Hiệu quả từ Chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn
Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian qua, Chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, theo phản ánh của bạn đọc, nhiều phiên chợ hàng Việt về các vùng nông thôn vẫn còn mang nặng tính hình thức, chưa đáp ứng nhu cầu cũng như mong muốn của người tiêu dùng.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Phương Lan, dịp cuối năm 2015, Sở Công thương TP Hà Nội đã phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã tiến hành khảo sát, tổ chức các điểm bán hàng phục vụ người dân như: Tổ chức 370 chuyến bán hàng lưu động tại 18 huyện, thị xã và các Khu công nghiệp: Bắc Thăng Long, Nam Thăng Long, cụm công nghiệp Minh Khai; tổ chức 30 Phiên chợ Việt tại 15 huyện trên địa bàn thành phố; tháng khuyến mãi và Hội chợ đặc sản vùng miền. Phần lớn các chương trình này đều nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn tự tổ chức bán hàng lưu động ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu tiếp cận, mua sắm hàng hóa, nhất là hàng sản xuất trong nước, của người dân nông thôn. Điều đáng nói là, tại những phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi” và hội chợ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, 100% các mặt hàng bày bán đều là hàng sản xuất trong nước, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng với nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá kèm theo... Hàng hóa tham gia chương trình tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các nhóm hàng tham gia chương trình bình ổn giá, quần áo, giày dép, đồ gia dụng, giấy vở học sinh… Với mẫu mã đa dạng, giá hợp lý, cho nên hàng Việt Nam đang ngày càng được khách hàng nông thôn ưa chuộng. Bà Nguyễn Thị Tâm, ở xã Vân Phúc (Phúc Thọ, Hà Nội) cho rằng: “Nhờ có các chuyến hàng Việt về nông thôn, đã tạo điều kiện cho người dân nông thôn chúng tôi tiếp cận, mua sắm hàng Việt một cách dễ dàng hơn. Không ít gia đình ở quê tôi bây giờ chủ yếu sử dụng hàng hóa trong nước sản xuất”.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, kết quả nổi bật nhất của việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” từ Chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn, không chỉ tạo ra sự tương tác hai chiều giữa doanh nghiệp và người dân khu vực nông thôn, mà còn làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của người tiêu dùng, góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước. Người dân khu vực nông thôn còn có thêm cơ hội để tham quan, mua sắm những mặt hàng chất lượng cao, do chính các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Từ đó, có thêm thông tin để so sánh, đánh giá về chất lượng, giá cả của hàng sản xuất trong nước với hàng nhập ngoại được bày bán trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường. Còn với các doanh nghiệp, việc tham gia các phiên chợ hàng Việt đã giúp họ quảng bá, giới thiệu và tiếp cận được thị trường. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu và sức mua của người dân khu vực nông thôn, từ đó đưa ra được những chiến lược kinh doanh phù hợp hơn. Khảo sát thực tế, tại một số chợ ở các vùng nông thôn của huyện Thạch Thất, Ứng Hòa (Hà Nội), sự hiện diện của sản phẩm trong nước tăng lên khá nhiều so với trước, nhất là đối với hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng thực phẩm, may mặc. Chị Nguyễn Thị Loan, công nhân Khu công nghiệp Nam Thăng Long, Hà Nội cho biết : “Là công nhân, thu nhập không cao, do vậy khi có thời gian, em cùng bạn bè thường đến những phiên chợ hàng Việt để mua sắm. Vì tại đây, hàng hóa phong phú mà giá cả cũng hợp lý, nhất là không sợ hàng quá hạn sử dụng”.
Có thể nói, Chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn ở Hà Nội nói riêng và các địa phương khác trên địa bàn cả nước nói chung đã mang lại những hiệu ứng tích cực và đưa nhiều loại sản phẩm thiết yếu của các DN sản xuất trong nước đến gần với người tiêu dùng nông thôn hơn. Tuy nhiên, nhìn chung, những phiên chợ hay chuyến hàng Việt về nông thôn vẫn chưa được như mong muốn. Theo phản ánh từ nhiều doanh nghiệp từng tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, không ít phiên chợ hàng Việt tổ chức còn khá rời rạc, thiếu sự liên kết, chuyên nghiệp. Thậm chí, có một vài doanh nghiệp chưa có ý thức coi trọng khách hàng khi bán hàng lỗi mốt, hàng tồn, hàng kém chất lượng trong các phiên chợ. Mặt khác, các chuyến hàng khi về đến các xã đều diễn ra trong một thời gian rất ngắn và không cố định; hàng hóa, mẫu mã sản phẩm chưa phong phú, đa dạng, chất lượng chưa ổn định, cho nên không thu hút được người mua. Tại các chợ địa phương vẫn còn các đại lý trên địa bàn bày bán sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí còn có cả hàng giả, hàng nhái. Bản thân doanh nghiệp khi tham gia Chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn cũng vấp phải không ít khó khăn. Phần lớn, kinh phí thực hiện đưa hàng Việt về nông thôn, về khu công nghiệp, khu chế xuất… đều do doanh nghiệp tự trang trải. Chưa kể, do tình hình kinh tế suy thoái, thu nhập giảm sút, cho nên sức mua của người dân cũng hạn chế…
Hiệu quả của những chuyến hàng và Phiên chợ Việt về nông thôn là rất rõ, nhưng để người tiêu dùng trong nước thật sự tin dùng và gắn bó với hàng Việt, rất cần một chiến lược dài hơi, đồng bộ và hiệu quả, linh hoạt. Cùng với những giải pháp thiết thực của ngành chức năng trong công tác phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, mở rộng mạng lưới kênh phân phối bán hàng Việt tại các khu vực nông thôn; tăng số chuyến bán hàng và kết hợp các hoạt động cung ứng hàng hóa cho các đại lý khu vực ngoại thành, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp phát triển điểm bán cố định tại địa phương, thực hiện hiệu quả liên kết công nghiệp thương mại giữa các tỉnh, thành phố, qua đó giúp các doanh nghiệp giới thiệu và khai thác tạo nguồn hàng Việt đa dạng với chất lượng và giá cả hợp lý. Nhà nước cần tiếp tục tăng cường kinh phí cho việc xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiểm soát hàng hóa, phòng, chống các hành vi sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, nhằm bảo vệ, hỗ trợ người tiêu dùng.