Hiệu quả từ chương trình bình ổn thị trường

Chương trình Bình ổn thị trường (CT) được TP Hồ Chí Minh triển khai liên tục từ năm 2002 đã khẳng định hiệu quả, có mức lan tỏa, được nhân dân hoan nghênh, hưởng ứng tích cực và được Chính phủ chỉ đạo nhân rộng ra cả nước.

Đồng chí Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương thành phố cho biết: Từ mục tiêu ban đầu (năm 2002) chỉ nhằm ổn định giá cả mùa Tết, góp phần thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị, thì đến nay CT được triển khai xuyên suốt cả năm. Hàng hóa bình ổn tăng từ một nhóm mặt hàng (lương thực, thực phẩm) lên 40 nhóm hàng (chín nhóm hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, bốn nhóm hàng phục vụ mùa khai giảng, sáu nhóm hàng sữa và 21 nhóm hàng dược phẩm thiết yếu). CT dần phát triển nên đối tượng doanh nghiệp (DN) tham gia được mở rộng gồm: Kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể, tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Nguồn vốn thực hiện CT từ hình thức Nhà nước ứng vốn ngân sách cho DN dự trữ hàng hóa sang hình thức xã hội hóa (kết nối giữa ngân hàng với DN, không còn sử dụng nguồn vốn từ ngân sách) theo nguyên tắc giá bán các mặt hàng trong CT phải thấp hơn giá bán của sản phẩm cùng loại trên thị trường ít nhất là 10%. Hiện nay, giá bán các mặt hàng được điều chỉnh theo hướng linh hoạt, kịp thời theo diễn biến thị trường nhưng bảo đảm thấp hơn mặt hàng cùng chủng loại trên thị trường 5 đến 10%, riêng hàng bình ổn mùa khai giảng thấp hơn ít nhất từ 10 đến 15%. Từ năm 2013 đến nay, thành phố xã hội hóa nguồn vốn thực hiện CT, hoàn toàn không sử dụng ngân sách Nhà nước.

Theo UBND thành phố, năm 2013, bằng chủ trương, cơ chế chính sách, thông qua hoạt động kết nối Ngân hàng - DN, thành phố đã thành công trong việc xã hội hóa nguồn vốn thực hiện CT, thu hút nhiều tổ chức tín dụng tham gia cung ứng vốn. Cái lợi đối với DN là được đáp ứng nhu cầu về vốn để dự trữ hàng hóa, đầu tư, liên kết phát triển sản xuất, mở rộng hệ thống phân phối, xuất khẩu. Cụ thể, năm 2013, ngân hàng cam kết cho DN vay 1.960 tỷ đồng, năm 2014 là 8.300 tỷ đồng, năm 2015 là 11.850 tỷ đồng, năm 2016 là 12.900 tỷ đồng. Đối với chính quyền, đã tiết kiệm được khoản ngân sách đáng kể, sử dụng để tập trung các nhiệm vụ kinh tế, chính trị khác. Đối với các tổ chức tín dụng, CT giúp tiếp cận, thiết lập được quan hệ khách hàng là các DN, qua đó cung cấp thêm nhiều dịch vụ tín dụng khác. Như vậy, TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước không sử dụng ngân sách để thực hiện CT, đây là bước tiến lớn, được Chính phủ và nhân dân đánh giá cao. Thông qua sự phát triển của CT, toàn thành phố hiện phát triển 192 siêu thị, 41 trung tâm thương mại, hơn 900 cửa hàng tiện lợi… nhằm phục vụ nhu cầu của hơn 13 triệu dân. Đáng kể nhất là qua CT, đã phát triển 10.552 điểm bán hàng Việt, hàng bình ổn bảo đảm cung ứng tận tay người tiêu dùng. CT còn góp phần thực hiện thành công Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị trên địa bàn thành phố.

Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, với tỷ trọng GDP, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đều chiếm từ 20% đến 25% so với cả nước, có thể nói, bởi thành phố vừa là trung tâm phân phối, trung chuyển vừa là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất trong vùng và cả nước; không chỉ lo nguồn hàng cho hơn 13 triệu dân với sức tiêu thụ tăng trưởng bình quân từ 15% đến 20% /năm, mà còn là đầu mối cung ứng lượng hàng hóa rất lớn cho các địa phương khác. CT với mục tiêu cung cấp các hàng hóa thiết yếu nhất trong cuộc sống của nhân dân, với số lượng dồi dào, chất lượng bảo đảm, giá cả hợp lý, tiếp cận dễ dàng; đồng thời là công cụ điều tiết, ổn định thị trường khi có biến động giá không hợp lý, là chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng bộ và chính quyền thành phố, thể hiện rõ vai trò quản lý nhà nước trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bình luận của bạn