Hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp

Những năm qua, công tác xúc tiến thương mại (XTTM) với những hoạt động, chương trình cụ thể đã có đóng góp quan trọng vào thúc đẩy phát triển thương mại, sản xuất hàng hóa, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu, tạo sự cân bằng cán cân thương mại… Để có cái nhìn tổng quan về hoạt động XTTM năm 2016 và định hướng những năm tới, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Huy Sơn - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương).

Thưa ông, để thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, hoạt động XTTM thời gian qua và năm 2016 đã được triển khai như thế nào?

Năm 2016, hoạt động XTTM tiếp tục được triển khai tích cực, với một số nét nổi bật. Hình thức hoạt động đa dạng, phong phú được chia thành 2 nhóm. Trước hết là các hoạt động hỗ trợ trực tiếp giúp doanh nghiệp tìm kiếm bạn hàng, tiếp cận thị trường thông qua việc tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế, đón các đoàn khách mua hàng nước ngoài. Tiếp đến, các hoạt động hỗ trợ gián tiếp, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển sản phẩm như các khóa đào tạo, tập huấn về kỹ năng nghiên cứu thị trường, phát triển thương hiệu, thiết kế, phát triển sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin trong XTTM.

Ông Bùi Huy Sơn – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương)

Về kết quả, hoạt động XTTM đã hỗ trợ trực tiếp hàng trăm nghìn doanh nghiệp. Giá trị các hợp đồng thương mại, thỏa thuận kinh doanh chỉ tính riêng tại các hoạt động thuộc Chương trình XTTM quốc gia năm 2016 đạt hơn 167 triệu USD và 190 tỷ đồng, đóng góp tích cực vào việc duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong khi nhiều nước lân cận suy giảm. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 11, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 159,94 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Kim ngạch của 10 nhóm hàng có giá trị xuất khẩu lớn đều ghi nhận tăng trưởng, như: Mặt hàng điện thoại và linh kiện điện tử đạt 31,6 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ; dệt may đạt 21,56 tỷ USD, tăng 4,6%; giày dép các loại đạt 11,67 tỷ USD; nhóm hàng nông sản bao gồm rau quả, hạt điều, cà phê, chè, hạt tiêu, gạo đạt gần 11,36 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước.

Một số thị trường xuất khẩu, trong đó có các thị trường truyền thống như: Hoa Kỳ, EU… tiếp tục phát triển mạnh. Kết quả này thể hiện nỗ lực trong các biện pháp giữ vững trọng tâm khai thác các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang tiếp tục phát huy hiệu quả tốt, cũng như từng bước tận dụng các lợi thế của các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Cùng với đó, thị trường trong nước tiếp tục ổn định, phát triển. Cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” được triển khai thiết thực, nâng cao tỷ lệ sử dụng hàng Việt tại thị trường trong nước. Tỷ lệ hàng Việt tại nhiều địa bàn chiếm tới gần 90% góp phần phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…

Mặc dù vậy, trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu sắc, hoạt động XTTM còn nhiều hạn chế cần tiếp tục đổi mới về hình thức và nội dung, nâng cao hiệu quả, tính bền vững trong tương lai.

Vậy, trong giai đoạn tới hoạt động XTTM sẽ có chuyển biến hay đột phá như thế nào để đáp ứng được yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế, thưa ông?

Hoạt động XTTM sẽ tiếp tục bám sát mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu và phát triển thị trường trong nước, trong đó có thị trường biên giới, hải đảo. Với mục tiêu đó, cách thức thực hiện các hoạt động XTTM sẽ tiếp tục được đổi mới.

Cụ thể: Thực hiện theo chuỗi giá trị để tăng tính bền vững, hiệu quả dài hạn của hoạt động XTTM, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét khả năng hỗ trợ các đề án tổng thể gắn với thị trường, ngành hàng cụ thể có mục tiêu rõ ràng trong trung hạn 3-5 năm. Tăng tỷ trọng hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (năng lực phân tích thị trường, thiết kế, triển khai hoạt động XTTM…), từ đó, sẽ giúp tăng hiệu quả kinh phí hỗ trợ của nhà nước đối với doanh nghiệp; tăng cường vai trò và sự gắn kết giữa Chương trình XTTM quốc gia, Chương trình Thương hiệu quốc gia và các chương trình khác để phát huy sức mạnh tổng hợp hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập, đứng vững tại các thị trường mới và khó.

Cùng với đó, xây dựng cơ chế khuyến khích sự tham gia chủ động, tích cực của doanh nghiệp để hoạt động XTTM cộng hưởng, đồng hướng với nỗ lực phát triển của doanh nghiệp… Làm tốt các giải pháp đột phá trên để hoạt động XTTM hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả và bền vững.

Những năm gần đây, nhờ XTTM hoạt động xuất khẩu đã tạo dấu ấn trong nền kinh tế, ông có thể cho biết, thời gian tới hoạt động XTTM sẽ tập trung vào những ngành hàng, thị trường nào để đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu?

Những năm qua, lĩnh vực xuất khẩu đã đóng góp quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế và tạo việc làm. Trong bối cảnh hiện nay, thúc đẩy xuất khẩu sẽ vẫn tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng. Trong tiến trình này, chúng ta cần đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng và mang thương hiệu Việt Nam để dần xác lập chỗ đứng vững bền trên thị trường thế giới đối với hàng Việt… Hoạt động XTTM trong thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung vào các mặt hàng và thị trường như sau: Trước hết sẽ đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường có ưu đãi thương mại, các thị trường mà Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do. Tiếp tục tập trung và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường truyền thống như: Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước ASEAN. Cùng với đó, sẽ khai thác thêm các thị trường có tiềm năng như châu Phi, Trung Đông.

Về mặt hàng xuất khẩu, sẽ tập trung vào các mặt hàng Việt Nam có lợi thế so sánh cao và có thế mạnh như thuỷ sản, nông sản, thực phẩm chế biến, điện thoại và linh kiện điện tử, dệt may, da giày. Tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng, xuất khẩu bằng thương hiệu của Việt Nam. Đẩy mạnh hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo giá trị cho sản phẩm sản xuất trong nước, phục vụ các thị trường ngách, yêu cầu cao nhưng giá trị lớn.

Ở cấp độ quốc gia hay một số doanh nghiệp lớn thì hoạt động XTTM đã được quan tâm, đẩy mạnh, nhưng với một số địa phương, doanh nghiệp công tác này còn hạn chế, ông có nhắn gửi gì tới các đơn vị này?

Trong nền kinh tế thị trường đang hội nhập sâu sắc hiện nay, muốn thành công chúng ta cần làm cho khách hàng, đối tác biết rằng các sản phẩm của ta “tốt gỗ, tốt cả nước sơn”. Cùng với nâng cao chất lượng hàng hoá thì việc giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm mở rộng thị trường là hết sức quan trọng. Từ khách hàng, thị trường sẽ có tác động trở lại thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh, giá trị hàng hóa… Mong rằng các địa phương, doanh nghiệp hãy chủ động xác định thế mạnh, lợi điểm đặc thù của địa phương, doanh nghiệp, đồng hành với các chương trình, hoạt động XTTM của các hiệp hội, ngành hàng, địa phương và Cục XTTM để cùng tìm ra hướng đi hiệu quả nhất đến với khách hàng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bình luận của bạn