh doanh, chưa chú trọng phân phối hàng Việt. 

Tuy nhiên, sau khi có Kết luận 264-TB/TW, tất cả các "mũi tiến công" đã được triển khai như: tích cực xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước, không vi phạm các cam kết quốc tế; tuyên truyền, vận động để người dân ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước; đẩy mạnh cải tiến, nâng cao chất lượng hàng hóa để tăng sức cạnh tranh… 

Bộ Công Thương cũng phối hợp với nhiều cấp ủy các địa phương, Hiệp hội ngành hàng tổ chức hàng nghìn cuộc kết nối cung - cầu. Nói như bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao: "Đứt lại buộc, lại kết, lại nối, cho đến khi hình thành bằng được những chuỗi cung ứng hàng hóa thì thôi". Cung cầu gặp nhau, mở ra cơ hội tiêu thụ hàng hóa tốt. Từ sức lan tỏa của chương trình này, địa phương học nhau, DN áp dụng cách làm của nhau và hiện nay, hàng hóa Việt không chỉ vào được các siêu thị, chiếm tỷ lệ cao mà còn vào được chợ truyền thống, các cửa hàng tạp hóa sâu trong khu dân cư. Hiện hàng Việt tại chợ truyền thống chiếm 60-80%, tại siêu thị chiếm 90%.

Là một trong những doanh nghiệp Hà Nội tích cực tham gia các chương trình kết nối cung - cầu nông sản an toàn, ông Nguyễn Tiến Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen - cho biết, 70 - 80% lượng trái cây an toàn của công ty có được là nhờ các chương trình kết nối cung cầu của TP. Hà Nội. Việc duy trì các chương trình kết nối cung - cầu là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, phục vụ nhu cầu tiêu dùng.

Cùng với chương trình kết nối cung - cầu, nhiều hoạt động ý nghĩa khác như: Kết nối hàng hóa thực phẩm an toàn vào hệ thống phân phối; bình ổn thị trường… cũng mang lại hiệu quả tốt. Đặc biệt, nhiều năm nay, đưa hàng hóa về nông thôn, khu vực vùng sâu, vùng xa được coi là một trong những chương trình mang ý nghĩa sâu sắc, giúp người dân vùng khó khăn tiếp cận hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ, có chất lượng với giá bán phải chăng.

Bình luận của bạn